"Hơn 50 tuổi đời tui mới có giấy khai sinh, mới chính thức có tên, có họ..."

Thứ Năm, 18/01/2024 14:16  | Ngọc Anh

|

(CAO) "Hơn 50 tuổi đời rồi tui mới có mảnh giấy lận lưng, mới chính thức có tên, có họ", anh Phạm Văn Lâm (SN 1959, tổ 10A ấp 1, xã Tân Kiên) rưng rưng nước mắt khi nhận tờ Giấy khai sinh do tổ công tác của CATP trao.

Chiều 17/01/2024, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TPHCM (CATP) phối hợp với Công an xã Tân Kiên, H.Bình Chánh, TPHCM đã đến tận nhà trao Giấy khai sinh (GKS) và quà Tết cho 3 trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt tại xã Tân Kiên.

Đại úy Phan Văn Nhân – Phó CA xã Tân Kiên cho biết đây là 3 trường hợp cuối cùng chưa có GKS của xã. Trước đó, xã Tân Kiên có 11 trường hợp nhưng đã cấp được 8 GKS, riêng 3 trường hợp này do gặp nhiều khó khăn trong việc xác minh nên đến bây giờ mới làm xong.

Đại diện Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội và CA xã Tân Kiên trao GKS và quà cho ông Võ Văn Tư

Ông Võ Văn Tư (SN 1955, ngụ ấp 4, xã Tân Kiên) sinh ra ở Gò Vấp, sau về Quận 6 sinh sống. Bị bắt đi lính chế độ cũ, ông Tư trốn về nên không có giấy tờ lận lưng. Lấy vợ là bà Hà Nguyệt cùng cảnh nghèo như nhau, ông bà dắt díu nhau về quê vợ ở xã Tân Kiên sinh sống bằng nghề nhặt ve chai. Trong một lần đi làm, ông bị tai nạn, từ đó ông nhớ nhớ, quên quên. Do không có GKS, không có thường trú, ông Tư không mua được Bảo hiểm y tế (BHYT). Làm được GKS đồng nghĩa với việc sẽ mua được BHYT cho chồng, đôi mắt của bà Nguyệt lấp lánh niềm vui.

Rời căn nhà nhỏ của đôi vợ chồng già, CBCS đến với một hoàn cảnh khác không kém phần bi đát. Anh là Phạm Văn Lâm (SN 1959, tổ 10A ấp 1, xã Tân Kiên). Anh Lâm là trẻ mồ côi, sống trong một cô nhi viện ở An Lạc trước năm thống nhất đất nước. 14 tuổi, anh trốn khỏi cô nhi viện và từ đó sống cuộc đời lang bạt. Gặp người phụ nữ cùng cảnh ngộ, họ gá nghĩa với nhau nhưng không may, vợ anh mất sớm, từ đó Lâm lại tiếp tục cuộc đời đơn độc.

Đại diện Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội và CA xã Tân Kiên trao GKS và quà cho anh Phan Văn Lâm

Cầm tờ GKS trên tay, anh Lâm rưng rưng nước mắt: “Sống hơn 50 năm trên cuộc đời, lần đầu tiên tui có cái giấy lận lưng”. Đồng chí Thịnh, CSKV vỗ vai anh Kiên động viên: “Vui lên anh! BHYT cho anh, tui cũng vận động mua luôn rồi đó, chờ Luật Căn cước có hiệu lực từ 01/7/2024, đi làm căn cước công dân (CCCD) nữa nhen!”. Nghe thế thôi, người đàn ông đã tới lưng chừng dốc bên kia của cuộc đời vui đến ngẹn lời. Anh Lâm nói, có CCCD rồi, anh có thể xin việc chứ xưa giờ ai thuê gì làm nấy vì không ai nhận một người không giấy tờ, không lai lịch như mình.

Người cuối cùng được trao GKS trong đợt này là bà Đỗ Thanh Nga (SN 1958). Mẹ mất sớm, cha bỏ đi lấy vợ, bà Nga được bà nội cùng cô ruột nuôi từ tấm bé nhưng do khó khăn nên không ai nghĩ tới việc làm khai sinh cho cô cháu gái cút côi. Lớn lên, gặp người đàn ông là chồng bà sau này, bà Nga theo ông rời Cần Thơ lên TPHCM sinh sống. Sinh 5-6 người con, không công ăn việc làm, bà được chị chồng phụ giúp nuôi nấng bầy con. Khi chồng mất, bà cùng các con vẫn được bên nội cưu mang. Có con cái, họ hàng nhưng bà Nga vẫn canh cánh muốn có được tờ GKS để mua BHYT phòng thân.

Điều mong mỏi ấy ngày càng lớn khi bà bị cườm mắt, không nhìn rõ mọi vật và gần đây lại bị thêm bệnh thận khiến chân bà sưng tấy, đi lại khó khăn. Các con đều nghèo, người chị chồng cũng đã lớn tuổi nên bà không muốn mình thành gánh nặng của gia đình. Khi được trao GKS, bà Nga cứ hỏi đi hỏi lại là có giấy này rồi, bà sẽ có BHYT phải không. Biết sẽ được mua BHYT và làm CCCD, bà Nga vui lắm: “Từ nay tui hết lo lắng rồi!”.

CBCS Công an trao GKS và quà cho bà Đỗ Thanh Nga

Để có được tờ GKS cho những người dân này là sự nỗ lực to lớn của CA xã Tân Kiên, Bình Chánh nói riêng và CATP nói chung cùng sự trợ giúp của ngành tư pháp bởi quá trình khai thác thông tin đối với những trường hợp này gặp nhiều khó khăn (người bị bệnh tâm thần, người là trẻ mồ côi, người vô gia cư…). CA xã tân Kiên phải rà soát địa bàn để nắm các trường hợp cụ thể trên địa bàn xã. Tiếp đó, CSKV phải xuống gặp từng trường hợp để khai thác thông tin, sau đó gửi về CATP để xác minh.

Sau khi có thông tin tương đối, hồ sơ của họ sẽ được chuyển qua Tư pháp xã để xác minh một lần nữa mới cấp GKS. Khó khăn nhiều như thế nhưng với nỗ lực để không người dân nào bị bỏ lại phía sau, Ban chỉ đạo Đề án 06 TPHCM đã nỗ lực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để giải quyết cư trú, làm GKS, cấp định danh cá nhân và cấp CCCD cho các trường hợp trên.

Bình luận (0)

Lên đầu trang