Cuộc chiến sống còn
Bảng danh sách ấy có lẽ chưa kịp ghi danh thêm thiếu tá Vi Văn Luân, CA viên xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, Thanh Hóa.
Khoảng 19 giờ ngày 6-2-2021, tổ công tác CA huyện vùng cao, biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) gồm các CBCS: Phạm Văn Vương, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy làm tổ trưởng; Vi Văn Luân, CA viên xã Pù Nhi; Hà Văn Phìn, CA viên xã Mường Lý; Vũ Văn Nhất, cán bộ Đội CSĐT tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy CA huyện Mường Lát: Đặng Văn Dũng, CA viên xã Mường Chanh tiến hành mật phục, bắt giữ các đối tượng có hành vi mua bán trái phép chất ma túy từ bản Tà Cóm, xã Trung Lý vận chuyển sang bản Mau, xã Mường Lý để tiêu thụ.
Lễ đón nhận danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND
Vừa phát hiện tổ công tác, nhóm tội phạm lập tức chống trả quyết liệt, dùng súng bắn tới tấp về phía lực lượng CA đang làm nhiệm vụ, khiến thiếu tá Vi Văn Luân bị thương nặng ở ngực. Ngay sau đó, thiếu tá Luân được các đồng đội nhanh chóng đưa đi cấp cứu trong đêm. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, thiếu tá Vi Văn Luân đã hy sinh trong vòng tay đồng đội đêm 6-2, khi ngày Tết cổ truyền đang đến gần, bỏ lại cha mẹ già, hai con nhỏ cho người vợ trẻ làm giáo viên cắm bản vùng cao.
Vài tháng sau, đêm 2-8, thượng úy Phan Tấn Tài - cán bộ trinh sát Đội CSĐT tội phạm về ma túy CAQ6, CA TPHCM cũng hy sinh khi bị Hứa Hán Võ (27 tuổi, ngụ Q.6) - đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy ép xe trong quá trình chạy trốn, khiến xe của thượng úy Tài lao lên vỉa hè, va vào tường nhà dân trên đường Lò Gốm, P8Q6...
Năm 2010, Cục C04 khai trương "Bảng vàng truyền thống, vinh danh anh hùng". Đến nay, trên tấm bảng vàng ấy có tên 27 CBCS thuộc lực lượng CA, bộ đội và quần chúng nhân dân anh dũng hy sinh trên mặt trận đấu tranh chống TPMT; hơn 700 CBCS bị thương, bị phơi nhiễm HIV do sự chống trả của TPMT.
Nhiều gương chiến đấu, hy sinh dũng cảm khi tuổi đời còn rất trẻ, có đồng chí ngã xuống khi vừa tròn đôi mươi, như Liệt sĩ, Anh hùng LLVT Phạm Văn Cường, CA tỉnh Điện Biên; Liệt sĩ Bùi Quốc Đại, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, CA tỉnh Hòa Bình. Liệt sĩ Sùng A Trư, CA huyện Mai Châu, Hòa Bình hy sinh khi chưa kịp nhìn con chào đời... Người không may ngã xuống, người sống vẫn tiếp tục. Trong cuộc đấu tranh với TPMT ngày một cam go, quyết liệt, họ thầm lặng góp phần giữ gìn một xã hội bình yên.
Vết thương không mảnh đạn
Cuộc đời chiến sĩ cảnh sát phòng chống TPMT quanh năm chỉ có mật phục, truy bắt, là những cuộc chiến không biết bao giờ chấm dứt, ngày ngày đối mặt với những tên tội phạm gian manh, sừng sỏ, "tội phạm của tội phạm", đối diện trước đủ loại vũ khí "nóng", "lạnh", cả những "viên đạn bọc đường", nhiều khi còn bị đe dọa tới sự an nguy của gia đình, người thân.
Dù đã rời xa cõi tạm vì bạo bệnh, nhưng thượng tá Ngô Trung Hiếu, nguyên Phó trưởng phòng 8, Cục C04 vẫn để lại niềm thương mến, tin yêu của đồng đội bởi những pha "khốn đốn" vì thủ đoạn đê hèn của tội phạm. Do làm lãnh đạo một đơn vị chuyên về công tác mở rộng điều tra, truy tố các đối tượng, đường dây ma túy lớn nhất nước, có tính chất phức tạp hoặc yếu tố nước ngoài, thượng tá Hiếu phải chạm mặt hầu hết những tên trùm ma túy "nổi tiếng" trong giới ma túy 20 năm qua.
Không ít lần, vừa tống được đối tượng lên xe đưa về trại giam, chúng đã lập tức ngã giá, xin "tha mạng" hoặc giảm nhẹ tội bằng hàng chục, hàng trăm cây vàng, hàng tỷ đồng "chuyển ngay vào tài khoản". Nhiều kẻ lại giở đủ "mưu hèn, kế bẩn" hòng thoát tội, mà Nguyễn Viết Hòa (SN 1976, quê Thái Nguyên) là một ví dụ.
Vốn là một CSHS tinh thông nghiệp vụ nhưng nhanh chóng biến chất, Hòa đã lấy 2 tỷ đồng của Trần Văn Hưng - một mắt xích trong đường dây ma túy của ông trùm Vũ Ngọc Sơn - con rể "bà tổ nghề" làng ma túy Ngọc Vân (huyện Tân Yên, Bắc Giang) để sửa biên bản bắt Hưng theo lệnh truy nã, mục đích giúp cho cô bồ của Hưng không dính tội che giấu tội phạm.
