(CATP) Nhiều năm qua, người dân thôn 7, xã Sơn Giang, TX.Phước Long, tỉnh Bình Phước phải gồng mình sống trong sự "hành hạ” của Mỏ đá Phú Hương. Tiếng ồn đinh tai, bụi bay mù trời, xe ben ra vào cày nát đường dân sinh, làm ảnh hưởng môi trường sống xung quanh mỏ khiến bà con bức xúc...
MỎ ĐÁ "NUỐT" ĐƯỜNG DÂN SINH
Theo phản ánh của người dân, chúng tôi tìm đến khu vực mỏ đá, bắt đầu từ trung tâm hành chính thị xã, theo chân đoàn xe ben chở đá tìm đến tận nơi, cách đó chưa đầy 5km. Con đường dẫn vào mỏ đá len giữa vườn cây và nhà ở của dân, mỗi khi xe ben chở đá chạy qua, bụi cuộn lên mù trời khiến người đi sau không thấy được người phía trước. Cứ chạy chừng 100m lại có xe chở đá từ trong chạy ra, chúng tôi phải tấp vào vườn cây "lánh nạn". Từ khi mỏ đá đi vào khai thác, bà con ở đây thỉnh thoảng lại thót tim khi tiếng nổ mìn phá đá vang lên.
Anh Thế Phong (ở TX.Phước Long) thường xuyên đi rẫy ngang khu vực mỏ đá này chia sẻ: "Họ nổ mìn khai thác đá từ mấy năm nay, mỗi ngày hàng trăm lượt xe ben vận chuyển đá ra vào như chốn không người, đường sá nào chịu nổi!". Chỉ tay vào 1ha đất sát ranh mỏ đá, ông V.Đ bức xúc cho biết: "Tôi mua khu đất này đã 2 năm nhưng không dám canh tác vì họ nổ mìn phá đá sát nách vậy ai dám làm! Không hiểu cơ quan nhà nước cấp phép mỏ đá khai thác kiểu gì lại sát mép đường, không có hành lang bảo vệ an toàn gì hết?".
Mỏ đá khai thác đã nhiều năm
Tại hiện trường, Mỏ đá Phú Hương đang khai khác trên diện tích gần 3ha, độ sâu hơn 20m, sát đường dân sinh gây nguy hiểm cho người lưu thông. Nghiêm trọng hơn, tại một vài vị trí mỏ đá đã "cạp" mất con đường mòn dân sinh trước đây, người dân muốn đi buộc phải theo lối vòng.
Sát bên đoạn đường bị "xẻ thịt" này, chủ mỏ đá chỉ lắp rào chắn qua loa cùng với biển cảnh báo cho người dân khu vực "Hố sâu - cẩn thận".
PHẢI CHĂNG CÓ SỰ "ĐỠ ĐẦU"?
Mỏ đá này là của Công ty TNHH MTV SX-TM-XD Phú Hương (xã Long Giang, TX.Phước Long), điểm mỏ được cấp phép khai thác nằm sát nách diện tích đất nông nghiệp của người dân, nên không đảm bảo an toàn cho bà con, trong khi Thông tư 20/2009/ BCT quy định hành lang an toàn, hành lang bảo vệ mỏ phải từ 100 - 300m. Được biết chủ mỏ đá đã mua lại một số diện tích đất nông nghiệp của người dân xung quanh, cách đó chừng 1km có trạm xay đá trộn bê-tông "siêu to, khổng lồ" mọc lên sừng sững, hoạt động ầm ĩ.
Mỏ đá "gặm" đường dân sinh, nắn đường đi sang hướng khác
Một số doanh nghiệp ở địa phương cho biết, họ nhiều lần xin phép mở mỏ đá, trạm trộn bê - tông ở khu vực này, nhưng đều bị chính quyền địa phương "lắc đầu". Người dân đặt vấn đề, phải chăng mỏ đá này có sự "đỡ đầu" mới thoải mái hoạt động như thế?
Để làm rõ phản ánh trên, PV đã liên hệ với Sở Công thương tỉnh Bình Phước đề nghị được xác minh thông tin, nhưng bà Ngô Thị Thanh Duyên - Chánh văn phòng sở - hẹn lần sau sẽ trả lời, vì sở... đang chờ giám đốc mới. Về phần mình, chủ mỏ đá cũng chẳng thấy hồi âm khi chúng tôi liên hệ...