Ơn sâu nghĩa nặng ở Thành phố nghĩa tình

Thứ Năm, 22/02/2024 10:46

|

(CATP) Có một bản nhạc xuân trở thành ca khúc bất hủ và đi vào lòng người, đó là bài "Mùa xuân đầu tiên" của nhạc sĩ Văn Cao. Lời bài hát thường hay nhắc đến "người mẹ hiền". Với những người lao động vào Sài Gòn mưu sinh, với những cư dân sống lâu năm ở thành phố mang tên Bác, những nghĩa cử của Đảng bộ, chính quyền và cộng đồng chăm lo Tết cho mọi người, mọi nhà đã khiến nhiều người cảm thấy ấm lòng, thấy nơi này như trong lòng mẹ.

Lòng người, nhớ mãi!

Mười dấu ấn nổi bật của TP.Hồ Chí Minh năm 2023 có một dấu ấn về "công tác giảm nghèo bền vững, bảo đảm quyền an sinh cho người dân". Trong bài đăng trên số báo xuân Giáp Thìn 2024 của Báo Công an TPHCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã phát đi thông điệp "con tàu Nghị quyết 98 đã chất đầy hàng và sẵn sàng tăng tốc...". Một khía cạnh thể hiện thành phố nghĩa tình, một khía cạnh đặt ra quyết tâm tiếp tục bứt phá, một vùng đất đầy hứa hẹn. Hai vấn đề trên bổ sung, tương trợ lẫn nhau, thành phố nghĩa tình sẽ thu hút nhân tài khắp đất nước tập trung về con tàu kinh tế, thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2024 từ 7,5 - 8%.

Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, báo chí đưa đậm tin hoạt động của lãnh đạo "Thành phố nghĩa tình" rất bận rộn với các hoạt động thăm hỏi người nghèo, các gia đình chính sách, công nhân lao động. Lịch tổ chức các hoạt động nghĩa tình có lẽ kín những ngày cuối năm. Bởi vì hoạt động này không chỉ ở địa bàn TPHCM, mà còn mở rộng đến rất nhiều tỉnh, thành khác.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên thăm hỏi và trao quà Tết đến bà con ở huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh

Chiều 29/01, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh cùng đoàn công tác của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đi thăm và tặng quà cho 200 hộ dân nghèo, 200 công nhân nghèo. Trước đó một ngày (28/01), tại tỉnh Tây Ninh, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên và đoàn công tác đã trao 1.000 suất quà cho các hộ dân nghèo ở các huyện Tân Châu, Tân Biên và Châu Thành.

Báo Công an TPHCM cũng nằm trong vòng quay chăm lo Tết cho người nghèo, cùng đồng hành với chương trình của Đảng bộ Thành phố. Ngay từ sáng sớm 21/01/2024, giữa lúc hương xuân đang len lỏi trên từng nẻo đường, góc phố, cũng là lúc những chuyến xe nghĩa tình thực hiện Chương trình "Xuân yêu thương" của Báo Công an TPHCM về với đồng bào nghèo. Gần 10.000 suất quà của chương trình đã được trao cho bà con ở khắp các miền quê: Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum, Bình Phước, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Tiền Giang, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, Đồng Nai, Thanh Hóa, cả bà con bên bờ Vàm Thuật...

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thăm, tặng quà Tết cho công nhân tại khu lưu trú công nhân, khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM nhân dịp Tết Giáp Thìn

Trong lòng bà con nhân dân, ai cũng cảm động vì nhận được sự quan tâm, chăm lo Tết của lãnh đạo TPHCM. Quan điểm "liên kết vùng, liên kết với các địa phương để tạo hệ sinh thái phát triển ổn định" thuộc về phạm trù kinh tế. Tuy nhiên, Thành phố nghĩa tình lại mở rộng phạm trù này sang vấn đề an sinh xã hội, "mở rộng vòng tay thương yêu". Thành phố mang tên Bác không chỉ trở thành nhạc trưởng liên kết vùng, mà còn là nhạc trưởng cùng các địa phương chăm lo Tết cho bà con nhân dân ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đi rồi sẽ trở về!

Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, TP.Hồ Chí Minh trích từ ngân sách và huy động các tổ chức, cá nhân để lo Tết cho người nghèo, các đối tượng chính sách là 915 tỷ đồng. Cũng thời điểm trên, ở Hà Nội công bố số tiền lo Tết cho người nghèo ước tính là hơn 550 tỷ đồng. Ở "Thành phố nghĩa tình", việc lo Tết cho người nghèo không đơn thuần chỉ là mang quà trao tặng, mà còn là dịp để cộng đồng thể hiện văn hóa sẻ chia.

