Độc đáo chợ heo Bà Rén

Thứ Sáu, 01/02/2019 10:48  | Hải Đường

|

(CAO) Những ngày cận Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhiều người đến chợ heo Bà Rén (xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) bán hoặc mua heo. Chợ heo này hình thành từ những năm 1970, là nơi lưu giữ những nét đặc trưng của làng quê Việt Nam.

Phiên chợ heo ngày cận Tết

Những ngày này, khoảng 6 giờ sáng, chợ heo Bà Rén (xã Quế Xuân 1) bắt đầu sôi động, nhộn dịp tiếng nói cười của người mua, người bán và xen lẫn những âm thanh của tiếng xe máy và tiếng kêu inh éc của các chú heo con.

Bà Trần Thị Liên, người có thâm niên hơn 10 năm gắn bó với chợ heo Bà Rén nói: “Chợ heo này hình thành từ những năm 1970 cho đến nay. Vì nhờ chủng loại heo phong phú, đa dạng và giá cả phù hợp, nên dẫu phải trải qua nhiều giai đoạn khó khăn của người chăn nuôi nhưng chợ heo vẫn tồn tại được.

Đó chính là nét đẹp trong truyền thống sản xuất, chăn nuôi của người dân xứ Quảng. Không chỉ bán heo trong chợ, các thương lái còn thu gom nhập bán heo giống cho thị trường các tỉnh, thành trong cả nước”.

Các chú heo được cân bán cho người mua đem về nuôi
Ở chợ cũng có nhiều người làm nghề bồng heo thuê cho các thương lái
Các thương lái đem heo con đến chợ heo Bà Rén bán

Theo bà Liên, chợ bắt đầu họp từ 6 giờ sáng đến tầm 9 giờ thì nghỉ. Điều đặc biệt là để đảm bảo sức khỏe cho những chú heo, phiên chợ chỉ nhóm vào những ngày nắng đẹp. Tầm khoảng 28 Tết chợ heo sẽ nghỉ và họp phiên chợ mới đầu năm vào ngày mùng 8 tháng Giêng.

Ông Phạm Cư, Trưởng Ban quản lý chợ heo cho biết, chợ này được nhà nước đầu tư, đây là khu chợ lớn nhất Quảng Nam. Khu chợ heo tập trung nên các thương lái ở các huyện, vùng khác thường về đây buôn bán. Hiện có 100 hộ đang kinh doanh, buôn bán heo tại chợ.

Ban quản lý rất quan tâm về vấn đề dịch bệnh, luôn kiểm soát, thường xuyên phun thuốc khử độc, khử trùng để đảm bảo vệ sinh trong khu vực chợ cũng như tránh tình trạng dịch bệnh cho heo. Đặc biệt, chợ heo Bà Rén cũng thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan bởi vì sự tò mò của họ với nét độc đáo, khác biệt của phiên chợ này.

Nghề bồng heo

Ở các chợ heo khác, chúng ta thường chỉ nghe nói nghề bán heo, bắt và chở heo, còn ở chợ heo Bà Rén có thêm nghề “bồng heo”. Vì do nhu cầu cân heo bán cho bạn hàng, các chủ heo phải di chuyển heo từ rọ này sang rọ khác, có khi họ còn bồng heo lên ngắm nhìn, kiểm tra sức khỏe vừa ý rồi họ mới mua. Sau nhiều thời gian, dần dần nghề bồng heo xuất hiện như một nghề mưu sinh của nhiều chị em ở chợ heo này.

Một góc nhộn dịp chợ heo Bà Rén ngày cuối năm

Bà Trần Thị Thảo, có 27 năm trong nghề bồng heo ở chợ Bà Rén cho biết: “Công việc của tôi bắt đầu từ 5 giờ đến 10 giờ sáng. Mỗi ngày bồng khoảng 100 con. Con lớn được trả 1 ngàn, con nhỏ 500 đồng. Cực nhọc và vất vả lắm thì mỗi ngày cũng chỉ kiếm được hơn 70 -100 ngàn. Nghề bồng heo nhìn đơn giản nhưng thật ra rất vất vả. Bồng heo cũng phải biết cách, bồng phải vừa nhanh, vừa cẩn thận để heo không bị thương, không vùng vẫy”.

Theo các bà, các chị làm nghề “bồng heo”, heo nặng không sao nhưng cực khổ và khó chịu nhất là mùi hôi từ heo. Mùa nắng mùi phân bốc lên, mùa mưa thì phân nhễ nhại. Cực nhọc là thế nhưng đã giúp cho nhiều chị, cô có khoảng thu nhập để lo cho gia đình sắp Tết.

Bình luận (0)

Lên đầu trang