(CATP) Đến thời điểm này, nhiều hồ thủy lợi ở Tây Nguyên đã cạn nước. Hàng chục ngàn héc-ta cây công nghiệp trong khu vực đang đối mặt với tình trạng thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. Để chống hạn, các địa phương đang giám sát việc duy trì dòng chảy tối thiểu hạ du của những công trình thủy điện.
Giữa cái nắng gay gắt của tháng 4 Tây Nguyên, anh Đoàn Văn Thiết (ngụ thôn Tây Hồ, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) phải loay hoay dùng xẻng đào rãnh, khoét mương sâu hơn 4m để tìm nước giữa lòng hồ thôn Tây Hồ, xã Bàu Cạn. Hồ nước này rộng hơn 12 ha - một trong những hồ thủy lợi lớn ở huyện Chư Prông - nay đã trơ đáy. Khi hồ cạn, anh Thiết cùng nhiều người dân ra giữa lòng hồ đào rãnh, hứng nước đọng; nay cái rãnh giữa hồ đã rộng 3m, sâu 4m, dài hàng trăm mét cũng không còn nước!
Theo anh Thiết, dù đã trồng cà phê nhiều năm, có kinh nghiệm đối phó với hạn hán, nhưng năm nay tình trạng thiếu nước tưới nghiêm trọng khiến anh rất lo. Đặc biệt, nếu 1 tuần nữa vẫn chưa có mưa, vườn cà phê của gia đình sẽ ảnh hưởng nặng nề. "Hồ trong thôn đã trơ đáy cả tháng nay. Nhằm chắt chiu những giọt nước cuối cùng, chúng tôi đã khoét hố sâu ở lòng hồ để đặt máy bơm. Ban đầu các máy thay nhau bơm được vài tiếng để tưới, giờ hố sâu đã cạn nước, máy cũng dừng hoạt động luôn!", anh Thiết lo lắng. Trong khi đó, hồ Bàu Nai (xã Bàu Cạn) rộng khoảng 8ha, là nơi cung cấp nước tưới cho khoảng hơn 100ha cây trồng, giờ đáy cũng nứt nẻ, các máy bơm không hoạt động được đành "đắp chiếu"!
Nhiều máy bơm phải "đắp chiếu" do hồ không có nước
Còn tại tỉnh Kon Tum, mực nước ở 80 hồ chứa thủy lợi đang xuống thấp, chỉ đạt khoảng 60% công suất thiết kế. Trong số này, hồ chứa C3 (xã Hà Mòn, huyện Đắk Hà) với dung tích 370.000m3, phục vụ tưới tiêu cho hơn 200ha cây trồng trên địa bàn thôn Bình Minh, giờ chỉ còn đọng lại vũng nhỏ, phía đầu nguồn đất đai nứt nẻ, khô cằn...
Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV KTCT Thủy lợi Gia Lai, đến ngày 03/4 trong số 16 hồ chứa do đơn vị quản lý có 12 hồ còn từ 12,03% - 48,46% dung tích thiết kế; 4 hồ còn lại đạt từ 62,39% - 95,87%; và trong 18 đập dâng của công ty có 13 đập với mực nước trước cống từ 0,28-1,6m, 5 đập còn lại mực nước đang là... 0m!
Tính đến ngày 03/4, về nông nghiệp, mức độ thiệt hại hoàn toàn do hạn hán ở tỉnh Gia Lai trên 70% (83,2ha), cây trồng thiệt hại 50%-70% (hơn 81ha).
Anh Thiết khoét mương giữa lòng hồ để tìm nước
Để tăng cường giải pháp chống hạn, UBND tỉnh Gia Lai đã yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường chỉ đạo, kiểm tra giám sát việc duy trì dòng chảy tối thiểu ở hạ du các công trình thủy điện, thủy lợi; bên cạnh đó phối hợp với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND các địa phương và những đơn vị vận hành khai thác các hồ chứa thủy điện, thủy lợi xây dựng kế hoạch xả nước về hạ du để phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân khi hạn hán xảy ra. Sở Công thương chỉ đạo, kiểm tra các chủ hồ, đập thủy điện vận hành điều tiết dòng chảy ở khu vực hạ du theo đúng quy trình vận hành liên hồ chứa đã ban hành.
(CAO) Thời điểm này, nhiều hồ thủy lợi tại Tây Nguyên đã cạn nước. Hàng chục ngàn héc-ta cây công nghiệp tại khu vực này đang đối mặt với tình trạng thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng.