Đường đi của pháo lậu
Trong những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đã có trường hợp tử vong do đốt pháo nổ. Hai trẻ em bị cụt mất bàn tay vì nhặt viên pháo của nhà hàng xóm bay "lạc" khi đốt. Nhiều vụ tai nạn thương tâm có nguyên nhân từ việc tự làm pháo, chế pháo hoặc đốt pháo xuất hiện trước và trong Tết. Ngành công an đã phát hành nhiều tài liệu tuyên truyền, cảnh báo, các cơ quan thông tin đại chúng liên tục đưa tin phục vụ công tác phòng ngừa. Vậy nhưng tình trạng sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và đốt pháo trái phép vẫn còn khá phổ biến.
Đêm giao thừa, bên cạnh những dàn phun viên pháo hoa hợp lệ do Nhà máy Z121 - Bộ Quốc phòng sản xuất, vẫn có nhiều tiếng pháo nổ hoặc pháo hoa nổ loạn xạ. Người dân bất đắc dĩ phải chứng kiến và "sống trong sợ hãi", đón năm mới mà cứ nơm nớp lo sợ. Không chỉ khiến người già, trẻ em giật mình, tiếng pháo nổ đinh tai nhức óc còn tiềm ẩn hiểm họa cháy nổ, tai nạn thương vong. Trong đó, báo chí từng đưa tin nhiều vụ việc nạn nhân cũng chính là "thủ phạm", chưa đến Tết nhưng đã sớm phải "chia tay" Tết.
Từ trước Tết Dương lịch 2024 vài tuần, trên mạng xã hội (MXH) đã nhan nhản hình ảnh chào mời mua pháo hoa. Những người có nhu cầu gọi điện đến tìm hiểu mới biết đây là màn "tiếp thị trá hình", bởi phía cung cấp sẽ tranh thủ giới thiệu thêm pháo nổ và cả pháo hoa không rõ nguồn gốc. Khi thấy khách hàng tỏ ra quan tâm đến pháo nổ, những gói "siêu khuyến mãi" hấp dẫn được đưa ra nhằm thuyết phục người mua đặt hàng.
Tuy nhiên, dù quảng cáo bằng cách nào đi nữa, sau cùng pháo lậu vẫn phải qua các công đoạn vận chuyển mới đến được tay người dùng. Với các "đầu nậu" bỏ mối số lượng lớn thường chở pháo trên đường bộ hoặc đường sắt. Cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ, thu giữ khối lượng pháo "chui" tính bằng tấn. Vậy nhưng đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng, vì pháo nổ "lọt lưới" vẫn không giảm.
Người bán pháo thường nhận đơn và hứa hẹn "ship tận giường". Mạng lưới "chân rết" mang trực tiếp đến cũng có và thuê "shipper" cũng không thiếu. Hình thức giao nhận thủ công truyền thống, kết hợp công nghệ kiểu này xem ra khó bị lộ. Mặc dù đã có một số nhân viên giao hàng chuyên nghiệp, cảnh giác và nghi ngờ gói hàng chứa ma túy nên đã "giao thẳng" cho công an phường. Song, với pháo nổ thì khác, người nhận hàng đôi khi là trẻ em hoặc người lớn có địa chỉ nơi ở rõ ràng nên không dễ đặt nghi vấn.
Những hình ảnh quảng cáo bán pháo hoa trên mạng xã hội
Không cần tìm cũng thấy, dễ mua, giao nhanh, bên "cung" chiều khách hết cỡ là những nguyên nhân chính khiến cho vấn nạn mua bán, tàng trữ, đốt pháo nổ vẫn tái diễn. MXH còn bất lực trước những hình ảnh rao bán các loại pháo bất hợp pháp. Vì thế, những đối tượng kinh doanh thứ chết người này có cơ hội lợi dụng khai thác. Dĩ nhiên, cộng đồng phải gánh chịu hậu quả.
Đừng đùa với "tử thần"
Thói quen muốn chơi trội, chơi nổi của không ít người đã vô tình tiếp tay cho pháo nổ tung hoành. Những kẻ làm giàu từ buôn bán "thần chết" vẫn ung dung thu lợi bất chính. Xem thường pháp luật và xem nhẹ mạng sống của người khác là điều cần phải lên án, xử lý nghiêm khắc.
Nhiều chiếc xe khách, xe tải "bỗng dưng" phát nổ bốc cháy, chắc chắn không phải tự nhiên. Những tai nạn hoặc cái chết thương tâm do đốt pháo, tự chế pháo năm nào cũng có, không mất mạng thì cũng tàn phế, nhiều bài học đắt giá "tiền mất tật mang". Dẫu vậy, dường như chưa đủ cảnh tỉnh người bán pháo và mua pháo.
