Công viên bị "xẻ thịt", xuống cấp
Nhằm cải thiện một phần cảnh quan CV 30/4 (Q1), năm 2014 Sở Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất UBND TPHCM chi khoảng 23,5 tỷ đồng nâng cấp phía trước khu B và khu C của CV này. Năm 2019, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng TPHCM tiến hành nâng nền, tăng mảng xanh cho CV 30/4. Sở Xây dựng lưu ý, khi cải tạo, cần giữ lại bó vỉa hè bằng đá xanh Biên Hòa có tuổi đời lâu năm.
Mặc dù đã có 2 lần nâng cấp, nhưng việc cải tạo CV 30/4 vẫn chưa được thực hiện đồng bộ. Khảo sát tại CV 30/4 cho thấy, không ít thảm cỏ có mật độ thưa thớt, nhiều bồn hoa không còn thảm cỏ, nhiều đoạn bó vỉa hè được xây bằng gạch cũ kỹ, rêu mốc. Lối đi bộ trong CV nứt nẻ, nhiều chỗ bị cây đâm nứt toác, mặt đường lồi lõm, gập ghềnh.
Ông Nguyễn Trọng Hòa, ngụ Q1 cho biết: "Được xem là một trong những "lá phổi xanh" quan trọng của TP, nhưng nhiều năm qua các CV lân cận như: Tao Đàn, Thảo Cầm Viên, Lê Văn Tám... luôn được chỉnh trang, đổi mới thì CV 30/4 gần như "dậm chân tại chỗ", không khác nhiều so với mấy chục năm về trước".
Cũng tại Q1, CV 23/9 không chỉ bị xuống cấp, nhếch nhác mà còn sử dụng sai công năng. CV 23/9 có diện tích hơn 9 héc-ta, gồm ba khu A, B, C. Hiện cả ba khu này đều bị "xẻ thịt" khiến mảng xanh "teo tóp". CV không được nâng cấp, chỉnh trang thường xuyên khiến cây cối tại một số bồn kiểng khô queo, không còn thảm cỏ. Nhiều hạng mục khác bị nứt nẻ, bể, bong tróc nham nhở.
Những công trình này vẫn nằm chễm chệ tại CV 23/9 chưa biết đến khi nào di dời
Không những vậy, CV 23/9 còn là địa điểm thường xuyên tổ chức hội chợ, triển lãm, ca nhạc... Sau những sự kiện ấy, CV này bị xâm hại nghiêm trọng. Mới đây, tại CV 23/9 diễn ra Ngày hội Du lịch TPHCM lần thứ 20. Ngay sau khi ngày hội kết thúc, nhiều thảm cỏ xanh trong CV bị giẫm đạp trụi lủi chỉ còn lại những mảng đất loang lỗ. Anh Nguyễn Minh Trí, ngụ Q1 bức xúc: "Hàng này, mỗi khi có người ngắt hoa, giẫm đạp lên cỏ là bảo vệ CV đến nhắc nhở. Tuy nhiên, mỗi khi có hội chợ, hội nghị là cây cỏ bị giẫm đạp không thương tiếc. Nhiều lúc họ còn đào hố, đóng đinh vô tội vạ, cỏ cây không hư hại, không chết mới là chuyện lạ”.
Để khôi phục lại thảm xanh tại CV 23/9, ngày 06/5, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng chỉ đạo Sở Xây dựng TPHCM và Sở Du lịch TPHCM sớm khắc phục, tái lập thảm cỏ, cây kiểng, hạ tầng trước ngày 10/5. Tuy nhiên, đã hơn nửa tháng trôi qua, những "tổn thương" về cây xanh, thảm cỏ tại CV 23/9 vẫn chưa được "chữa lành".
Trước đó, để đòi lại không gian "sạch" cho người dân, năm 2017, TP có quyết định đóng cửa và di dời toàn bộ trung tâm thương mại, nhà hát, công sở... ra khỏi CV 23/9. Tuy nhiên cho đến nay, những công trình này vẫn nằm chễm chệ tại CV, chưa biết khi nào di dời.
Tương tự, CV văn hóa Lê Thị Riêng (Q10) cũng bị "gọt" hơn 10% diện tích để cho thuê mở quán cà phê, dịch vụ ăn uống, câu cá, trò chơi... Tại mặt tiền đường Cách Mạng Tháng Tám có hai công trình "khủng" gồm: Nhà sách Nhân Văn và khu vui chơi Tuổi Thần Tiên với tổng diện tích lên tới trên 19.000m2 án ngự. Mặt tiền của CV thì bị rào chắn, đào bới nhếch nhác, nhiều chỗ bị trưng dụng làm bãi giữ xe, tập kết vật liệu xây dựng, đúc trộn bê tông, kinh doanh hoa, cây kiểng.
CV Phú Lâm cũng bị "phân lô” hàng ngàn mét vuông để mở khu tập yoga, quán cà phê, nhà hàng tiệc cưới. Tại khu vực giáp với đường Lê Tuân Mậu của CV này có hàng trăm mét vuông "đất vàng" bị bỏ hoang rất lãng phí.
Mảng cây xanh trước Khu du lịch Tân Cảng biến thành nơi buôn bán, đổ xà bần, rác thải chồng chất
Trong khi đó, một mảng cây xanh trước Khu du lịch Tân Cảng (Q.Bình Thạnh) bị biến thành nơi buôn bán, đổ xà bần, gạch đá, rác thải chồng chất, xe chở rác dựng ngổn ngang, nhếch nhác.
Bồn cây xuống cấp, kỹ thuật tưới nước lạc hậu
Là hạng mục có vai trò quan trọng trong việc phát triển của cây xanh, nhưng hiện nay hàng trăm bồn cây tại TPHCM bị xuống cấp, hư hại nghiêm trọng.
Trên các tuyến đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh), Nguyễn Thị Minh Khai (Q1), Ba Tháng Hai, Lý Thường Kiệt, (Q10)..., người đi đường không khỏi "xốn mắt" bởi hàng chục bồn cây bị nứt nẻ, bể gãy, sụp lún; gốc cây bị biến thành nơi đổ xà bần, rác rưởi, vỉa hè xung quanh các gốc gây bị bong tróc nham nhở.
Hàng chục bồn cây trên đường Nguyễn Văn Cừ, Hùng Vương, Nguyễn Chí Thanh (Q5)... trở thành điểm lý tưởng cho những người bán mắt kính, kính xe gắn máy, mũ bảo hiểm, bình ắc quy cũ, cửa hàng tạp hóa... "đóng đô". Các bồn cây tại Công trường Mê Linh (Q1) bị nứt nẻ, sứt mẻ. Tại nhiều tuyến đường khác như: Tôn Thất Thuyết (Q4), Ung Văn Khiêm (Q.Bình Thạnh), Tỉnh lộ 43, Ngô Chí Quốc (TP.Thủ Đức), Quốc lộ 1A... tình trạng bồn cây bị hư hại, bể vỡ nhiều không đếm xuể.
Bên cạnh cũ kỹ, bể vỡ, việc thi công bồn cây xanh hiện nay cũng có nhiều vấn đề bất ổn. Thông tư 20/2005/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn, đối với ô đất trồng cây xanh đường phố thì xung quanh ô đất phải được xây bó vỉa có cao độ cùng với cao độ của hè phố nhằm giữ đất, tránh làm bẩn hè phố. Thông tư 20 của Bộ Xây dựng quy định là vậy, nhưng hiện nay nhiều bó vỉa được xây không giống như luật quy định.
Nhiều bồn cây hư hại nghiêm trọng
Tại CV 30/4, không ít thảm cỏ có mặt bằng cao ngang hoặc cao hơn bó vỉa nên mỗi khi tưới nước hoặc có mưa lớn, đất cát văng ra khu vực xung quanh. Tại CV Tao Đàn, nhiều bó vỉa cũng được xây thấp khiến đất cát chảy tràn ra lối đi bộ. Nhiều bồn cây trước nhà thờ Tân Định (Q1) có bó vỉa khá thấp hoặc có chỗ không có bó vỉa nên đất cát văng tràn ra vỉa hè và lòng lề đường.
Bồn cây, thảm cỏ trên các tuyến đường: Võ Nguyên Giáp (TP.Thủ Đức), Điện Biên Phủ (Q3)... cao hơn khá nhiều so với bó vỉa cũng khiến đất cát vương vãi. Không chỉ có bó vỉa thấp, nhiều thảm cỏ trên đường Phạm Văn Đồng, Trường Chinh không có cỏ, chỉ còn lại những mảng đất xám xịt, nắng thì bụi, mưa thì sình. Bó vỉa tại nhiều ô đất trên các tuyến đường Quang Trung (Q.Gò Vấp), Tân Sơn (Q.Tân Bình)... được xây thấp lè tè... Các bồn cây trước CV văn hóa Lê Thị Riêng bị sứt mẻ góc, đổ bể, gạch đá nằm ngổn ngang, đất cát vương vãi ra xung quanh, trông nhếch nhác, xấu xí.
Anh Nguyễn Văn Trường, một kỹ sư nông nghiệp cho biết: "Việc xây bó vỉa thấp ngang hoặc thấp hơn mặt bằng của bồn cây, thảm cỏ không chỉ làm mất đi chức năng giữ đất, giữ nước, giữ chất dinh dưỡng mà khi đất cát chảy tràn ra xung quanh còn gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông. Đất cát chảy ra đường, tạo ra ma sát trượt, xe cộ cán qua rất dễ bị trơn trượt, té ngã”.
Ngoài ra, việc tưới tiêu cho cây xanh đô thị hiện nay cũng chậm cải tiến. Theo Sở GTVT TPHCM, trong công tác duy tu bảo dưỡng mảng xanh công cộng thì tưới nước chiếm gần 50% tổng kinh phí duy tu, chưa kể đến vấn đề nhân công và thiết bị. Để tiết giảm chi phí chăm sóc cây và bảo tồn nguồn nước tưới, năm 2009, Sở GTVT đã triển khai thí điểm công nghệ tưới tự động cho một số mảng xanh. Từ năm 2012, Sở đã đưa công nghệ tưới tự động kết hợp phần mềm quản lý thông minh vào vận hành. Sau 3 năm triển khai, hiệu quả mang lại là giảm tới 70% chi phí so với việc điều khiển bằng tay.
Hiệu quả mang lại đã thấy rõ, thế nhưng hiện nay tình trạng tưới nước cây xanh đô thị bằng tay, bằng xe bồn diễn ra phổ biến. Tại CV 30/4, bên cạnh hệ thống tưới cây tự động thì hàng ngày, các nhân viên vẫn phải kéo từng vòi nước đi tưới cây. Ở CV Phú Lâm và đường Võ Nguyên Giáp, ống nước tưới cây nằm ngổn ngang trên mặt đất. Trên nhiều tuyến đường trong TP, lâu lâu người ta lại thấy những chiếc xe bồn phun vòi nước "khủng" vào bồn cây.
Việc tưới cây bằng xe bồn không chỉ lãng phí nguồn nước mà còn gây ra nhiều phiền toái cho người dân. Không ít người dân phàn nàn, nhiều lúc họ đang đi trên đường thì bị xe bồn tưới nước làm cho nước và đất cát văng tung tóe lên khắp người. Trong điều kiện đường sá chật chội, xe cộ đông đúc, việc các xe bồn lù lù xuất hiện trên đường còn gây cản trở giao thông nghiêm trọng.
Được biết, các TP lớn trên thế giới rất chú trọng phát triển mảng xanh đô thị cũng như áp dụng các công nghệ tiên tiến để chăm sóc, tưới tiêu cho cây xanh. Tuy nhiên, đối với TPHCM, không chỉ chậm mở rộng diện tích mảng xanh đô thị mà còn khá lạc hậu trong việc áp dụng kỹ thuật, công nghệ trong công tác chăm sóc cây xanh.