Người ta bắt gặp hình ảnh những người mẹ dắt con nhỏ mang số tiền tiết kiệm ra ủng hộ quỹ người nghèo, những cô bé học sinh tặng số tiền nhỏ nhoi của mình cho người tật nguyền gặp trên phố, nhiều tăng ni, phật tử tổ chức các chương trình chăm lo Tết... Nơi mà bà con nghèo xếp hàng chộn rộn với tờ phiếu trên tay để mua hàng Tết, đó là các địa chỉ tổ chức "Siêu thị mini Tết 0 đồng". Những người bán vé số, các hộ gia đình gặp nhiều khó khăn luôn nhắc nhau tranh thủ đến các địa chỉ: Trung tâm Thể dục Thể thao quận Bình Thạnh; Nhà Thiếu nhi quận 7; Tòa nhà Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Hóc Môn; Trung tâm Văn hóa TP.Thủ Đức... để nhận suất quà Tết trị giá 400.000 đồng/suất.

Thượng tá Cao Thị Hồng Tươi - Phó trưởng Ban Chuyên đề Công an TPHCM đã đến thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Phò ở Bến Tre nhân dịp Tết Giáp Thìn 2024

Nhìn nghĩa cử của lãnh đạo Thành phố nghĩa tình, nhiều người dân ở tận các tỉnh miền Trung bày tỏ niềm xúc động, nhắc lại chuyện cũ. Đó là sau đại dịch Covid-19, TPHCM rơi vào khủng hoảng (phát triển âm 4,01%), nhưng rồi vẫn có chuyến xe của Báo Công an TPHCM chở gạo ra hỗ trợ cho người dân ở 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Bà Thu An, một người bán báo dạo ở thành phố Quảng Ngãi cho biết, "người Nam Bộ quá tốt bụng, chưa lo xong cho mình mà đã san sẻ cho miền Trung, nghĩa cử đó bà con ngoài này không bao giờ quên!".

Ngày 19/02 (mùng 10 âm lịch), Công đoàn các Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM thống kê, có hơn 98% doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp hoạt động trở lại, trên 97% công nhân tại những doanh nghiệp này trở lại nhà máy làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Trung tá Nguyễn Nam Thành - đại diện Ban Chuyên đề Công an TPHCM trao quà Tết cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở quận Gò Vấp
Lực lượng Công an TPHCM chuyển quà Tết từ Chuyên đề Công an TPHCM về tặng người dân Tết 2024

Ông Lâm Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM cho biết: "do phần lớn chế độ lương, thưởng, chăm lo Tết tốt hơn nên công nhân lao động trở lại làm việc đạt tỷ lệ cao". Nhưng một số công nhân ở các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế...thì chia sẻ rằng, do thấy TP. Hồ Chí Minh quá nghĩa tình, luôn sẵn lòng cưu mang, giúp đỡ mọi người, nên nơi này được họ xem như là quê hương thứ 2 của mình, dù khó khăn mấy cũng đồng hành để TPHCM trở lại nhịp kinh tế mạnh mẽ như trước năm 2021.

Báo xuân Công an TPHCM có bài "Mùa chậm rãi niềm riêng" của nhà thơ, nhà báo Lê Thiếu Nhơn. Ông gieo dòng cảm xúc, kể về cuộc đời của mình từ miền Trung vào Sài Gòn và cứ thế theo năm tháng gắn bó với nơi này. Tết phải về quê hương để thăm nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng ông cũng như nhiều người dân khác, vẫn cảm thấy hoài nhớ, tiếc nuối, dù chỉ tạm rời xa nơi này: "Tôi được Sài Gòn cưu mang hơn ¼ thế kỷ, nhưng tôi chưa bao giờ đón giao thừa ở Sài Gòn... đôi khi tôi cảm thấy mình phụ bạc với Sài Gòn trước mùa xuân ấm áp...". Lê Thiếu Nhơn thổ lộ việc yêu thành phố này vì những nghĩa cử quá ân tình của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TPHCM. Suy nghĩ của ông cũng có thể là cảm nghĩ của hàng triệu người dân từ mọi miền đất nước đang mưu sinh ở TPHCM.

Bình luận (0)

Lên đầu trang