Việc mua pháo hoa của các nhà máy thuộc Bộ Quốc phòng rất đúng với quy định, nhưng rao bán trên MXH là hành vi không được phép. Thử hình dung sẽ đáng sợ thế nào nếu mạnh ai nấy mua pháo nhân mùa Tết với số lượng lớn về tích trữ, bán lại kiếm lời; còn người dân mua pháo dễ như mua rau ngoài chợ. Lợi bất cập hại một khi xảy ra sự cố cháy nổ liên quan đến pháo. Thượng tôn pháp luật không chỉ thể hiện nhận thức cao, mà còn là cách hiệu quả nhất bảo vệ an toàn cho chính mình và xã hội.
Trước khi nghỉ Tết 2 ngày, 3 người vận chuyển, mua bán 40kg pháo lậu đã phải nhận án tù. Chưa đến Tết, nhưng họ đã mất Tết. Hy vọng rằng bản án này đủ sức cảnh tỉnh những ai buôn bán "thần chết", hoặc tìm niềm vui qua chuyện đốt pháo lậu.
Không có cầu sẽ không có cung. Đã tròn 30 năm kể từ ngày Chính phủ thực hiện cấm pháo nổ. Mỗi người cần tự giác chấp hành đúng những quy định về mua và sử dụng pháo hoa. Tuyệt đối không tham gia mua bán, tàng trữ, vận chuyển và đốt pháo nổ. Mọi sự thể hiện bản thân theo cách đùa giỡn với "tử thần" sẽ phải trả giá đắt, không bị phạt thì cũng có nguy cơ mất vui và điểm đến là... bệnh viện.
Mạnh dạn tố giác với cơ quan có thẩm quyền, trong trường hợp nhận thấy dấu hiệu nghi vấn hoạt động sản xuất, mua bán, đốt pháo trái phép luôn là việc làm đáng khuyến khích thể hiện tinh thần làm chủ, bảo vệ lợi ích của bản thân và cộng đồng. Hàng xóm nhắc nhau chọn chữ an yên bằng những hoạt động bổ ích về thể chất lẫn tinh thần, ngày Tết không nhất thiết có pháo mới vui. Thái độ thờ ơ, dung túng cho hành vi sai trái, đồng nghĩa với tạo điều kiện để những thứ nguy hại được tác oai tác quái.
Chưa quyết liệt ngăn chặn sẽ không thể nói trước điều gì với tai họa từ pháo nổ. Cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa khâu phòng ngừa, chặn từ gốc các kiểu ngụy trang trá hình, núp bóng xâm nhập từng gia đình của pháo nổ, pháo lậu. Tuần tra, kiểm soát ngoài thực địa lẫn trên không gian mạng, triệt xóa kịp thời ngay từ khi pháo nổ manh nha ló dạng; truy xuất nguồn gốc để tìm cho ra kẻ thao túng, điều hành các đường dây cung cấp pháo nổ.
Cũng cần thông cảm rằng quân số lực lượng chức năng rất mỏng so với lượng lớn người đốt pháo trái phép. Hơn nữa, do hành vi đốt pháo không đúng quy định được thực hiện lén lút, tương tự "ném đá giấu tay", thường là đốt xong rồi... bỏ chạy nên việc bắt quả tang không dễ dàng. Tuy nhiên, chú trọng tăng cường tuần tra, ngăn chặn sẽ hiệu quả không kém công tác truy xét.
Các bậc phụ huynh cũng cần quan tâm, "để mắt" đến con em. Không để trẻ tự mua nguyên liệu trên mạng về tự chế, tự đốt pháo. Đốt pháo hoa hợp lệ cũng cần có người lớn hướng dẫn, giám sát. Nhiều vụ tai nạn về pháo có trẻ em bị thương vong, chứng tỏ đây là đối tượng dễ bị kẻ xấu nhắm đến dụ dỗ, mua và sử dụng pháo ngoài luồng.
Các bộ ngành liên quan cũng cần nghiên cứu, mạnh dạn đề xuất điều chỉnh nghị định, quy định liên quan đến sử dụng pháo hoa. Nên chăng chỉ giới hạn đối tượng được đốt pháo hoa, gồm các cơ quan, tổ chức có đăng ký trước Tết và được cấp phép với số lượng, địa điểm, thời gian cụ thể, đặt dưới sự giám sát của chính quyền địa phương. Cá nhân không được đốt với bất cứ lý do gì. Mọi hành vi lợi dụng, biến tướng trong việc đốt pháo phải bị xử lý nghiêm minh với chế tài, bảo đảm tính răn đe.