Phòng chống nạn xâm hại tình dục trẻ em:

Giáo dục giới tính và kỹ năng sống để trẻ tự bảo vệ mình

Thứ Năm, 16/03/2017 12:31

|

(CAO) Giải pháp phòng chống nạn xâm hại tình dục trẻ em căn cơ tiên quyết nằm ở việc giáo dục giới tính và kỹ năng sống cho trẻ tự bảo vệ mình. Đó là những một trong những nội dung chính mà các chuyên gia đưa ra tại buổi tọa đàm “Chống xâm hại tình dục trẻ em” diễn ra tại TP HCM vào sáng nay (16/3).

Có mặt tại buổi tọa đàm, PGS – TS Trần Thị Kim Xuyến- Phó khoa Khoa Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Chuyên ngành Xã hội học – Tâm lý học, trường Đại Văn Hiến chia sẻ, các bậc phụ huynh thường vẫn nghĩ trẻ cần không gian sống thật an toàn, nên chỉ chú ý đến nơi công cộng mà bỏ qua nơi sống của các em.

Các chuyên gia trình bày ý kiến tại buổi tọa đàm “Chống xâm hại tình dục trẻ em” - Ảnh: Nguyên Huy.

“Cha mẹ thường dạy con cái không được đi chơi với người lạ. Nhưng lại quên rằng, chính những người thân, người gần gũi, người quen mới chính là đối tượng dễ dàng xâm hại trẻ nhất”, PGS – TS Trần Thị Kim Xuyến nêu vấn đề và cho biết, hiện nay, người ta vẫn chú ý về sự tổn hại thể chất đối với trẻ bị xâm hại mà bỏ qua sự tổn hại về mặt tinh thần. Sự tổn hại về mặt tinh thần đối với trẻ không phải ngay khi thời điểm bị xâm hại mà dẫn đến tình trạng lệch lạc về tinh thần sau này khiến các em mất đi niềm tin.

Cũng theo PGS-TS Trần Thị Kim Xuyến, xã hội dường như chọn sự im lặng thờ ơ. Ngoài ra, văn hóa tránh nói về chuyện sinh lý, về chuyện tình dục, xâm hại tình dục coi nó như là vấn đề tế nhị, là chuyện người lớn, không phải chuyện của trẻ em, vô hình chung đã tiếp tay cho vấn nạn này.

Do đó, PGS – TS Trần Thị Kim Xuyến đề nghị, các bậc phụ huynh cần phải nói với con họ về vấn nạn về biểu hiện xâm hại tình dục. Các chuyên gia cần có cách để trẻ gọi tên và giúp trẻ chống lại nạn xâm hại tình dục. Các cơ sở giáo dục còn chưa coi trọng giảng dạy kỹ năng sống và giáo dục giới tính cho các em.

"Sự tổn hại về mặt tinh thần đối với trẻ không phải ngay khi thời điểm bị xâm hại mà dẫn đến tình trạng lệch lạc về tinh thần sau này khiến các em mất đi niềm tin" - Ảnh minh họa.

Trong khi đó, tiến sĩ Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP HCM cho biết, dư luận đang khiến các bậc phụ huynh hoang mang lo lắng. Từ đó, khiến cho các cháu có tâm lý lo sợ ngờ vực xã hội. Nhiều người đã quên đi sự an toàn trong tâm hồn trẻ trước khi nghĩ đến vấn đề khác.

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy nhắn nhủ: “Phụ huynh rất cần thiết trò chuyện với con cái và giúp cho con phân biệt hành vi động chạm nào là an toàn hay không an toàn. Cha mẹ hãy dành thời gian cho con, trò chuyện, quan sát con, dạy con trong những trò chơi, trong những cuộc nói chuyện.Hãy dạy trẻ kỹ năng phòng vệ để trẻ lớn lên như một con người có nhân cách, biết tự bảo vệ mình”.

Đồng ý với các ý kiến trên, Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang- Chuyên ngành Nhi khoa phát triển hành vi, Khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) cho biết, thực tế cho thấy, những hành vi xâm hại tình dục ở trẻ xảy ra ở những nơi rất thân quen, thủ phạm phần đông là những người thân của các bé.

Chính vì vậy, các bậc phụ huynh đên dạy con yêu thương cơ thể mình. Cần phải cho bé biết cơ thể của bé là của bé, người khác không được đụng vào những nơi nhạy cảm. Cha mẹ nên lắng nghe và trò chuyện với con cái. Nếu vì điều kiện phải đi làm ăn xa, cha mẹ phải định kỳ thường xuyên gọi điện nói chuyện để nắm bắt tình hình tâm tư của con.

Ngoài ra, bác sĩ Trang nhấn mạnh, những trẻ chậm phát triển hay tự kỷ là những đối tượng có nguy cơ bị xâm hại tình dục rất cao. Vì vậy, cần phải chú trọng để giáo dục giới tính cho các bé này.

“Tôi nghĩ, nhà trường, gia đình nên dùng sách, báo để giáo dục giới tính cho trẻ. Cần có những tờ rơi về việc xâm hại tình dục. Ở đó, có những hình ảnh minh họa những cái nên và không nên. Nhà trường, gia đình phải nói về giới tính với trẻ như bình thường, không coi đó là cái xấu. Cần sự phối hợp của nhiều cơ quan ban ngành cùng phối hợp để tạo môi trường xã hội tránh tình trạng xâm hại tình dục trẻ em.” - bác sĩ Trang chia sẻ.

Tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang cho rằng, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng các lớp học phòng chống xâm hại tình dục chỉ dạy chuyện "bậy bạ" cho trẻ. - Ảnh: Nguyên Huy.

Là người tâm huyết với công tác chống xâm hại tình dục trẻ em, Tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang, Trưởng khoa Đại cương (Học viện cán bộ TP.HCM) chia sẻ: “Chúng tôi có chương trình đến trường để dạy cho các cháu. Sau khi cho các cháu xem clip minh họa. Chúng tôi đặt vấn đề với cháu: Như thế nào là xâm hại?, Vùng riêng tư là gì? Ai có thể trợ giúp các cháu khi lâm vào tình huống nguy hiểm? Đối tượng xâm hại là ai?... Sau đó, để các cháu họp nhóm tìm câu trả lời. Và câu trả lời chung cho các cháu đó là chính mình mới có thể tự bảo vệ mình”.

Tuy nhiên, cũng theo tiến sĩ Lê Thị Linh Trang, dù chương trình miễn phí, nhưng nhiều người không muốn tổ chức giảng dạy kỹ năng chống xâm hại tình dục cho trẻ vì có thành kiến cho rằng, các lớp học này chỉ dạy cho trẻ những vấn đề “bậy bạ”.

“Mục tiêu của chúng tôi là cần phải dạy cho trẻ những từ ngữ một cách chính xác. Chỉ cho trẻ cách làm sao tự ứng phó với kẻ xấu một cách cụ thể” – Tiến sĩ Lê Thị Linh Trang bày tỏ.

Những con số báo động về vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em

Số liệu chính thức từ Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh – Xã hội) cung cấp cho thấy, trung bình mỗi năm có hơn 2.000 vụ xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em. Trong đó, trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm gần 70%. 

Còn theo số liệu từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 5 năm từ 2011 đến 2015, cả nước có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Các chuyên gia cho rằng con số này chỉ là những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị chính kẻ xâm hại dọa dẫm hoặc vì lý do nào đó đã không được thống kê.

Thống kê của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, trung bình mỗi năm có 1.600-1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện. Đáng chú ý, 93% thủ phạm có mối quan hệ quen biết với nạn nhân, trong đó 47% kẻ xâm hại là họ hàng, người trong gia đình nạn nhân.

Có 1.000 vụ xâm hại tình dục được phát hiện thì số trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12 đến 15, chiếm 57,46%. Tuy nhiên, số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại là vấn đề rất đáng báo động, chiếm đến 13,2%.

Bình luận (0)

Lên đầu trang