Chết tức tưởi vì dùng sạc điện thoại dỏm

Thứ Hai, 18/07/2016 05:30

|

(CAO) Sạc pin điện thoại (ĐT) tưởng chừng vô hại với con người, nhưng nếu sạc không đúng cách sẽ gây ra hậu quả khó lường.

Liên tiếp xảy ra tai nạn

Trong lúc chơi game, cháu Lê Minh Thông (SN 2002, ngụ đường Đất Mới, P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân, TP.HCM) vẫn cắm sạc pin ĐT. Do nguồn điện ở ổ cắm bị hở khiến Thông bị điện giật bất tỉnh. Trong lúc ở nhà không có ai nên cháu đã tử vong sau đó.

Ngày 22-9-2015, chị Ngô Thị Liên (SN 1991, ngụ ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) đang dùng chiếc ĐT iPhone 3 cắm sạc pin, bất ngờ bị điện rò giật tử vong. Trên cổ và ngực nạn nhân, có hai vết cháy sém màu đen. Bước đầu, cơ quan điều tra nhận định chị Liên chết là do bị điện rò rỉ giật chết khi sử dụng sạc ĐT đang sạc pin.

Chiếc ĐT bị rò điện khi đang sạc - Ảnh: Phan Sơn

Trước đó, năm 2012, anh Kiều Thế Bắc (SN 1992, ngụ ở tỉnh Lâm Đồng) cũng tử vong do vừa dùng ĐT khi đang sạc pin ĐT. Hay trường hợp khác làm trong ngành Kiểm toán ở TP.Đà Nẵng cũng trở thành nạn nhân của việc dùng ĐT khi đang sạc pin. ĐT nổ làm màn hình tinh thể lỏng bị các tia lửa điện phóng làm cháy đen thành hai vạch lớn, có chổ thủng lỗ to bằng ngón tay út.

Gần đây, anh Đoàn Văn Hùng (SN 1970, ngụ tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM) bị bỏng nặng gần như toàn thân khi nghe ĐT trong lúc sạc pin khiến tia lửa điện phóng xuống... Có thể thấy, tai nạn do cháy, nổ khi vừa sạc, vừa dùng ĐT xảy ra không hiếm. Tuy nhiên có rất nhiều người vẫn tỏ ra khá dửng dưng trước vấn đề này.

Một nạn nhân bị phỏng chân khi dùng ĐT đang sạc

Ngoài việc rò điện trong lúc vừa dùng ĐT, vừa sạc pin, việc dùng ĐT khi trời đang mưa giông cũng rất nguy hiểm. Ngày 15-6-2015, trong lúc trời mưa giông, một nhóm em nhỏ ở huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hóa) đang chăn bò thì có một em dùng ĐTDĐ bị sét đánh trúng khiến em này tử vong tại chỗ. Các em khác bị thương nặng phải cấp cứu. Tương tự, ngày 25-5-2015, anh Lò Văn Chung (SN 1983, tỉnh Điện Biên) cùng sáu người thân đang gặt lúa giữa đồng thì có trời mưa, sấm sét. Nghe chuông ĐT reo, anh Chung lấy ĐT ra nghe thì bị tia sét đánh trực diện khiến anh tử vong tại chỗ, sáu người xung quanh cũng đều bị thương.

Cảnh giác với sạc điện thoại Trung Quốc

Một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn trên phần lớn do người dùng sử dụng cục sạc ĐT giá rẻ, không đảm bảo chất lượng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong khi đó, sản phẩm tương tự đến từ các thương hiệu lớn như Nokia, Sony, Samsung, Apple có giá cao hơn gấp từ ba đến bốn lần.

Theo anh Lê Quang Tuấn, chủ một cửa hàng linh kiện ĐT trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.10), ngoài sạc nguyên “zin” đi theo máy từ nhà sản xuất, các cục sạc còn lại đều nhập về từ Trung Quốc với giá khá rẻ như “bèo”, bán ra chỉ dao động từ 30 ngàn đồng đến 50 ngàn đồng, thậm chí có thể rẻ hơn.

Những bộ sạc này so với sạc xịn đã bị lược bỏ nhiều linh kiện hoặc có sử dụng cũng chất lượng rất kém. Công năng chuyển đổi từ điện áp từ 220V xuống dòng điện một chiều 5V không ổn định lâu dài, có thể gây nóng và hỏng pin.

Một cục sạc trôi nổi trên thị trường - Ảnh: Phan Sơn 

Hiện nay, người mua có thể dễ dàng mua những sạc pin không rõ nguồn gốc tại các cửa hàng phụ kiện hoặc nhiều khu chợ dành cho sinh viên, học sinh. Khi được hỏi về nguồn gốc, người bán hàng không ngần ngại cho biết chúng là hàng nhái. Tuy nhiên, với mức giá rẻ, nhiều người bất chấp nguy hiểm để sử dụng.

“Mình vừa mua cục sạc iPhone 5 giá 80.000 đồng ở chợ đêm làng đại học Thủ Đức. Nếu mua loại chính hãng sẽ có giá từ 400 ngàn đồng đến 500 đồng. Cũng nghe nói nhiều vụ chập điện, cháy nổ từ sạc rẻ nhưng không lẽ mình xui xẻo đến vậy?”, Minh Huy, sinh viên trường đại học Hồng Bàng TP.HCM cho biết.

Cục sạc ĐT gây ra cái chết của chị Liên (Nghệ An) 

Theo Long - một chuyên viên của FPT Shop, người dùng ĐT, máy tính bảng không nên ham rẻ mà tìm mua các loại sạc giá “bèo” không có nguồn ngốc. Những loại sạc này tiền ẩn nhiều rủi ro trong quá trình sử dụng. Trong khi, các loại chính hãng đều có có mạch bảo vệ tự động, tức là tự ngắt khi gặp sự cố nên đảm bảo được an toàn cho người dùng. Hạn chế sử dụng ĐT, các thiết bị điện tử cầm tay (hand-held) khi đang sạc pin hoặc tiếp xúc với ĐT đang sạc khi tay ướt, không sử dụng ở môi trường có nguy cơ cháy nổ cao, đảm bảo đấu nối vào nguồn điện đúng quy cách…

Thực trạng các linh kiện điện thoại không rõ nguồn gốc bán tràn lan trên thị trường đã diễn ra từ lâu, tuy nhiên ít có một cơ quan quản lý nào “sờ gáy”. Họ vẫn buôn bán quanh năm, suốt tháng một cách dễ dàng như lời khẳng định mà các chủ cửa hàng trên đã giới thiệu.

Bình luận (0)

Lên đầu trang