Không chỉ thế, Hoà chính là chủ mưu đứng ra cho đàn em ốp mìn nổ tung nhà Giám đốc CA tỉnh Thái Nguyên chỉ vì nghĩ thủ trưởng mình dùng người kiểu "vắt chanh bỏ vỏ”, "dám" điều Hòa từ Phòng CSHS sang Phòng Cảnh sát truy nã. Được tham gia Ban chuyên án điều tra vụ ốp mìn trên, Hòa đã nhiều lần tung hỏa mù, "lái" việc điều tra theo hướng khác.
Khi mọi việc có nguy cơ bại lộ, Hòa điều tay chân đang lẩn trốn trong một vụ án khác xuống tận trụ sở Cục C04 trình diện, mục đích để "được" tạm giam tại trại T16, hòng có cơ hội thông cung, đe dọa Trần Văn Hưng không khai ra Hòa trong vụ lấy 2 tỷ đồng.
Khi bị bắt về Cục C04, Hòa dùng chiêu nuốt thuốc lào cho đau bụng để được đi bệnh viện mổ cắt ruột thừa. Nhân lúc này, y mượn điện thoại gọi chỉ đạo đàn em bắt cóc, giam giữ hoặc cho "biến mất vĩnh viễn" cô bồ của Trần Văn Hưng - nhân chứng duy nhất còn lại của vụ án.
Thời gian đầu, Hòa liên tục chống đối, tuyệt thực, chửi bới, không hợp tác làm việc với điều tra viên, đánh cả quản giáo. Mỗi lần bị hỏi cung, Hòa còn dọa dẫm đồng chí Ngô Trung Hiếu - khi đó là đại úy, điều tra viên thụ lý chính vụ án. Y chỉ đạo đàn em dò tìm địa chỉ nhà đại úy Hiếu, thậm chí cả nhà riêng thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng C04 khi đó, để "ốp mìn"; viết đơn vu khống đại úy Ngô Trung Hiếu bức cung, nhục hình để gây khó khăn cho CQĐT, làm chậm tiến độ điều tra vụ án.
Suốt 7 - 8 tháng trời ròng rã làm việc trong tình trạng áp lực, khiến đại úy Ngô Trung Hiếu kiệt sức đến mức phải nhập viện điều trị... Đó cũng chỉ là một trong hàng trăm chuyên án, vụ án mà anh và đồng đội đã từng tham gia điều tra, khám phá.
Chiếc ôtô của đối tượng Tráng A Chư dùng để chở 50 bánh heroin và đâm thẳng vào xe của lực lượng truy bắt, làm trung uý Đỗ Mạnh Linh (Công an tỉnh Hòa Bình) hy sinh và làm 1 đồng chí khác bị thương
Một lãnh đạo Cục C04 cho biết, thực tế không ít cán bộ đến rồi xin đi vì không thể chịu nổi áp lực, những cuộc mật phục triền miên với nước suối, mì tôm sống. Những chuyến băng rừng, lội suối hàng chục cây số giữa trời mưa rét và cả những cuộc đấu súng sinh tử xuất hiện ngày càng dày hơn.
Buôn ma túy là siêu lợi nhuận, khi bị phát hiện, bắt giữ các đối tượng thường nhận bản án chung thân hoặc tử hình nên khi chạm mặt với lực lượng truy bắt, chúng sẽ điên cuồng chống trả. Bởi vậy mà cuộc chiến chống TPMT ngày càng cam go, khốc liệt hơn.
Mặc dù cuộc chiến đấu với TPMT đầy gian khổ, hy sinh nhưng CBCS Cục C04 không có trường hợp nào sai phạm liên quan đến ma túy, toàn lực lượng cũng rất ít trường hợp sai phạm liên quan đến ma túy.
Suốt 25 năm qua, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy khẳng định vị trí hết sức quan trọng trong lực lượng CAND. Cục C04 cùng 7 tập thể và 6 cá nhân trong lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cùng nhiều Huân, Huy chương các loại. Hàng ngàn lượt tập thể, cá nhân được trao tặng các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ CA, các bộ, ngành và địa phương.
Với quyết tâm không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy, hơn 7.000 CBCS cảnh sát phòng chống ma túy vẫn hàng ngày, hàng giờ bám sát địa bàn để thực hiện nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ, nhân dân giao phó.
Thượng tướng Lê Quý Vương, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an:
Trong cuộc chiến đấu đầy cam go, nguy hiểm với hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt và manh động của TPMT, các thế hệ CBCS lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy đã không quản ngại hy sinh, xác lập và điều tra khám phá hàng ngàn chuyên án lớn, trong đó có nhiều tổ chức tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép ma túy xuyên quốc gia, ngăn chặn được hàng trăm tấn các chất ma túy mua bán trái phép ra thị trường.
Thượng tướng Lê Quý Vương
Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác tham mưu, trực tiếp chiến đấu, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy còn tích cực tổ chức các hoạt động hướng về cơ sở, tích cực tuyên truyền phòng, chống ma túy... Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy đã tích cực cùng các lực lượng chức năng tham gia tuyến đầu chống dịch, một đồng chí đã anh dũng hy sinh.
Có thể nói 25 năm qua, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy đã trưởng thành về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cả 5 mặt công tác lớn: Tham mưu hướng dẫn; tổ chức thực hiện; trực tiếp chiến đấu; xây dựng lực lượng và hậu cần đảm bảo, lập nên những chiến công đặc biệt xuất sắc, luôn là tấm gương tận tụy, hy sinh, vì nước quên thân, vì dân phục vụ.
(CATP) Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, trước tình hình phức tạp của loại tội phạm mới: tội phạm ma túy (TPMT), Bộ Công an (CA) đã quyết định thành lập một hệ thống tổ chức chuyên sâu với đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có chất lượng, đủ sức ngăn chặn loại tội phạm cực kỳ nguy hiểm này.