Chương trình "Giọt nước nghĩa tình - mùa 2 năm 2024":

Giọt nước nghĩa tình thấm xuyên miền hạn mặn

Thứ Bảy, 11/05/2024 19:45

|

(CATP) Trước tình trạng nắng nóng, hạn hán kéo dài, người dân tại các tỉnh ĐBSCL, đặc biệt là Bến Tre và Tiền Giang đang phải đối mặt với nạn bị xâm nhập mặn sâu, thiếu nước ngọt trầm trọng. Thấu hiểu những khó khăn bà con đang phải trải qua, chương trình xã hội từ thiện "Giọt nước nghĩa tình lần 2 năm 2024" do Báo Công an TPHCM khởi xướng đã nhận được sự chung tay nhiệt thành của các cơ quan, đoàn thể và nhiều doanh nghiệp. Qua đó, đã tổ chức hàng loạt chuyến xe, trực tiếp mang nước ngọt đến trao tặng cho người dân ở những vùng đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng của hạn hán và mặn xâm nhập.

Chắt chiu từng giọt nước quý báu

Có mặt trên mỗi hành trình mang nước ngọt đến với người dân vùng bị ảnh hưởng bởi hạn hán và mặn xâm thực ở Đồng bằng Sông Cửu Long, những thành viên trong đoàn không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh báo cánh đồng mênh mông khô cháy. Mặc dù trong mấy ngày qua, đã có những cơn mưa đầu mùa rải rác xuống một vài vùng trên mảnh đất "Chín Rồng". Song, bấy nhiêu đó không đủ để giải cơn khát cho vùng đất đang trải qua đợt hạn hán kéo dài. Thậm chí, cái nắng giờ đây dường như càng bỏng rát, càng khô khốc hơn mấy phần. Còn đâu hình ảnh những mảnh vườn xanh bạt ngàn với cành cây trĩu quả. Còn đâu những xuồng ghe tấp nập, réo rắt tiếng cười nói của buổi họp chợ trên sông. Thay vào đó, dòng sông bây giờ mang một nỗi niềm vắng lặng đến hiu hắt. Dòng nước trong xanh bởi vị mặn mòi của biển, hững hờ chảy khi không còn "đỏ nặng phù sa". Chứng kiến cảnh người dân địa phương hồ hởi mang từng can nhựa đến lấy nước ngọt từ xe bồn mang về, mới thấm thía cơn khát của họ khi phải chung sống với cảnh thiếu thốn nguồn nước để ăn, uống hằng ngày.

Trung tá Nguyễn Duy Trung, Trưởng ban Phóng viên - Báo Công an TPHCM trao nước đến các cụ lớn tuổi
Đại diện nhà tài trợ, các đơn vị phối hợp trao nước tặng bà con

Bà Trần Thị Mỹ Dung (68 tuổi, ngụ ấp 5, xã An Khánh, H.Châu Thành, Bến Tre) cho biết: Khi nghe tin đoàn công tác của Báo Công an TPHCM mang nước ngọt xuống, bà rất mừng. Suốt mấy tháng nay, lu trữ nước mưa của nhà bà Dung đã cạn ráo. Mỗi ngày, bà đều phải đi xin chòm xóm chia lại ít nước để nấu ăn, còn không thì phải mua nước bình loại 20 lít về sử dụng. Bà Dung sống một mình trong căn nhà nhỏ, không chồng con. Trước đây, bà đi làm thuê, làm vườn mướn cho người dân trong vùng. Nay tuổi cao, sức khỏe sa sút, đi lại khó khăn nên không có ai thuê mướn. Cơm cháo hằng ngày phụ thuộc vào sự đùm bọc của bà con, chòm xóm và mấy đứa cháu họ, nên mỗi đồng tiền dành dụm để mua nước ngọt đối với bà cũng thật là khó.

Trung tá Hoàng Thị Lan Phương - Trưởng ban Trị sự Báo Công an TPHCM - bơm nước ngọt từ xe bồn vào bình cho bà con

Khệ nệ bưng thùng nước ngọt đóng chai lên xe máy, ông Nguyễn Văn Thịnh (67 tuổi, ngụ ấp 6, xã An Khánh, H.Châu Thành) vui mừng: "Có nước ngọt đóng chai để sử dụng là sang quá sang rồi!". Ông Thịnh làm nghề chạy xe ôm, chở hàng cho mấy tiệm tạp hóa và vựa trái cây. Nhà ông có 4 công đất trồng dừa, nhưng đợt hạn hán này khốc liệt, kèm theo nước mặn xâm thực khiến dừa không đậu trái, cây đậu trái thì nước quá ít, hoặc không ngon. Nguồn thu từ vườn dừa coi như mất trắng, ông đành lấy xe máy ra đi chở hàng kiếm tiền sống qua ngày. Cũng theo ông Thịnh cho biết, người dân trong vùng thiếu nước ngọt trầm trọng. bao nhiêu vườn cây trái theo đó cũng héo rụng, mất mùa. Không ít người xưa nay sống vui thú với sông nước miệt vườn, thì nay do hạn mặn, họ đành lũ lượt kéo nhau lên phố kiếm kế mưu sinh.

Ông Lê Minh Hậu - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã An Khánh - cho biết: Đợt hạn hán và mặn xâm thực kéo dài khiến người dân địa phương khốn khổ trăm bề. Thật trớ trêu khi sống giữa vùng sông nước mênh mông mà lại phải chắt chiu, đong từng giọt nước. Tuy nhiên theo ông Hậu, vùng An Khánh này cách biển khoảng 15km, nên việc ảnh hưởng của hạn và mặn vẫn chưa thấm so với bà con vùng miệt dưới, như: xã An Hóa, Giao Long, Hữu Định, Phước Thạnh... Bởi ở đó gần biển, nên độ mặn của nguồn nước lại càng tăng thêm gấp mấy phần.

Những bồn dự trữ nước mưa cũng khô cạn

Tại xã An Ngãi Trung (huyện Ba Tri, Bến Tre), khi hay tin có xe chở nước ngọt xuống hỗ trợ, nhiều người dân hồ hỡi mang can nhựa đến đựng nước. Thậm chí có người ở giữa vùng đồng ruộng cách UBND xã 2 - 3km cũng tranh thủ chạy xe máy đến chở nước ngọt về dùng. Mặc dù sống chung với hạn mặn đã lâu nên phần lớn gia đình những người dân nơi đây đều có bồn chứa nước mưa để sử dụng. Song bấy nhiêu nước không thể đủ, do mùa hạn năm nay quá dài, thêm vào đó là sự xâm nhập của nước mặn ngày một thêm khốc liệt.

Trong khi chờ hứng đầy can nước, bà Phạm Thị Nhiều (50 tuổi, ngụ ấp 2, xã An Ngãi Trung) cho biết: Gia đình bà có 6 bồn chứa nước mưa, mỗi bồn đựng được khoảng 15 can nhựa, áng chừng trên dưới 300 lít. Những năm trước, nguồn nước mưa dự trữ nếu chắt chiu sẽ đủ cho cả gia đình sử dụng để nấu ăn và uống. Còn tắm giặt thì dùng nước từ kênh rạch, múc qua lu rồi đánh phèn. Tuy nhiên, năm nay hạn dài, nước mưa dự trữ trong mấy bồn chứa đều cạn ráo. Nghe tin đoàn công tác của Báo CATP chở nước ngọt xuống hỗ trợ bà con, bà vội mang can nhựa đến chở để đem về dùng dần. Đong đầy 2 can nhựa nước ngọt, bà Nhiều cười tươi: "Chừng này thôi, cả gia đình tôi cũng uống được vài ba tuần!"

Người dân phấn khởi mang nước ngọt về nhà

Chạy ngược xuôi kéo dây ống, rồi thoăn thoắt đong nước vào từng can nhựa, em Võ Văn Nhân (10 tuổi, học sinh lớp 4, Trường tiểu học An Ngãi Trung) nói như reo: "Đi học về là cháu chạy ra đây chơi và hứng nước với mọi người. Mấy ngày nay, người dân trong xóm ai cũng kêu hết nước dùng. Nhà cháu cũng vậy!". Cũng theo bé Nhân cho biết: Gia đình bé chỉ có 2 bồn nước nhỏ để dự trữ nước mưa. Mấy tuần nay, thấy ba mẹ cứ phải đi mua nước đóng bình về để uống...

Chỉ cho chúng tôi bồn đựng nước sinh hoạt của gia đình bên cạnh quán ở phía đối diện Trung tâm Văn hóa Thể thao xã An Ngãi Trung, anh Võ Văn Nhân nói rồi lắc đầu: "Đó là bồn nước không tên (nước máy), nhưng khó uống lắm!". Theo anh Nhân, người dân xung quanh khu vực trung tâm xã đều có nước máy sử dụng, nhưng chỉ để tắm rửa và sinh hoạt hằng ngày. Còn nước để nấu ăn và uống thì đều phải dùng từ bồn dự trữ nước mưa. Cũng theo anh Nhân, mùa nắng nóng năm nay kéo dài nên hầu hết bồn dự trữ của người dân quanh vùng đều đã cạn trơ đáy. Với người dân, giờ đây mỗi giọt nước ngọt đều quý như vàng.

Những chai nước, bình nước ngọt làm mát lòng người dân vùng khô hạn

Phấn khởi cùng đoàn công tác của Báo CATP mang nước ngọt đến hỗ trợ người dân vùng hạn mặn, ông Phan Văn Lộc - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Châu Thành, Bến Tre - bày tỏ: "Trong thời gian qua, người dân trên địa bàn huyện gặp nhiều trở ngại do hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài. Được sự đồng hành chia sẻ của Ban Biên tập Báo CATP hỗ trợ nước ngọt cho bà con các xã An Khánh, Quới Sơn, Hữu Định, An Phước, Phước Thạnh, chúng tôi thật sự rất cảm động. Thay mặt chính quyền địa phương, tôi trân trọng cảm ơn tình cảm quý báu này. Mong rằng trong thời gian tới, bà con nơi đây sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành giúp đỡ của Báo và nhà tài trợ để có thể vượt qua khó khăn; góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương".

Đại diện địa phương trao Thư cảm ơn đến Báo Công an TP.Hồ Chí Minh và nhà tài trợ

Cùng đồng hành với Báo CATP đến với người dân vùng hạn mặn qua chương trình "Giọt nước nghĩa tình - mùa 2 năm 2024", ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Tập đoàn Tân Hiệp Phát - đã không thể giấu được sự xúc động khi trực tiếp chứng kiến cảnh khô khát của vùng đất và người dân nơi đây. Thấm giọt mồ hôi sau khi trao tận tay từng thùng nước ngọt cho người dân ở xã An Ngãi Trung, ông Hưng trầm giọng nói trong xót xa: "Không thể tin là người dân ở vùng sông nước, giờ lại sống trong cảnh khát cháy và phải chắt chiu từng giọt nước".

Mang nước ngọt đến cho bà con vùng bị xâm nhập mặn
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang