Trong đó có cả các đối tượng người Campuchia, hoạt động xuyên suốt liên tục nhiều năm liền trên tuyến biên giới, ngay cả thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng chưa bị cơ quan nào phát hiện, điều tra, xử lý.
Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng rất tinh vi, bí mật, xảo quyệt, qua nhiều trung gian, tầng nấc, có sự phân công vai trò cụ thể của từng đối tượng, sử dụng tiếng lóng khi giao dịch để đối phó với lực lượng chức năng. Ở những khẩu quan trọng như giao nhận USD, vàng với các tiệm vàng, các bị can chủ mưu, cầm đầu chỉ phân công cho các đối tượng trung thành. Đối với các bị can là chủ tiệm vàng ít trực tiếp giao nhận, chủ yếu chỉ đạo nhân viên thực hiện.
Bà trùm chối tội
Căn cứ tài liệu điều tra vụ án, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang đủ cơ sở kết luận 25 bị can, gồm: Nguyễn Thị Kim Hạnh (Mười Tường), Trần Thị Thảo Trang, Nguyễn Ngọc Đại Nghĩa, Nguyễn Thị Tuyết Vân, Trương Thái Nguyên, Dương Công Cường, Nguyễn Hồng Cam, Trương Văn Báo, Nguyễn Hoàng Út, Phạm Tấn Lộc, Mai Thị Ngọc Phấn, Lê Thị Bạch Vân, Nguyễn Văn Lê, Nguyễn Hữu Phước, Võ Văn Trung, Trần Văn Hải, Nguyễn Văn Minh, Võ Minh Tâm, Phan Văn Bồ, Trần Hoàng Yên, Võ Văn Kha, Nguyễn Văn Sĩ, Huỳnh Công Minh, Đoàn Minh Phước, Trần Thanh Liêm phạm tội buôn lậu, quy định tại khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Công an đọc lệnh khởi tố Mười Tường về tội rửa tiền.
Đối với bị can Hạnh là chủ mưu, cầm đầu điều hành toàn bộ hoạt động vận chuyển USD, vàng qua biên giới Việt Nam – Campuchia cho các đối tượng buôn lậu. Đối với bị can Trang, Cường, Vân, Nghĩa là các chủ hàng, đặt vàng trực tiếp từ Campuchia rồi thông qua đường dây của Hạnh vận chuyển USD sang Campuchia, mua vàng lậu mang về Việt Nam bán kiếm lời.
Đối với bị can Nguyên, tham gia tích cực vào việc mua vàng lậu từ Campuchia về Việt Nam của Trang. Sau khi nhận USD từ Trang, Nguyên đưa cho đường dây vận chuyển của Hạnh mang sang Campuchia để mua vàng lậu đưa về tiệm vàng Trương Hưng. Để đối phó, Nguyên chỉ đạo Đông sử dụng máy khò vàng xóa chữ tiếng nước ngoài trên các thỏi vàng trước khi giao cho Trang. Ngoài ra, Nguyên còn mua vàng lậu để làm nguyên liệu chế tác nữ trang, bán lại kiếm lời.
Đối với 4 bị can: Cam, Báo, Phước, Liêm có vai trò giúp sức tích cực cho Trang trong việc mua vàng lậu từ Campuchia về Việt Nam trong thời gian dài. Riêng ngày 30-10-2020, cả 4 bị can mang 3,2 triệu USD đến TP.Châu Đốc giao cho Nguyên, trong đó Cam và Báo là người trực tiếp giao USD cho Nguyên.
Đối với bị can Út có vai trò tổ chức, phân công nhiệm vụ cho Tâm, Bồ, Kha, Minh canh coi lực lượng chức năng phòng chống buôn lậu để vận chuyển trái phép tiền, vàng qua biên giới Việt Nam – Campuchia. Riêng ngày 30-10-2020, Út là người trực tiếp vận chuyển trái phép gần 51kg vàng từ Campuchia vào Việt Nam.
Đối với bị can Lộc tham gia vào đường dây với vai trò tổ chức, phân công nhiệm vụ cho Sĩ, Yên cạnh coi lực lượng chức năng phòng chống buôn lậu để vận chuyển trái phép tiền, vàng qua biên giới Việt Nam – Campuchia trong thời gian dài. Riêng ngày 30-10-2020, Lộc là người trực tiếp nhận USD từ nhân viên tiệm vàng Vân An và Nghĩa mang về nhà Hạnh cùng Vân kiểm đếm số lượng, rồi sau đó tổ chức cho Phước, Vân, Trung, Hải mang USD đến điểm tập kết là phủ thờ Nguyễn Mai (của gia đình Hạnh) đế vận chuyển trái phép sang Campuchia giao cho Tuốt, Hía, Pha Na (người Campuchia), nhận vàng giao cho Út mang về Việt Nam để giao cho các tiệm vàng.
Đối với Phấn và Vân có vai trò đồng phạm giúp sức, tham gia tích cực vào việc vận chuyển trái phép tiền, vàng qua biên giới Việt Nam – Campuchia. Riêng ngày 30-10-2020, Phấn là người trực tiếp nhận USD từ nhà Trịnh Kim Ba và Dương Công Cường mang về nhà Hạnh để Lộc và Vân kiểm đếm. Lộc nhắn tin báo số lượng cho Phấn biết trước khi mang sang Campuchia giao cho Tuốt, Hia, Pha Na để người này thu tiền công vận chuyển; còn Vân kiểm đếm xong mang USD đến điểm tập kết để Minh đưa xuống vỏ tắc ráng mang sang Campuchia.
Đối với bị can Hải, Minh, Trung, Phước…. là đồng phạm giúp súc, tham gia tích cực trong hoạt động buôn lậu vàng và vận chuyển trái phép USD qua biên giới Việt Nam - Campuchia. Trong đó tham gia tích cực vào việc vận chuyển 51kg vàng bị phát hiện ngày 30-10-2020.
Theo kết luận điều tra, mặc dù Cơ quan CSĐT đã có đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội nhưng bị can Hải khai báo nhỏ giọt, chưa thành khẩn; các bị can: Hạnh, Vân, Nghĩa không thừa nhận hành vi phạm tội, cố tình quanh co, chối tội gây cản trở cho hoạt động điều tra. Riêng Nguyễn Hoàng Út chỉ khai báo những vấn đề mà cơ quan điều tra có tài liệu, chứng cứ chứng minh.
Tổ chức cho “đàn em” trốn sang nước ngoài và rửa tiền
Liên quan đến vụ án này, Cơ quan An ninh điều tra cũng đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Mười Tường về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.
Theo kết quả điều tra, ngày 30-10-2020, Mười Tường chỉ đạo đồng bọn vận chuyển USD từ Việt Nam qua Campuchia để mua vàng lậu vận chuyển trái phép về Việt Nam giao lại cho một số tiệm vàng trên địa bàn TP.Châu Đốc và TPHCM.
Đến trưa cùng ngày, khi các đối tượng vận chuyển 51kg vàng về đến khu vực khóm Vĩnh Chánh 1, phường Vĩnh Ngươn, TP.Châu Đốc thì bị lực lượng Công an bắt quả tang. Tang vật thu giữ 51kg vàng 9999 cùng nhiều vật chứng khác có liên quan.
Khám xét nhà bị can Nguyễn Văn Võ.
Sau khi biết bản thân cùng đồng bọn đang bị truy nã, truy tìm trong vụ buôn lậu trên, Mười Tường đã bỏ trốn sang Campuchia trước, rồi tổ chức đưa các đối tượng Lê Thị Bạch Vân, Nguyễn Văn Lê, Mai Thị Ngọc Phấn từ Việt Nam sang Campuchia trái phép để lẩn trốn sự truy bắt của cơ quan Công an, cản trở công tác điều tra làm rõ vụ án.
Sau thời gian lẩn trốn, đến ngày 9-7-2021, Vân, Lê, Phấn cùng đồng bọn ra đầu thú, còn Mười Tường bị bắt theo quyết định truy nã của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang.
Ngoài ra, Mười Tường còn là chủ mưu trong vụ án rửa tiền, liên quan đến sự tham gia của một số cán bộ. Theo điều tra, từ năm 2010 - 2020, Mười Tường thành lập nhiều công ty, hộ kinh doanh, đồng thời cho người thân, người làm công đứng tên nhằm hợp thức hóa việc buôn lậu đường cát và nhiều hàng hóa nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam.
Để đối phó sự phát hiện của cơ quan chức năng, Mười Tường đã lập hàng chục tài khoản ngân hàng và yêu cầu người thân, người làm công lập nhiều tài khoản ngân hàng khác, rồi chỉ đạo cho đồng bọn sử dụng các tài khoản này để thu tiền bán đường của 33 đầu mối tại các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ với tổng số tiền khoảng 4.105 tỷ đồng.
Ngoài ra, Mười Tường còn chỉ đạo đồng bọn chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của ông Nguyễn Văn Võ (nguyên cán bộ công an) số tiền trên 3 tỷ đồng, do phạm tội có được. Sau đó, ông Võ cũng bị Cơ quan CSĐT khởi tố và bắt tạm giam.
Theo kết luận điều tra, đối với việc chấp hành pháp luật về thuế của các tiệm vàng, qua tài liệu do cơ quan thuế và các ngân hàng cung cấp thì các tiệm vàng, gồm: Thảo Kim Thành, Trương Hưng, Trường Liêm, Vân An, Kim Ngọc Mai và cá nhân Trịnh Kim Ba có khối lượng giao dịch thông qua tài khoản ngân hàng, số tiền cao hơn gấp nhiều lần doanh thu bán hàng khai báo với cơ quan thuế. Do đó, Cơ quan CSĐT sẽ tiếp tục điều tra, xác minh nếu đủ chứng cứ sẽ xử lý sau. |
(CAO) Sau khi trùm buôn lậu đường cát Vi Ngươn Thạnh (tức Tỉ đường) bị bắt thì Nguyễn Thị Kim Hạnh (Mười Tường, SN 1969, ngụ xã Đa Phước, H.An Phú, An Giang) trở thành "trùm" điều hành đường dây buôn lậu vàng, USD, đường cát,… với số lượng “khủng”.
(CAO) Các bị can trong đường dây buôn lậu khai nhận, việc vận chuyển vàng, USD diễn ra thường xuyên, ngày từ 1 – 4 chuyến. Vàng vận chuyển ít nhất là 4kg, nhiều nhất là 200kg; USD vận chuyển sang Campuchia từ vài trăm ngàn đến hơn 10 triệu USD.