Phương án "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến":

Nhiều doanh nghiệp lên tiếng

Thứ Hai, 02/08/2021 12:25

|

(CATP) Vừa qua, Báo Công an TPHCM có bài phản ánh, nhiều doanh nghiệp (DN) thủy sản ở ĐBSCL than khó khi thực hiện phương án "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến" của Chính phủ để đảm bảo vừa chống dịch vừa sản xuất. Mới đây, Báo CATP nhận được phản ánh của các DN xung quanh 2 phương án trên.

Nhiều F0 ở nhà máy "3 tại chỗ"

Sau khi phát hiện một số ổ dịch tại DN hoạt động "3 tại chỗ", UBND tỉnh Tiền Giang đã yêu cầu tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) đến ngày 8-5 để xét nghiệm tầm soát bằng phương pháp RT-PCR cho tất cả công nhân, người quản lý.

Từ ngày 15-7, Công ty cổ phần Gò Đàng (KCN Mỹ Tho) thực hiện phương án "3 tại chỗ", công nhân được bố trí sản xuất, ăn, nghỉ, sinh hoạt tại công ty. Ngành Y tế tiến hành lấy mẫu gộp xét nghiệm SARS-CoV-2 cho công nhân, lao động, đã phát hiện 30 mẫu dương tính với SARS-CoV-2.

Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang đã lấy mẫu đơn xét nghiệm RT-PCR, kết quả có 180 mẫu có kết quả dương tính SARS-CoV-2. Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng nói: "Hiện những ca F0, Nhà nước cũng đã chuyển vào bệnh viện dã chiến để điều trị. Những công nhân F1 thì đang cách ly tại nhà máy. Công ty cũng đã cố gắng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho anh chị em công nhân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh".

Công ty cổ phần Gò Đàng (Khu công nghiệp Mỹ Tho) ghi nhận 180 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2

Theo báo cáo của Ban Quản lý các Khu công nghiệp Tiền Giang, toàn tỉnh có 72/186 DN đang áp dụng phương án "3 tại chỗ" với hơn 12.000 lao động. Đến nay, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên việc thực hiện phương án vẫn chưa đạt yêu cầu, hiệu quả.

Thực tế, đã xảy ra 2 ổ dịch trong KCN gồm Công ty cổ phần Gò Đàng có 180 ca và Công ty TNHH Thép không gỉ Quảng Thượng 127 ca dương tính với SARS-CoV-2. UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các DN khẩn trương sắp xếp hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với yêu cầu hoạt động của DN; tổ chức xét nghiệm tầm soát RT-PCR cho toàn bộ công nhân và người quản lý.

Doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động

Theo nhận định của DN, việc kéo dài sản xuất theo phương án "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến" đã phát sinh nhiều vấn đề mà chủ DN chưa từng trải qua. Họ không chỉ lo ăn, ở mà còn phải thường xuyên nắm bắt tâm lý, nhu cầu tinh thần của người lao động.

"Do đó, chúng tôi đề xuất được áp dụng linh hoạt về thời gian giãn ca, thay ca luân phiên giữa các nhóm người lao động trong điều kiện kiểm soát dịch bệnh trong DN. Đồng thời, các cơ quan chức năng xây dựng lại bộ tiêu chí "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" phù hợp với đặc thù từng ngành nghề nếu phải áp dụng trong thời gian dài. Nếu thực hiện đúng 2 phương án trên, DN tạm ngưng hoạt động chứ hoạt động kinh phí quá lớn", một DN khẳng định.

Tại Vĩnh Long, tính từ ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng vào ngày 21-6 đến 16 giờ ngày 31-7 có 826 ca mắc trong cộng đồng, điều trị khỏi 102 ca và 9 ca tử vong. Đa số các ca mắc mới là F1 của chuỗi lây nhiễm tại KCN Hòa Phú đã được cách ly tập trung.

