Giải pháp nào để ngăn chặn nguy cơ người trẻ phạm tội?

Thứ Sáu, 16/04/2021 06:33

|

(CATP) Gần đây, tình hình người trẻ phạm tội ở TP.Hồ Chí Minh cùng nhiều tỉnh thành trong cả nước có chiều hướng gia tăng. Đáng nói, loại tội phạm này ngày càng manh động, hành vi bạo lực học đường liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước, nhiều nghi phạm và nạn nhân đều rất trẻ, đang là học trò khiến dư luận bất an.

Tội phạm ngày càng trẻ hóa

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm "Thực trạng và giải pháp ngăn chặn nguy cơ người trẻ phạm tội" do Báo Thanh Niên tổ chức, ông Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, nhận định các vụ phạm pháp, hành vi bạo lực học đường liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước, nhiều nghi phạm và nạn nhân đều rất trẻ, đang là học trò, khiến dư luận rất lo lắng. Điều đáng lo ngại, trong các vụ việc này có dáng dấp băng nhóm, gây hậu quả đau lòng và dài lâu. Đặc biệt, trong thời buổi công nghệ, mạng xã hội phát triển là nét mới so với trước đây. Hành vi của người trẻ do tác động của mạng xã hội lan truyền nhanh dẫn đến những mâu thuẫn, xúc phạm lẫn nhau. Từ đó, dẫn tới người trẻ cư xử bạo lực, vi phạm pháp luật.

Ông Nguyễn Quang Thông - Tổng biên tập Báo Thanh Niên phát biểu tại buổi tọa đàm

Để ngăn chặn tình trạng tội phạm "nhí”, thông qua buổi tọa đàm này, Báo Thanh Niên mong muốn cùng các vị đại biểu nêu ra được những giải pháp chung của toàn xã hội, tìm ra các giải pháp cụ thể để ngăn chặn, giải quyết, xử lý.

Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TPHCM cho biết, từ năm 2018 đến hết quý I-2021 (14-3-2021), Công an TPHCM ghi nhận 516 vụ phạm pháp hình sự do người dưới 18 tuổi thực hiện, truy bắt 884 đối tượng. Kết quả, đã khám phá 474/516 vụ, xử lý 775 đối tượng, gồm: xử lý hình sự 336 vụ/554 đối tượng, xử phạt hành chính 108 vụ/221 đối tượng, đang tiếp tục điều tra 42 vụ/109 đối tượng.

Về độ tuổi phạm tội, trẻ dưới 14 tuổi chiếm 3,62%, đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chiếm 27,26%, dưới 18 tuổi chiếm 69,12%. Đồng thời, tỉ lệ nam giới phạm tội chiếm 95,99%, nữ là 4,01%. Trình độ văn hóa của người trẻ phạm tội chiếm tỉ lệ cao ở THCS, với 46,51%, tiếp đến là THPT, chiếm 20,41%, tiểu học 29,33% và không biết chữ chiếm 3,75%. Trong 884 đối tượng người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi phạm pháp có 553 đối tượng đã bỏ học, chiếm 71,44%. Vì vậy, theo ông môi trường giáo dục tại nhà trường rất quan trọng để định hướng tư duy cho người trẻ.

Thế hệ trẻ hiện nay được sinh ra trong môi trường Internet, smartphone, YouTube, nên tiếp nhận thông tin rất nhanh chóng nhưng lại không được kiểm chứng rõ ràng. Chính vì thế phải có sự phối hợp cực kỳ đồng bộ, ngay khi tình huống ban đầu nhen nhóm xảy ra và chúng ta can thiệp ngay từ đầu là điều cực tốt. Công tác tham vấn, tư vấn trong học đường phải đẩy mạnh.

Theo tiến sĩ Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý tội phạm, tội phạm trẻ hóa ngày càng phổ biến hơn, trước đây tội cố ý gây thương tích... chiếm đa số nhưng bây giờ tội phạm công nghệ cao, xâm phạm an ninh quốc gia có rất nhiều người dưới 18 tuổi. Việc thực hiện phạm tội rất đơn giản đối với nhóm đối tượng này. Cho dù 100 năm sau thì tâm lý lứa tuổi vẫn như vậy, nhưng sự thay đổi của xã hội hiện nay ảnh hưởng tâm sinh lý, phát triển của trẻ em.

"Tôi cho rằng quá nặng nề về lý thuyết, kỹ năng học ở trường hạn chế, Bộ Giáo dục chưa có bộ sách riêng về tâm lý sống để đưa chính thức vào chương trình của Bộ Giáo dục, như vậy thì các em mới biết được làm sao để đối phó với đối tượng. Đào tạo kỹ năng phải rõ ràng, có chương trình rõ ràng thì mới trang bị cho các em kỹ năng tốt được", tiến sĩ Báu nhấn mạnh.

Thầy Nguyễn Minh Thuần, Phó hiệu trưởng Trường THPT Tháp Mười (H.Tháp Mười, Đồng Tháp) cho biết, nhà trường thường xuyên tổ chức hoạt động trải nghiệm để giải toả sau giờ học. Đồng Tháp giáp với Long An nên cũng dễ bị đối tượng xấu lôi kéo, lợi dụng các em làm những chuyện không tốt. Trong thời gian tới gia đình cần quan tâm các em hơn, cơ quan công an hãy ra tay trấn áp tội phạm nhằm giảm nguy cơ người trẻ phạm tội.

Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TPHCM

Còn thầy Nguyễn Minh Trí, Phó hiệu trưởng, Trường THPT Đốc Binh Kiều (H.Tháp Mười, Đồng Tháp) cho rằng cơ quan chức năng vào cuộc, phía nhà trường đưa ra giải pháp, kịp thời nắm bắt tâm lý của các em học sinh, chỉ dạy các em học sinh kỹ năng. Điều mà nhà trường băn khoăn nhất là thời gian không học trong trường, vì học trong trường sa sút về ý thức, học tập là nhà trường sẽ nắm được. Tuy nhiên thời gian không học trong trường thì dễ tụ tập, gặp gỡ bạn bè xấu nên sẽ dễ có hành vi phạm pháp luật. Vì vậy, gia đình nên nắm bắt tâm lý bất thường của các em học sinh để báo với nhà trường, để cùng nhau có giải pháp.

Cần có giải pháp ngăn chặn hiệu quả

Nói về giải pháp, ông Lê Văn Ngợi, Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng Sở GD-ĐT Đồng Tháp cho rằng phải có quy trình xử lý bạo lực học đường tại nhà trường, bởi có những lúc không xử lý kịp; lập danh sách nhiều trường gửi cho công an cấp xã và huyện các học sinh vi phạm nội quy để quản lý. Hiện giáo viên không được đào tạo về kỹ năng nên cũng rất khó. Ngoài ra, cần đề cao trách nhiệm của người lớn và những người chứng kiến. Đồng thời, nhà trường phải đầu tư sân chơi, các trường gần như thiếu sân bóng đá, hồ bơi... ra ngoài thì ôm điện thoại. Cần thay đổi hình thức phổ biến tuyên truyền pháp luật.

Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, nếu ứng xử một cách cứng nhắc, không hòa giải với nhau thì hậu quả nặng nề. Trong quá trình xử lý phải linh hoạt để đưa ra giải pháp hợp lý. Đối với ngành giáo dục rất mong muốn các ngành khác từ trung ương đến địa phương cùng vào cuộc, không phải trách nhiệm của riêng ai (gia đình, nhà trường và xã hội), tác hại đối với toàn xã hội.

Theo ông Trần Văn Đạt, Quyền Vụ trưởng Vụ pháp chế - Bộ Giáo dục & Đào tạo, Công tác quản lý, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật của người trẻ là nhiệm vụ toàn xã hội không riêng gì ngành giáo dục. Tại mỗi trường học đều có các quy định, từ đó nhà trường, giáo viên sẽ giúp các em biết những hành vi nào đúng, hành vi nào vi phạm từ đó hình thành ý thức chấp hành pháp luật. Bộ giáo dục đã phối hợp với ngành công an, TW Đoàn, Bộ Tư pháp để cùng nhau hỗ trợ, giúp người trẻ thực thi pháp luật cho đúng.

Số liệu của Bộ Công an trong giai đoạn 2018 - 2020, trên cả nước đã ghi nhận 10.786 vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật, với 16.583 đối tượng có liên quan. Trong đó, nữ giới chiếm 5%, nam giới chiếm đến 95%. Riêng năm 2020 đã xảy ra 4.262 vụ với hơn 6.500 đối tượng phạm pháp. Đáng lo ngại là tình trạng tội phạm "nhí”, hay người chưa vị thành niên vi phạm pháp luật. Đây là một trong những vấn đề xã hội rất đáng lo ngại, khiến nhiều cơ quan chức năng đau đầu, đau lòng. Nhất là ngành công an, ngành đào tạo đã hết sức vất vả trong việc đề ra các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn xử lý các hành vi vi phạm.

Cũng như những loại tội phạm khác, người chưa thành niên vi phạm pháp luật không nằm ngoài quy luật chung của sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là sự phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Nay lại thêm một áp lực của cuộc sống nữa, là trạng thái bình thường mới của Covid-19. Trong đó, loại hình tội phạm "nhí” có những đặc trưng riêng. Đa số các đối tượng không thuộc các tổ chức, đoàn thể; học hành chưa tới nơi tới chốn, nghề nghiệp bấp bênh. Hay sống trong gia đình mà bố mẹ mải mê mưu sinh, hay yếu tố gắn kết gia đình, sự hạnh phúc của gia đình không được duy trì, tạo ra tâm lý bất an, bức xúc của người trẻ khi giao tiếp với cộng đồng.

Nhóm đối tượng thực hiện hàng loạt vụ cướp giật tài sản liên tỉnh, thành phố bị bắt giữ tại TPHCM ngày 11-4

Phần lớn vụ việc xảy ra ở vùng giáp ranh, việc phối hợp xử lý các vụ việc tương đối chậm hơn; hay xảy ra ở vùng nông thôn, tội phạm diễn ra ở những địa bàn mới phát triển về kinh tế. Về quy mô, tính chất của các loại tội phạm này cũng có sự thay đổi so với trước, thậm chí có thể tụ tập đến cả trăm người để tham gia hành vi gây rối và hành vi xúc phạm nhân phẩm, phá hoại tài sản của người khác. Để ngăn chặn, phòng ngừa và kéo giảm tội phạm "nhí”, thông qua buổi tọa đàm này chúng ta có những số liệu, minh chứng, giải pháp chung của toàn xã hội để tìm ra các giải pháp cụ thể để ngăn chặn, giải quyết, xử lý tình trạng này.

Trong hơn 10 năm nay, các bộ ngành T.Ư, các tỉnh thành triển khai đề án tăng cường phổ biến công tác pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên. Đồng thời, các bộ ngành, các địa phương cũng đã triển khai kế hoạch thực hiện này của năm 2021, làm liên tục và có sự phân công cụ thể, tăng cường phổ biến, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giáo dục như thế nào, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật trực tuyến cho thanh thiếu niên là sinh viên, học sinh của các cơ sở giáo dục, xây dựng các chương trình thông tin, giải đáp pháp luật, các chuyên trang, tin mục phổ biến pháp luật đến thanh thiếu niên như thế nào.

Trong nội dung thực hiện đề án tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật vừa nêu, nhưng có ý nhấn mạnh ở đây rõ ràng có chủ trương của Đảng, Nhà nước; quy định cụ thể của Chính phủ đã rất kỳ công để chúng ta làm nhiệm vụ phổ biến pháp luật cho thanh thiếu niên. Trong các việc làm ngắn hạn và lâu dài đó, có nội dung tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn để lấy ý kiến, trao đổi về dự thảo, chính sách pháp luật có liên quan thanh thiếu niên về công tác phổ biến giáo dục cho đối tượng này; phản ánh các thực trạng, đề xuất giải pháp thiết thực, hiệu quả để công tác phổ biến pháp luật cho thanh thiếu niên ngày càng đạt thành tích tốt đẹp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang