Khổ trăm bề
Như chúng tôi đã phản ánh, sau khi đường Phạm Văn Đồng (đoạn qua phường Linh Đông và Linh Tây, quận Thủ Đức) được nâng lên khang trang đẹp đẽ thì kéo theo đó là nhiều nhà dân trên đường này bỗng biến thành hầm, kèm theo nhiều hệ lụy trớ trêu. Đời sống người dân ở đây cũng bi hài theo với những thiệt thòi kinh tế khó đong đếm.
Nhà bà Đồng Thị Nuôi như một căn hầm trú ẩn giữa lòng Sài Gòn
Nhà bà Đồng Thị Nuôi (78 tuổi, số nhà 939, phường Linh Tây, quận Thủ Đức) là một trong những ngôi nhà có nóc nhà gần ngang với mặt đường. Bà Nuôi cho biết, mỗi khi trời mưa thì nhà bà bị nước bên ngoài tràn vào. Khổ sở nhất đêm hôm mưa, cả nhà phải thức dậy tát nước. Người trong nhà múc truyền cho người bên ngoài đổ nước ra đường. Trời nắng thì nóng bức, bụi bặm. Xe máy không thể cho vào nhà được, phải để ở ngoài cả ngày bất kể mưa nắng, chỉ tối mới đem vào nhà. “Hai vợ chồng thằng con phải khiêng, đứa trước đứa sau thì mới hạ được chiếc xe xuống nhà”, bà Nuôi nói.
Sau khi chúng tôi phản ánh, người dân tại đây cho biết, trên phường có cử người xuống đi khảo sát để tìm phương án hỗ trợ cho người dân.
(CAO) Hệ quả của việc nâng cao mặt đường đã khiến cho hàng trăm ngôi nhà dọc hai bên tuyến đường Phạm Văn Đồng (đoạn qua phường Linh Đông và Linh Tây, quận Thủ Đức) bỗng nhiên biến thành “hầm”.
Bà Nuôi cho biết: “Sau khi được báo Điện tử Công an TP.HCM phản ánh, phường có xuống nhà tôi 2 lần và những nhà khác để khảo sát tìm phương án hỗ trợ. Riêng nhà tôi, phía phường cho biết nếu làm mái che thì chỉ có thể làm khoảng 0,5m; nhưng nếu làm 0,5m thì thôi khỏi làm, vì không che được gì cả. ít nhất phải 1,2-1,4m mới che được mưa. Nhưng làm 1,2-1,4m thì phường bảo là không đảm bảo mỹ quan”.
Chiều cao của đường mới nâng khiến nhà bà Nuôi như 'hầm'
Về việc nâng nền nhà, bà Nuôi nói thêm: “Còn nếu nâng nền nhà càng khó, vì hiện nhà đang thấp hơn mặt đường hơn 1m, nếu nâng bằng mặt đường, thì từ nền nhà lên nóc nhà còn hơn 1m thì sao mà ở được; trừ khi đập bỏ nhà xây lại mới nhưng tiền đâu mà làm vậy. Do đó, phía phường nói nếu nâng nền, phường sẽ hỗ trợ gia đình nâng nền lên 40 phân; nhưng chúng tôi chưa rõ hỗ trợ như thế nào, nếu hỗ trợ hết thì tôi làm.
Vì thật nhà chúng tôi không có tiền. Con trai tôi làm thợ xây nhưng không phải lúc nào cũng có việc để làm, con dâu làm tạp vụ; nhưng 2 đứa nó còn phải nuôi 2 đứa con, một đứa chuẩn bị vào lớp 9 và đứa nhỏ chuẩn bị vào lớp 3. Riêng tôi, mỗi tháng phải lãnh tiền người có công với cách mạng được hơn 770 ngàn đồng để sống thì tiền đâu nâng nền, sửa nhà”.
Bà Nuôi phân trần: “Việc nhà chúng tôi thấp hơn mặt đường không phải lỗi của chúng tôi. Lúc giải tỏa làm đường không ai thông báo cho chúng tôi biết cốt nền tăng bao nhiêu. Gia đình tôi xây nhà cao hơn nền cũ là 0,6m vậy mà khi đường Phạm Văn Đồng xây xong, nền nhà vẫn bị thấp hơn cả 1m”. Kể từ ngày đó, gia đình bà phải chịu luôn cảnh “chui” vào nhà như vào hang.