UBND tỉnh chỉ đạo, DN không có phương án "3 tại chỗ" phải tạm dừng hoạt động sản xuất để đảm bảo phòng chống dịch theo quy định. Tỉnh đã ra quyết định tạm dừng hoạt động sản xuất đối với 17 DN trên địa bàn để bổ sung các điều kiện phòng, chống dịch, phương án "3 tại chỗ" nhằm đảm bảo an toàn khi hoạt động trở lại. Thực tế, Vĩnh Long phát hiện một số DN có công nhân nhiễm bệnh tại các KCN.

Ngày 15-7, Công ty TNHH Tỷ Xuân có 16.099 công nhân, phát hiện 27 trường hợp dương tính SARS-CoV-2. Ngay sau đó, DN đã lên phương án phòng chống dịch như: chia thời gian làm việc, ăn uống, buộc lao động khai báo y tế, tạo vách ngăn nơi làm việc, phun dịch sát khuẩn toàn công ty; trang bị vật tư bảo hộ cho người lao động; các đơn vị cung cấp dịch vụ cho DN đều cam kết có kết quả test âm tính với SARS-CoV-2...

Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh tại DN, số ca lây lan tăng nhanh nên DN đã cho toàn bộ lao động nghỉ việc cho đến khi có thông báo mới. Công ty TNHH Bo Hsing đã thực hiện test cho 1.507 người (phát hiện 4 trường hợp dương tính SARS-CoV-2), công ty đã thông báo tạm ngưng hoạt động, thực hiện cách ly, truy vết F1, F2...

Cán bộ y tế tỉnh Tiền Giang xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng

Hiện tỉnh Bạc Liêu có một khu công nghiệp với khoảng 1.500 công nhân, trong đó có khoảng 200 lao động ngoài tỉnh. Hầu hết doanh nghiệp đều có phương án ứng phó dịch. Theo đánh giá của UBND tỉnh Bạc Liêu, phương án "3 tại chỗ" và "1 cung đường, 2 điểm đến" là rất khó, do công nhân ở nhiều nơi, cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhà máy thiếu thốn. Do đó, hiện nhà máy nào thấy có nguy cơ thì chỉ có cách duy nhất là đóng cửa.

Một giám đốc DN cho biết, việc thực hiện phương án "3 tại chỗ" rất khó do hầu hết công nhân ở gần nhà máy, xí nghiệp, đi làm bằng xe máy. Ngoài ra, những quy định cho phương án này như nhà vệ sinh công cộng, khu cách ly tạm thời, nơi nghỉ tại chỗ... cần phải có thời gian thực hiện. Hiện tại các doanh nghiệp cho công nhân nghỉ luân phiên, đảm bảo dưới 300 công nhân trong một nhà máy.

Tại Hậu Giang, một lãnh đạo công ty may mặc tại địa phương chia sẻ, tỷ lệ đăng ký "3 tại chỗ" của người lao động theo Chỉ thị số 08 của UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạt 20%, bởi gia đình người lao động muốn họ ở nhà để an toàn. Thực tế, chi phí test nhanh lại cao hơn tiền lương hàng ngày khiến người lao động gặp nhiều khó khăn. Một số công ty sẵn sàng bố trí "3 tại chỗ" với 1.500 chỗ ở, hay hỗ trợ cho người lao động thêm 50.000 đồng/ngày/người nhưng phần lớn công nhân vẫn lo lắng, ái ngại. nhiều doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong thực hiện "3 tại chỗ".

DN cho rằng, việc bố trí chỗ ở cho người lao động, với các điều kiện sinh hoạt, ăn uống đảm bảo là điều không dễ khi nguồn cung thực phẩm cho công nhân ở lại doanh nghiệp khan hiếm, thời gian chuẩn bị ngắn. Đồng thời, chi phí xe đưa rước "1 cung đường, 2 điểm đến", chi phí xét nghiệm cho công nhân gánh nặng tài chính khủng đối với DN. Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang, hơn 3 năm qua, đây là thời gian khó khăn nhất của doanh nghiệp. Chỉ trong thời gian ngắn, gần 90% doanh nghiệp theo cơ chế thị trường trong tỉnh đã đóng cửa...

Bình luận (0)

Lên đầu trang