Khi người chồng biến thành ‘hung thần’

Chủ Nhật, 09/08/2015 08:48  | Tây Phương (tổng hợp)

|

(CAO) Sự hung hãn, hoang dã trong các hành vi đầy tính bản năng đều có nguồn gốc từ giáo dục và từ môi trường sống mà ra.

Chồng cắt gân tay chân vợ rồi tra tấn dã man

Vào khoảng 12 giờ ngày 3-8, nghe thấy tiếng kêu cứu, người dân phát hiện chị Dương Thị Hồng (SN 1981, trú tại Thôn Chớp, xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) nằm bê bết trên vũng máu. Khi mọi người chạy đến mới tá hỏa bởi những vết thương từ tay, chân và vùng mặt bị hằn sâu.

Chị Hồng bị chồng cắt gân tay chân rồi tra tấn dã man

Nguyên nhân ban đầu được xác định, thời gian qua, do công việc không ổn định, lại thêm thói mê cờ bạc, Chu Quang Đạo (SN 1966, chồng chị Hồng) bắt vợ đi vay để cho mình trả nợ và thường xuyên thượng cẳng chân, hạ cẳng tay khi không bằng lòng. Chị Hồng có đâm đơn ra tòa đòi ly hôn, nhưng đang trong giai đoạn hòa giải.

Chu Quang Đạo níu kéo không được nên đã ra tay hành hạ vợ. Đạo đã dùng dao cắt gân chân, gân tay và đâm vào vùng mặt chị Hồng.

Chị Hồng ngoài công việc đồng áng, thỉnh thoảng có thu nhập ít ỏi từ nghề khóc thuê ở đám ma.

Hiện Chu Quang Đạo đã bỏ trốn. Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) đang tích cực điều tra, truy tìm đối tượng.

Câu chuyện một người vợ sống giữa thành phố Nam Định bị chồng đánh đập, đâm kim vào vùng kín và dọa cho ăn phân lợn vẫn còn gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Nạn nhân của vụ bạo lực gia đình dã man trên là chị Hoàng Thị H. (SN 1973, trú tại xóm Thắng, thôn Mai Xá, xã Mỹ Xá - TP Nam Định).

Sống giữa thành phố Nam Định, nhưng chị H. thường xuyên bị chồng đánh đập, đâm kim vào vùng kín và dọa cho ăn phân lợn

Ngày 19-6-2014, chị H. được người nhà đưa bằng taxi đến cấp cứu. Qua chẩn đoán, các bác sĩ xác định, chị H. bị gãy xương cánh mũi.

Theo lời chị H, hôm đó, do uống rượu say, chồng chị đã đóng cửa nhốt 3 mẹ con trong nhà, sau đó, dùng then cửa đánh vào mặt chị. Rất may, lúc đó cháu H. (con trai lớn của chị H.) đã kịp thời cướp hung khí từ tay bố và mở cửa để mẹ chạy ra ngoài.

Chị H. cũng cho biết, đã nhiều lần chị bị chính người chồng đầu ấp tay gối bao năm nay đánh đập vô cớ.

Theo ông Hoàng Đình Nghĩa, trưởng xóm Thắng thì chồng chị H. là một kẻ nát rượu và thường xuyên đánh đập vợ con. Không những vậy, khi rượu vào còn gây gổ cả với cả hàng xóm.

Hành hạ vợ như thời trung cổ và không mảy may "chớp mắt", những đức ông chồng "đầu gối tay ấp" ấy đã đẩy vợ vào địa ngục trần gian. Chỉ vì sợ chồng, sợ phải ra đường, sợ con mất cha,... người phụ nữ chỉ biết hứng chịu đòn roi, hứng chịu sự phỉ báng của chồng mà không dám phản kháng

Bạo lực đẻ ra sự chết chóc thù hận!

Những vụ việc được cơ quan pháp luật xử lý mới chỉ là bề nổi của thực trạng chứ không thể hiện được đầy đủ tình hình. Phổ biến nhất hiện nay đó là tình trạng bạo lực âm thầm trong các gia đình.

Mặc dù Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã có hiệu lực từ tháng 7-2008 nhưng hiện tượng bạo lực vẫn chưa thuyên giảm. Theo thống kê của Tòa án Nhân dân tối cao, trung bình một năm trên cả nước có tới 8.000 vụ ly hôn mà nguyên nhân do bạo lực gia đình.

Còn theo số liệu thống kê của bệnh viện, các trung tâm, phòng cấp cứu lớn của cả nước, có hơn 27% phụ nữ bị ngược đãi nhập viện, hơn 10% điều trị y khoa nghiêm trọng hằng năm do nguyên nhân bạo lực gia đình.

Trung bình một năm trên cả nước có tới 8.000 vụ ly hôn mà nguyên nhân do bạo lực gia đình (ảnh minh họa)

Bạo lực trong gia đình gây áp lực tâm lý và tác động thể chất hết sức nặng nề đối với các thành viên trong gia đình. Hậu quả lớn nhất không chỉ là tan vỡ hạnh phúc gia đình, không chỉ với người phụ nữ mà còn ảnh hưởng nặng nề tới thế hệ tương lai sau này là trẻ em. Ngay cả khi trẻ em đã đến tuổi trưởng thành thì những ảnh hưởng vẫn rất mạnh.

Theo Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, nguyên nhân sâu xa của bạo lực gia đình là do tư tưởng bất bình đẳng giới, lối xử sự gia trưởng từng tồn tại dai dẳng ở nước ta.

Trước đây, người phụ nữ bị hành hạ do sống phụ thuộc chủ yếu vào chồng. Hơn nữa, do tâm lý giới và tư tưởng "xuất giá tòng phu", hầu hết phụ nữ đều nhẫn nhục chịu đựng, không muốn để người ngoài biết, cho tới khi bạo lực xảy ra liên tục thì hậu quả các chị phải gánh chịu là quá nghiêm trọng.

Khi chuyển sang kinh tế thị trường, mặc dù vai trò của phụ nữ đã thay đổi, có người đi làm kiếm được nhiều tiền hơn chồng nhưng vẫn bị chồng đánh. Theo nghiên cứu của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, những trường hợp này chiếm 72% trong số những vụ xung đột gia đình mà nguyên nhân là một số ông chồng cảm thấy địa vị trụ cột gia đình bị lung lay.

Bên cạnh đó, một số tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, trai gái... cũng là những nguyên nhân dẫn tới bạo lực gia đình hiện nay.

Bạo lực xưa nay luôn đẻ ra sự chết chóc thù hận. Bạo lực một khi đẩy lên cao sẽ làm cho con người có nguy cơ giết hại lẫn nhau.

Nhiều người cho rằng, điều cần thiết là giáo dục lòng tôn trọng con người và “văn hóa hòa bình” giữa con người với con người; nâng cao tính thượng tôn pháp luật của mỗi công dân và xử lí nghiêm những hành vi gây hại đến thân thể con người.

Mặt khác, chính bản thân người phụ nữ cũng phải biết quyền con người là không thể để người khác xâm hại, đồng thời xóa bỏ những định kiến cũ đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mình để tự vệ và biết cách cứu mình khi có bạo hành xảy ra.

Theo quy định tại Điều 42 (Luật Phòng, Chống bạo lực gia đình) quy định về xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình: “Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hành vi bạo lực gia đình nếu bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định thì bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục...”.

Bên cạnh đó, Nghị định số 110/2009/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình đã quy định về các hình thức xử phạt, các biện pháp khắc phụ hậu quả, hành vi vi phạm và các cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình. Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình trước hết sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Nếu hành vi có tính chất nghiêm trọng, vi phạm các quy định của luật hình sự thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bình luận (1)

Nếu tôi là chị em phụ nữ tôi sẽ "trả đòn" gấp đôi những loại chồng bạo lực đó để mà sống, đọc mà nghe tức cả hai...

Hong - Chủ Nhật, 09/08/2015, 21:26 Trả lời | Thích
Lên đầu trang