Các trường học, ký túc xá, nhà lưu trú cho công nhân... được trưng dụng để lưu trú cho các bệnh nhân F0. Những bệnh nhân trở bệnh nặng mới được điều chuyển tới các bệnh viện, các Trung tâm y tế Hồi sức bệnh nhân Covid-19. Để giành lại sự sống cho người bệnh, nhiều bác sĩ (BS), y tá (YT), điều dưỡng (ĐD), tình nguyện viên (TNV)... trong nhiều tháng liền không được về nhà. Nhiều người tuyến đầu cũng phải ra đi mãi mãi vì... Covid-19.
Tận tụy với nghề
Bác sĩ chuyên khoa I, Lê Nữ Anh Mai (ngụ P25, quận Bình Thạnh) vẫn thất thần kể lại những câu chuyện trong những tháng cao điểm chống bệnh Covid-19, hầu hết các BS, YT, ĐD, TNV và những lực lượng tuyến đầu phải nỗ lực với quyết tâm cao nhất để giành lại sự sống cho các bệnh nhân. Có những y, bác sĩ nhà chỉ cách nơi điều trị 2-3km nhưng không thể về nhà.
Trong những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8, UBND TPHCM cho phép Sở Y tế dựng hàng loạt bệnh viện dã chiến (BVDC) để chiến đấu với đại dịch Covid-19. Những bệnh viện mới được thành lập được kể đến như: BVDC thu dung số 5 tại The Garden Mall (Thuận Kiều Plaza) ở quận 5. Với yêu cầu, các đơn vị, lực lượng đẩy nhanh nhất tiến độ, sớm hoàn thành các BVDC Củ Chi 1, 2, 3; BVDC thu dung điều trị Covid-19, số 1, 2, 3... 10 điều trị bệnh nhân Covid trên địa bàn TP sớm được hoàn thành, chứa hàng trăm bệnh nhân Covid-19 đến được điều trị.
Nhiều bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng sức khỏe yếu ớt
Theo ghi nhận, BVDC thu dung số 5 tại The Garden Mall với quy mô 1.000 giường bệnh vào thời điểm ấy phải gấp rút hoàn thành chỉ trong hơn 10 ngày thi công thần tốc. Công ty CP Đầu tư An Đông, đã quyết định cải tạo toàn bộ mặt bằng khu thương mại tầng 1 và 2 với diện tích 20.000m2 để TPHCM làm BVDC số 5 với 1.000 giường điều trị bệnh nhân, đi vào hoạt động vào những ngày cuối 7-2021.
Trong khi đó, vào những ngày cuối 8-2021, UBND TP.Thủ Đức đã cho phép tới ba BVDC điều trị Covid-19 số 1, 2, 3 trực thuộc TP.Thủ Đức đi vào hoạt động có chức năng khám bệnh, sàng lọc, cách ly, điều trị, chăm sóc và cấp cứu bệnh nhân Covid-19. Trong đó, BVDC điều trị Covid-19 số 1 được đặt tại Block A, Chung cư Bình Minh (đường số 1, Khu KTX Trường Cao đẳng Công thương) có quy mô 800 giường. BVDC số 4 ở phường Linh Trung có quy mô 1.500 giường. BVDC số 2 và số 3 có quy mô lần lượt hơn 800 giường.
Một bác sĩ mới đây phải ra đi vì mắc Covid-19 là bác sĩ Lương Lễ Hoàng. Sau những tháng ngày tâm huyết cống hiến không mệt mỏi cho cộng đồng, bác sĩ Lương Lễ Hoàng giã từ cõi trần tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.Thủ Đức. Trước khi mất vì Covid-19, vị bác sĩ này dành cả đời tâm huyết để phổ biến kiến thức y khoa đến từng nhà, từng người.
Bác sĩ giành lại sự sống cho người bệnh
Xuất thân từ Đại học Y khoa Minh Đức (Trường Y đầu tiên và duy nhất ở miền Nam) với tôn chỉ kết hợp Đông - Tây Y, xây dựng một nền y học đậm đà bản sắc dân tộc, đại chúng và nhân bản, bác sĩ Lương Lễ Hoàng tiếp tục theo đuổi hoài bão và phát huy giá trị của nền y học cổ truyền phương Đông. Ông là bác sĩ nhưng lại cộng tác với nhiều tờ báo với đủ các loại từ phát thanh, truyền hình, báo, tạp chí... với những bài viết, tranh ảnh, sách, ngôn từ với phong thái uyên bác, đỉnh đạc, của ông luôn dí dỏm, dễ đi vào lòng người. Ông viết hàng chục cuốn sách về y học và hàng trăm bài báo nhằm chia sẻ kiến thức phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng từng chủ trì hàng chục chương trình tương tác về sức khỏe trên sóng truyền hình và sóng phát thanh như: "Y khoa vui vẻ”, "Thầy thuốc của nông dân", "Mỗi ngày một lời khuyên" hoặc "Mượn sức thiên nhiên phòng bệnh". Ngoài ra, ông còn để lại cho đời hơn 30 tác phẩm như "Dinh dưỡng để phòng bệnh", "Dinh dưỡng để trị bệnh", "Khỏe nhờ sinh tố", "Mạnh nhờ khoáng tố", "Nỗi buồn ngày mới lớn", "Thuốc đắng dã tật", "Ngọn đèn trước gió”, "Mỗi tuần một chuyện cà kê”, "Cháy máy vì nghẹt xăng".
