Nghiêm trị những kẻ lợi dụng không gian mạng gây rối loạn xã hội:

Bài 1: Đừng đánh đổi và bất chấp

Thứ Năm, 21/04/2022 13:08

|

(CATP) Mạng xã hội trong kỷ nguyên 4.0 xem là "vũ khí” lợi hại. Đó là phản ánh, nói lên những tâm tư nguyện vọng của mọi người, hay sự bày tỏ suy nghĩ, chính kiến… thông tin nhanh nhạy giúp biết bao nhiêu hiểu biết, giúp cho tri thức con người phát triển.

Tuy nhiên cũng đừng biến mình trở thành những "hạt bụi", từ tin giả, sai sự thật, bịa chuyện đặt điều, rồi đến với cái gọi là "quyền lực ảo tưởng" trên mạng xã hội, bất chấp vi phạm luật pháp, xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Ảo vọng quyền lực

Thời gian gần đây, trên không gian mạng xã hội, người biết nhiều và nghe nhiều, thậm chí bỏ ra vài tiếng đồng hồ để xem những thông tin hay có, thật có, giả có và trong đó không ít đám bụi mù mịt bao phủ lấy người dùng.

Người hiểu, biết chọn lọc thông tin là tốt, nhưng cũng khá nhiều trường hợp đã và đang cố tình vượt qua giới hạn. Ở đây là giới hạn về mặt luật pháp đã quy định, vượt qua cả tư cách, thậm chí bỏ mặc đạo đức cá nhân gây ra cái gọi là "quyền lực ảo" để tha hồ chửi rủa, mạt sát, lôi cả những chuyện đời tư, hoặc dựng lên những chuyện tào lao gán vào những nhân vật mà họ cho rằng "đáng bị chửi rủa". Họ bất chấp, đứng trên luật pháp, cho mình cái quyền không thích ai thì mắng chửi thậm tệ.

Về xử lý hành chính, các cơ quan của TPHCM phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát và ngăn chặn, gỡ bỏ 330 bài viết trên Facebook, 439 video trên YouTube và 573 video trên TikTok. Cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 37 vụ với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng đối với các hành vi như: phát tán, truyền đưa, lưu trữ những thông tin có nội dung chống Nhà nước; Xuyên tạc lịch sử, gây ảnh hưởng đến an toàn trật tự - xã hội và an ninh thông tin, thông tin sai sự thật, vu khống...

Nhiều đối tượng không những vượt qua rào cản luật pháp, đám bụi ảo tưởng quyền lực trên mạng còn cho mình cái "tôi" quá lớn, sẵn sàng chà đạp nhân phẩm, bôi nhọ hoặc xúc phạm danh dự của một cá nhân hay tổ chức nào đó. Rồi để câu like, câu view, không ít kẻ còn đăng tin sai sự thật, cố tình vu khống, cố tình "chém gió” đặt điều cho ai đó, dựng lên hiện trường hay một vụ việc mà chẳng có thật, họ muốn kiếm tiền, nhưng có biết đó là đồng tiền "bẩn" hay không?

Tóm lại là họ cố tình đặt điều, dựng chuyện... mà cuối cùng khi bị các cơ quan chức năng triệu tập làm việc, cho đến xử lý hành chính, phạt tiền triệu, thậm chí bị xử lý hình sự thì hối hận đã muộn. Thật đáng ngại và đáng sợ hơn là những người dùng mạng xã hội để thỏa mãn hay thực hiện theo sự dàn dựng vô căn cứ của một ai đó, biến những thông tin không kiểm chứng, thiếu cơ sở hay bịa đặt mà khiến nhiều người nghe cứ lầm tưởng đó là một quyền lực, sự nhầm tưởng "chết người".

Cơ quan điều tra Công an TPHCM khám xét nhà bà Nguyễn Phương Hằng

Phải nói rằng, hình thức livestream (phát trực tiếp) ngày càng phát triển trên các nền tảng mạng xã hội internet. Người dùng mạng ngày nay sử dụng hình thức này để chia sẻ về cuộc sống, bán hàng, bày tỏ quan điểm cá nhân, góp ý, thêm ý tưởng với tinh thần tích cực xây dựng thật là tốt. Thế nhưng, bên cạnh đó có những cuộc livestream vô tư "bóc phốt" nhiều cá nhân, tập thể với lời lẽ thiếu căn cứ dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng. Một số cá nhân đã bị khởi tố sau thời gian dài lên mạng vu khống, xúc phạm nhiều tổ chức, cá nhân.

"Chửi ảo" nhưng đi tù thật

Ngày 24-3, Công an TPHCM đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) về hành vi "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" quy định tại Điều 331 Bộ luật hình sự.

Theo đó, bà Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác. Trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Qua quá trình điều tra, bà Hằng không hợp tác, coi thường pháp luật, nhiều lần tổ chức tập trung nhiều người đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn gây mất an ninh trật tự tại TPHCM và các địa phương khác.

Trong thời gian dài livestream trên mạng xã hội, bà Hằng không chỉ thực hiện một mình mà còn có sự tham gia của nhiều cá nhân. Một trong những người thường xuyên đồng hành của bà ta và có nhiều phát ngôn đồng tình là tiến sĩ Đặng Anh Quân, giảng viên Khoa Luật thương mại, Đại học Luật TPHCM.

Bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam

Trao đổi với báo chí, ông Trần Hoàng Hải, quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM cho rằng nhà trường có trách nhiệm quản lý con người, thực thi nhiệm vụ của mình ở nhà trường. Còn tất cả các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của các cơ quan quản lý Nhà nước, khi cơ quan Nhà nước xử lý hành chính về vi phạm an ninh mạng hay khởi tố người đó đang là nhân viên của trường thì nhà trường mới có cơ sở để xử lý theo Luật viên chức. Nhà trường không có thẩm quyền xác định người đó vi phạm pháp luật. Tinh thần của nhà trường là không dung túng cho sai trái. Do vậy, khi cơ quan có thẩm quyền xác định có vi phạm thì nhà trường sẽ xử lý.

Trước phản hồi của ông Hải, nhiều người tỏ ra không đồng tình với quan điểm trên vì cho rằng ông Quân đang làm công việc giáo dục, dạy dỗ sinh viên lại có những phát ngôn thiếu chuẩn mực nhưng vẫn giảng dạy bình thường. Cụ thể, ca sĩ Vy Oanh - người xác nhận đã có gửi đơn tố cáo đối với một số người khác liên quan đến các hoạt động livestream của bà Nguyễn Phương Hằng, trong đó có tiến sĩ Đặng Anh Quân cùng một luật sư khác...

Ca sĩ Vy Oanh cho rằng, những người này cùng bà Hằng đã livestream có những phát ngôn, lời lẽ xúc phạm mình. Trong đó, bà Hằng là người chửi bới nặng nề. Còn những vị khách mời tung hứng, moi móc, chế giễu đối với Vy Oanh. Không dừng lại ở đó, sau khi bà Hằng bị Cơ quan CSĐT Công an TPHCM thực hiện các quyết định khởi tố điều tra vụ án, khởi tố bắt tạm giam bị can, thì trên mạng xã hội lại tiếp tục xuất hiện nhiều thông tin sai sự thật cho rằng, sau khi Công an TPHCM khám xét nơi ở, bà Nguyễn Phương Hằng đã "được thả về và chỉ bị phạt hành chính".

Công an TPHCM khẳng định thông tin bà Nguyễn Phương Hằng được tại ngoại, được bảo lãnh hay chỉ bị phạt 1,5 triệu đồng... đăng tải trên mạng là sai sự thật. Hiện đơn vị đang khẩn trương điều tra các tài khoản tung tin này để xử lý theo quy định. Công an đề nghị người dân không tin, không tán phát chia sẻ những thông tin sai sự thật có liên quan. Những thông tin liên quan vụ án sẽ được Công an TPHCM cập nhật, thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống.

Công an TPHCM thu giữ nhiều tài liệu, kịch bản phát trực tiếp do bà Hằng và các "cộng sự" thực hiện

Quyết liệt xử lý

Hiện Công an TPHCM đang mở rộng điều tra, đã mời làm việc với một số người đã tiếp tay, có dấu hiệu đồng phạm với bà Nguyễn Phương Hằng. Đó là các trợ lý được bà Phương Hằng giao quản lý 12 kênh, trang mạng xã hội, những người tư vấn, soạn thảo kịch bản để bà Hằng nói trong các buổi livestream, các khách mời tham gia các buổi livestream, các YouTuber...

Việc những tin giả, tin sai sự thật phát tán tràn lan trên không gian mạng gắn với các tính năng của mạng xã hội như bình luận, chia sẻ, phát trực tiếp chỉ trong thời gian rất ngắn, những thông tin này đã trực tiếp tác động đến nhận thức, suy nghĩ, tình cảm và hành vi của người dùng mạng xã hội. Trong khi đó, Việt Nam hiện có khoảng 72 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương 73% dân số. Điều này lý giải vì sao sự xuất hiện, lan truyền các tin giả đã và đang tác động không nhỏ đến tâm lý, đời sống cộng đồng.

Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội có hiệu lực từ ngày 17-6-2021 (do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành) cũng ghi nhận quy tắc ứng xử của tổ chức, cá nhân như không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; Sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; Tung tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... Mọi hành vi thực hiện "tự do ngôn luận" nhưng vi phạm điều cấm của pháp luật đều không được pháp luật bảo hộ và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM cho biết, trong năm 2021 đơn vị đã phối hợp với Công an TPHCM và công an các địa phương thẩm định, đánh giá và giám định nội dung vi phạm trên không gian mạng đối với 28 hồ sơ để phục vụ điều tra, khởi tố và xử lý hình sự các đối tượng có hành vi vi phạm luật An ninh mạng và luật Hình sự. Trong đó đã hoàn tất kết luận giám định 20 hồ sơ, trả 6 hồ sơ do không đúng thẩm quyền và đang giải quyết 2 hồ sơ còn lại.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang