"Điệp khúc" ngập nước, kẹt xe
Dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, mùa mưa năm nay đến sớm hơn mọi năm, lượng mưa cao hơn từ 5 - 10%. Trước năm 2000, thông thường TPHCM chứng kiến trận mưa trên 95mm với chu kỳ 5 năm/lần; nhưng trong vòng 5 năm trở lại đây, gần như năm nào địa phương này cũng có nhiều trận mưa trên 100mm, thậm chí hơn 150mm.
Theo Công ty TNHH MTV thoát nước đô thị TPHCM (gọi tắt là Công ty thoát nước đô thị TPHCM), so với cùng kỳ năm 2022, thời tiết năm 2023 khá phức tạp, xuất hiện những cơn mưa có cường độ lớn trong thời gian ngắn. Nhiều thời điểm mưa lớn trùng với đỉnh triều cường hình thành tổ hợp mưa - triều, gây ngập úng trên một số tuyến đường.
Cơn mưa chiều 03/4 làm nhiều địa phương tại TPHCM như: Q.Gò Vấp, Q12, H.Hóc Môn... ngập nặng. Mưa vào thời điểm tan tầm khiến nhiều học sinh ướt sũng. Tối 15/4, mưa lớn kéo dài "phủ sóng" trên diện rộng làm nhiều tuyến đường "biến thành sông", có chỗ ngập sâu khoảng 0,5m. Đến 22 giờ cùng ngày, mưa giảm dần, nhưng nhiều tuyến vẫn ngập sâu do nước thoát không kịp. Chiều 8 và trưa 21/5, TPHCM có giông, sét, gió giật, mưa rào; lượng mưa phổ biến từ 10 - 30mm, có nơi trên 50mm, gây ngập úng nhiều nơi.
Chỉ cần mưa nặng hạt là nhiều tuyến đường ở TPHCM chìm trong biển nước
Hì hục dắt xe lội trong "biển" nước trên đường Phạm Văn Chiêu (Q.Gò Vấp), anh Trần Văn Sáng (ngụ địa phương) ngao ngán: "Năm nào cũng vậy, mưa lớn là tuyến này ngập triền miên, nặng nhất là các ngã tư Phạm Văn Chiêu - Quang Trung, Phạm Văn Chiêu - Lê Đức Thọ kéo dài hàng trăm mét, người dân phải gồng mình chịu cảnh ngập, xe cộ chết máy đành dắt bộ, vừa mệt mỏi vì kẹt xe, mưa gió, vừa phải hít mùi tanh từ nước thải trên đường, rất khổ sở".
Tại TP.Thủ Đức, tình trạng ngập úng đang xảy ra ở nhiều KV. Ngày 15/6, mưa không quá lớn, nhưng đoạn dốc tuyến Tô Ngọc Vân giao với đường ray xe lửa ngập nặng. Chiều tối 05/7, cơn mưa kéo dài từ 16 giờ đến 19 giờ khiến nhiều tuyến đường ở khu dân cư Thảo Điền như: Thảo Điền, Quốc Hương cũng biến thành "sông", ngập nửa bánh xe. Nước tràn vào nhà dân và các cửa tiệm hai bên đường khiến việc sinh hoạt, kinh doanh của người dân bị gián đoạn.
Cũng tại TP.Thủ Đức, các tuyến đường như: Kha Vạn Cân, Võ Văn Ngân, Lò Lu, Lã Xuân Oai, Quốc lộ 13 cũ, KV xung quanh chợ Thủ Đức... cứ mưa lớn là nước chảy cuồn cuộn, ngập lênh láng, có chỗ quá đầu gối, xe cộ chết máy hàng loạt, giao thông ùn tắc, nhiều cửa hàng, nhà dân, tiệm sửa xe... bị nước tràn vào gây ngập úng, hỏng các vật dụng sinh hoạt. Anh Trần Văn Linh (sống trên Quốc lộ 13 cũ) than phiền: "Do địa hình thấp trũng, hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện nên hễ mưa là tuyến này ngập lênh láng, người đi xe máy yếu tay lái, lơ mơ tai nạn như chơi, người dân chẳng làm ăn, buôn bán gì được".
Trưa 20 và chiều 23/7, TPHCM cùng các tỉnh lân cận có mưa to trên diện rộng, một số KV xảy ra lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh. Lượng mưa ghi nhận từ 7 giờ ngày 20/7 đến 7 giờ ngày 21/7 tại một số nơi như: TP.Thủ Đức 54,8mm, Phạm Văn Cội 33,2mm, An Phú 24,6mm, Củ Chi 34,4mm, Hóc Môn 55,2mm, Cát Lái 44mm, Tân Bình 47,3mm, quận 1 là 72mm... Riêng ngày 22/6 xuất hiện trận mưa có tổng vũ lượng 108mm, cao hơn so với trận mưa có tổng vũ lượng lớn nhất cùng kỳ năm trước là 103,1mm xảy ra ngày 19/6/2022.
Một số tuyến đường thấp trũng, xuống cấp bị ngập đã đành, tại những tuyến có địa hình cao cũng thường xuyên ngập! Được xem là KV có địa hình cao nhất quận Gò Vấp, nhưng những ngày qua, cứ mưa lớn là đường Nguyễn Văn Khối lại chìm trong "biển" nước! Đoạn ngập nhiều nhất là trước Công viên Làng hoa với chiều dài cỡ 300m. Nhiều đoạn nước dâng cao hơn nửa mét khiến các phương tiện lưu thông rất khó khăn, xe cộ chết máy, giao thông ùn tắc, đồ đạc trong nhà bị hư hại.
Dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên được kỳ vọng giúp cải tạo môi trường,
chống ngập cho thành phố
Cần nhiều biện pháp thiết thực
Theo nhiều chuyên gia về đô thị, TPHCM đang trả giá cho việc quy hoạch chưa khoa học, không theo quy luật tự nhiên. Có nhiều nguyên nhân khiến thành phố bị ngập, như: hệ thống thoát nước xây dựng qua nhiều thời kỳ, chưa đáp ứng nhu cầu thoát nước hiện tại; Các DA chống ngập trọng điểm vẫn còn đang xây dựng, chưa hoàn thành, chưa bàn giao vận hành; tình trạng người dân xả rác, xả thải dầu mỡ xuống hệ thống thoát nước gây tắc cống; tự ý che lấp các miệng thu nước, làm đường lên xuống vỉa hè gây cản trở khả năng thu nước mặt; việc lấn chiếm kênh rạch, cửa xả thoát nước làm ảnh hưởng tới khả năng thoát nước ở hạ lưu...
Một trong những nguyên nhân chính là do thành phố đang gặp khó khăn về vốn. Giai đoạn 2016 - 2020, chương trình chống ngập và xử lý nước thải của TPHCM cần tới gần 97.000 tỷ đồng, nhưng việc huy động vốn chỉ đáp ứng được một nửa. Giai đoạn 2021 - 2025, thành phố cần hơn 101.000 tỷ đồng cho 120 DA giảm ngập và xử lý nước thải, nhưng các DA này mới được giao hơn 17.400 tỷ đồng (gần 17,23%). Trong hai năm đầu thực hiện chương trình giảm ngập và xử lý nước thải 2021 - 2022, các DA chỉ được giao hơn 6.700 tỷ đồng.
Thiếu vốn làm cho các DA chống ngập, tiêu thoát nước thi công dang dở, chắp vá; trong đó DA kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và DA kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ mới xong giai đoạn 1. Dự án kênh Hàng Bàng triển khai hơn 8 năm nhưng vẫn còn dang dở. Dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng (giai đoạn 1) đã đạt 93% tiến độ tổng thể cũng "đứng hình"! Giữa tháng 3/2023, nhà đầu tư Trung Nam mới cho thi công trở lại cống Mương Chuối sau hơn hai năm rưỡi gián đoạn. Sau gần 20 năm chờ đợi, DA kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên mới được tái khởi động lại vào tháng 2 năm nay. Bên cạnh đó, nhiều quy hoạch thoát nước cũ không còn phù hợp với tình hình hiện tại, các thông số tính toán hệ thống thoát nước trước đây chưa lường được các yếu tố của biến đổi khí hậu hiện nay.
Để chống ngập cho thành phố, vừa qua Sở Xây dựng có báo cáo cho biết, đối với việc giải quyết ngập do mưa cho 13 tuyến đường còn lại, thành phố hoàn thành chủ trương đầu tư cải tạo hệ thống thoát nước tại khu Thảo Điền gồm các tuyến đường: Thảo Điền, Quốc Hương, Xuân Thủy; cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ (Q.Gò Vấp); chuẩn bị đầu tư và bổ sung vào danh mục trung hạn 2021 - 2025, giao vốn năm 2023 cho 7 công trình còn lại để giải quyết các điểm ngập.
Đối với việc giải quyết ngập do triều cường, thành phố tái thi công, đưa vào sử dụng DA "Giải quyết ngập do triều cường có xét đến biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) KV bờ hữu sông Sài Gòn"; giải quyết 5 tuyến chính ngập do triều cường gồm: Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (Q7), Lê Văn Lương, Đào Sư Tích (H.Nhà Bè) và Quốc lộ 50 (H.Bình Chánh); hoàn thành, đưa vào sử dụng DA "Bờ tả sông Sài Gòn ngập do triều cường trên đường Nguyễn Văn Hưởng". Hoàn thành, đưa vào sử dụng Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 2) từ công suất 141.000m3/ngày lên 469.000m3/ngày. Thi công các hạng mục nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 2.
Bên cạnh đó, Công ty thoát nước đô thị TPHCM đẩy nhanh công tác duy tu, nạo vét trong mùa khô; tăng cường tuần tra, phát hiện các sự cố ảnh hưởng tới hệ thống thoát nước; gia tăng giám sát, điều phối nhân lực, xe máy, thiết bị, trục vớt rác ở miệng thu và ứng cứu tại hiện trường; đẩy nhanh thi công thay thế các "miệng thu nước, ngăn mùi bằng van một chiều" để tăng khả năng thu nước mặt, ngăn mùi hôi, bảo đảm vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị; nghiên cứu thiết bị tách dầu mỡ lắp đặt tại các nguồn xả thải, hạn chế tình trạng xả thải dầu mỡ làm tắc cống. Tổ chức vận hành ứng dụng truyền tải thông tin ngập UDI Maps, sơn nắp hầm ga, tuyên truyền không xả rác, duy trì hoạt động của đội thu gom rác lưu động...
Mới đây, UBND TPHCM ra văn bản khẩn yêu cầu các sở: Tài nguyên - Môi trường, Kế hoạch - Đầu tư, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ban quản lý DA đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố cùng các ban ngành liên quan, TP.Thủ Đức và các quận, huyện khác triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai trước mùa mưa lũ 2023. Yêu cầu ngưng các DA chậm thi công, những DA chưa cần thiết để ưu tiên vốn, chuyển nguồn vốn sang các công trình khác cấp bách hơn.