Hy sinh vì người bệnh
Trước đó, vào tối 16-8-2021, nữ hộ sinh Dương Nguyễn Thùy Trinh, công tác tại Khoa sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cũng tử vong do mắc Covid-19. Đau lòng hơn, trước khi mất, Thùy Trinh đang mang thai hơn 20 tuần tuổi.
Trong điếu văn vĩnh biệt Dương Nguyễn Thùy Trinh, ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho rằng, cái chết đối với từng người vốn dĩ là một hành trình cô đơn không thể chia sẻ cùng ai. Nay điều khủng khiếp nhất của đại dịch Covid-19 không chỉ là chia cách tình thân, cắt đứt sự giao tiếp trong xã hội mà còn đẩy những người bị nhiễm và người bị chết vào hoàn cảnh đơn độc đến tận cùng.
Nữ hộ sinh Thùy Trinh và những bệnh nhân không may đã phải chấm dứt sự sống của mình trong sự tàn nhẫn của cái chết do đại dịch Covid-19. Chúng tôi rất đau xót nhưng cũng tự hào vì sự hy sinh của một đồng nghiệp sẽ góp phần mang lại cuộc sống cho rất nhiều người ở lại.
Nữ hộ sinh Thùy Trinh bị nhiễm Covid-19 diễn biến nặng nên được điều trị tại Cơ sở Phú Chánh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh và đã qua đời tại đây. Trong bức thư chia buồn, Tỉnh ủy, UBND, MTTQ tỉnh Bình Dương bày tỏ "gia đình và các đồng nghiệp mãi mãi tự hào về người chiến sĩ áo trắng, đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân". Chúng ta chỉ có một con đường là phải chiến đấu và phải chiến thắng, như vậy mới đem cuộc sống mạnh khỏe, bình an vốn có trước đây của chúng ta quay trở lại.
Trong khi đó, vào những ngày cuối tháng 8-2021, tỉnh Bình Dương ghi nhận số ca mắc Covid-19 trên địa bàn toàn tỉnh đã vượt hơn 124.000 ca mắc. Có ngày, Bình Dương đã ghi nhận số ca mắc mới đạt kỷ lục với 6.414 ca. Để chống dịch, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã phải đề ra chủ trương, kéo dài giãn cách xã hội tại các "vùng đỏ”; tiếp tục "khóa chặt, đông cứng" ở các phường "vùng đỏ” tại thành phố Thuận An, thành phố Dĩ An và hai thị xã Tân Uyên, Bến Cát.
Bệnh viện dã chiến cơ sở Thới Hòa điều trị bệnh nhân lớn nhất Việt Nam
Riêng tại BVDC lớn nhất Bình Dương cơ sở Thới Hòa, lúc cao điểm đã tiếp nhận 21.081 bệnh nhân đến điều trị do Covid-19. Theo báo cáo của Sở Y tế Bình Dương số ca mắc Covid-19 tính đến ngày 19-10 đã vượt 134.000 ca bệnh. Trong khi đó, sau những ngày 20-10, số lượng ca mắc có giảm đáng kể nhưng những địa phương "vùng đỏ” vẫn phải thực hiện biện pháp "khóa chặt, đông cứng" tại 11 phường "vùng đỏ đậm đặc" với hơn 700.000 người dân.
Trong thời gian này, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã chỉ đạo các địa phương thuộc "vùng đỏ” phải triển khai nhanh công tác xét nghiệm, bóc tách F0 khỏi cộng đồng, với yêu cầu khi có kết quả test nhanh, nếu phát hiện trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 thì đưa ngay đến khu điều trị mà không chờ kết quả PCR. Tập trung phân loại nhanh F0 sau khi ghi nhận để nhanh chóng tư vấn, điều trị kịp thời ngay tại địa phương, tránh những trường hợp chuyển nặng chuyển viện lên tuyến trên.
Đặc biệt, tỉnh Bình Dương yêu cầu công tác xét nghiệm không để sót, lọt F0 trong cộng đồng; yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng "bỏ sót" đối tượng lấy mẫu xét nghiệm và để người dân né tránh lấy mẫu mà không có biện pháp xử lý kịp thời. Ngoài ra, tỉnh Bình Dương còn giao cho Sở Y tế phối hợp, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm túc việc lấy mẫu, xét nghiệm tầm soát diện rộng trong cộng đồng. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng né tránh lấy mẫu.
Trường hợp phát hiện vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm, không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền thì xử lý nghiêm, buộc phải thực hiện xét nghiệm theo đúng quy định. Tuy nhiên, đến những ngày cuối tháng 10, số lượng bệnh nhân đến và điều trị tại đây giảm chỉ còn ba con số đến điều trị. Theo đó, UBND tỉnh Bình Dương đã có chủ trương và quyết định đóng cửa BVDC cơ sở Thới Hòa vào cuối tháng 10-2021.