Bà Nuôi phân trần
Dân khó đòi bồi thường
Tương tự là nhà bà Nguyễn Thị Một (88 tuổi, nhà 923 Phạm Văn Đồng, P. Linh Tây, Thủ Đức), sau khi đường Phạm Văn Đồng hoàn thành, bà dùng hết số tiền giải phóng mặt bằng sửa lại nhà, nâng lại cửa, nhưng không đủ tiền nâng nổi nền nhà. Bên cạnh đó bà phải bỏ thêm tiền xây tạm bậc thềm lên xuống sử dụng cho tới hôm nay.
Theo ghi nhận của chúng tôi, trên con đường này hiện vẫn còn rất nhiều ngôi nhà thấp hơn mặt đường cả 1m, thậm chí có nhà mặt đường cao ngang nóc nhà biến căn nhà trở thành một căn hầm trú ẩn.
Nhà bà Nguyễn Thị Một có mặt đường gần nóc nhà
Một người dân ngụ tại số nhà 1136 (phường Linh Đông, Thủ Đức) cho hay, bà đã chịu cảnh sống trong ngôi nhà thấp hơn mặt đường từ 4-5 năm qua. “Nhà bây giờ thấp hơn mặt cả mét, chưa kể từ mặt đường qua nhà là một vực sâu, phải làm bậc tam cấp để người lên xuống, riêng xe cộ thì không thể xuống được, phải đánh một vòng sang nhà hàng xóm rồi mới vào được nhà”, bà này cho hay.
Xét về mặt tổng thể việc nâng cốt nền lên cao hiện nay là việc cần thiết. Sau khi một con đường mới hình thành, tổng phúc lợi xã hội cũng sẽ phát triển theo. Tuy nhiên những đối tượng bị ảnh hưởng chính là người có nhà thấp hơn cốt nền, gây ảnh hưởng đến cuộc sống.
Nhiều nhà dân dọc tuyến đường này đã nâng cao nền nhà của mình để đuổi kịp mặt đường. Tuy nhiên, cũng còn nhiều hộ nhà vẫn thấp hơn mặt đường. Số hộ này cho biết do còn khó khăn về kinh tế nên không có tiền để theo kịp làm ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày.
Nhà 1136 (phường Linh Đông, Thủ Đức) bị thấp hơn mặt đường còn bị ngăn cách đường bởi vách dựng đứng
Việc nâng đường không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến mức thu nhập của những hộ dân kinh doanh tại nhà. Tuy nhiên, để chứng minh thu nhập bị mất, bị giảm sút để yêu cầu được bồi thường, hỗ trợ cũng không hề đơn giản.
Không chỉ những hộ dân trên đường Phạm Văn Đồng chịu ảnh hưởng bởi việc nâng đường. Theo Sở Xây dựng TP.HCM, có 4 quận có nhà dân bị ảnh hưởng bởi các dự án nâng đường gồm: quận 6, 8, Bình Thạnh, Thủ Đức. Trong đó, quận 8 ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 7.000 hộ mặt đường cao hơn nhà 0,4-1 m; quận 6 còn 617 hộ ảnh hưởng bởi dự án nâng cấp 36 tuyến đường. Mới đây, hàng chục hộ dân tại hẻm 574 đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) cũng lại khốn khổ vì nhà bỗng thấp hơn mặt đường 0,8-1,2 m. Mới đây, Sở Xây dựng đã đề xuất UBND TPHCM có chính sách hỗ trợ các hộ gia đình bị thiệt hại bởi các dự án nâng đường, hẻm. Sở Tài nguyên & Môi trường TP.HCM cũng đã có văn bản gửi UBND thành phố về xây dựng chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân ảnh hưởng bởi dự án trên. Hình thức hỗ trợ bằng cách vay vốn ưu đãi để thực hiện cải tạo, sửa chữa nhà ở phần diện tích bị ảnh hưởng và tùy từng trường hợp cụ thể sẽ có mức hỗ trợ khác nhau. |