Người dân mắc kẹt ở cửa ngõ miền Tây TPHCM được xe khách đưa về quê

Thứ Sáu, 01/10/2021 14:26  | Nguyễn Yên

|

(CAO) Hàng nghìn người bị mắc kẹt lại ở cửa ngõ miền Tây đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh được TPHCM tổ chức đưa bằng xe khách về quê nhà.

Người dân bị mắc kẹt tại cửa ngõ phía Tây. Ảnh ghi nhận vào rạng sáng 1/10.

Đưa người dân về bằng xe khách

Trưa 1/10, hàng nghìn người dân đi xe máy tự phát về quê ở các tỉnh miền Tây bị kẹt lại trên Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh, TPHCM được lực lượng chức năng đưa lên xe khách để về quê nhà.

Tại giao lộ Quốc lộ 1 - Bùi Thanh Khiết, sau khi hay tin TPHCM sẽ dùng ô tô đưa bà con về quê nhà, người dân đã vỗ tay, reo hò, vui mừng, sau hơn 14 tiếng bị kẹt lại.

Sáng cùng ngày, hàng chục xe khách, xe tải của quân đội được TP huy động đến khu vực để đưa người dân, hành lý, phương tiện của người dân lên xe về quê.

Bên cạnh đó, nhân viên y tế cũng được huy động đến hiện trường để lấy mẫu test COVID-19 cho người dân.

Sau khi có kết quả test nhanh âm tính thì sẽ được địa phương đưa lên xe, trong trường hợp có giấy xét nghiệm âm tính trong 2 ngày không cần phải test lại.

Ảnh ghi nhận vào sáng 1/10.

Riêng xe máy cá nhân của họ sẽ được vận chuyển bằng xe tải, lực lượng CSCĐ được tăng cường để giữ gìn an ninh trật tự tại đây.

"Người dân nào chưa làm xét nghiệm PCR thì điền thông tin vào phiếu lấy mẫu để cán bộ test nhanh. Bắt đầu từ những người dân ở Sóc Trăng", một cán bộ phát loa thông báo.

Sau khi test nhanh, anh Thạch Thanh Dịch (19 tuổi, quê Sóc Trăng) vui mừng vì được lên xe khách, chuẩn bị về quê nhà.

“Ở lại TPHCM không thể cầm cự được nữa, tiền trọ, tiền ăn, tiền sinh hoạt, đủ thứ… trong khi đó công việc bị mất do dịch Covid-19, không còn tiền, nên hay tin TPHCM nới lỏng giãn cách nên tôi đưa cả gia đình để về quê nhà”, anh Dịch kể.

Trước khi lên xe, người dân sẽ được test COVID-19.

Nhiều người chia sẻ, mặc dù TPHCM chưa cho phép về quê tự phát, nhưng do tiền bạc hết, khó khăn chồng chất, đành đánh liều về quê.

“Biết là TP chưa cho phép đi xe máy về quê, nhưng giờ khó khăn quá rồi, chúng tôi rủ nhau đi thành đoàn để cùng nhau về quê dù biết vi phạm, nhưng không còn cách nào khác”, chị Yến, công nhân ở quận Bình Tân nói.

​Người dân lên xe về quê nhà.

Vận động người dân về quê ở cửa ngõ phía Đông quay lại nơi lưu trú

Tương tự cửa ngõ phía Tây, ở cửa ngõ phía Đông của TPHCM người dân cũng chở valy, gia đình, các vật dụng ùn ùn rời TP theo tuyến xa lộ Hà Nội, QL1 để về quê.

Tuyến Quốc lộ 1 đoạn từ khu du lịch Suối Tiên đến cầu Đồng Nai, lực lượng liên ngành gồm công an, dân phòng của TPHCM và Bình Dương bố trí lực lượng túc trực ở các ngã tư.

Người dân về quê ở cửa ngõ phía Đông.

Khi phát hiện người dân đi xe máy về quê, công an dừng xe vận động họ quay trở về nơi ở. Lực lượng chức năng cũng tổ chức thành từng tốp đi xe máy dọc theo tuyến đường nhắc nhở người dân quay về, không tụ tập đông người.

Cũng trong ngày 1/10, hàng chục người có ý định về quê bằng xe máy được cảnh sát yêu cầu quay đầu, người có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ.

“Người về quê chủ yếu là người lao động nghèo, không có khả năng xoay xở nên mình cũng rất đồng cảm. Nhưng quy định là dân không được ra khỏi thành phố, nên anh em chủ yếu vận động, thuyết phục họ quay về, đa số đều chấp hành”, một cán bộ CSGT TP Thủ Đức nói.

Trước đó, ngày 30/9, sau khi hay tin TPHCM nới lỏng giãn cách xã hội, người dân ùn ùn đổ về các cửa ngõ phía Tây, phía Đông của TPHCM để mong được về quê.

Khi đến các chốt kiểm soát dịch COVID-19 thì bị cơ quan chức chặn lại, vận động trở về nơi tạm trú, rất nhiều người không đồng ý quay lại nên gây ra cảnh ùn tắc.

Công an TPHCM khuyến cáo, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, đề nghị người dân không tự ý di chuyển về quê bằng xe cá nhân, không tụ tập đông người, giữ khoảng cách an toàn để bảo vệ sức khỏe bản thân.

Mặc dù lực lượng chức năng đã phát loa, vận động người dân về lại nơi xuất phát nhưng không có kết quả, sau đó TPHCM đã có kế hoạch đưa người dân về các tỉnh miền Tây bằng xe khách, xe máy của họ được đưa về bằng xe tải.

Người dân không tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố; xe cá nhân chỉ được phép lưu thông trong phạm vi thành phố

Sáng 30/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội tại TPHCM kể từ ngày 1/10.

Tại cuộc họp, thông tin thêm về việc kiểm soát phương tiện đi lại từ ngày 1/10, Đại tá Nguyễn Sĩ Quang, Phó giám đốc Công an TPHCM cho biết, thời gian tới tất cả các chốt nội đô được giải tỏa, tuy nhiên Công an TP duy trì 12 chốt chính ở các cửa ngõ TP và 39 chốt phụ giáp ranh các tỉnh lân cận. Công an TP sẽ phối hợp với công an các địa phương tiếp tục kiểm tra phương tiện, người tham gia lưu thông bằng mã QR và các công cụ nhận diện của từng ngành, lĩnh vực.

UBND TPHCM lưu ý, người dân không tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác. Trường hợp cấp thiết cần đi lại liên tỉnh phải thực hiện theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải. Công an TP sẽ kiểm soát và xử lý nghiêm trường hợp người dân tự ý vượt chốt.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình cho rằng, việc kiểm soát chặt là vì an toàn của người dân TPHCM và các tỉnh lân cận. “Mỗi tỉnh thành có độ phủ vắc xin khác nhau, việc hạn chế người dân đi lại giữa các tỉnh để đảm bảo sức khỏe của người dân. Do đó, nếu không có việc cần thiết thì người dân cần hạn chế tối đa việc di chuyển tới các chốt, việc này cũng là tạo điều kiện để ưu tiên cho phương tiện vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm, nhằm đảm bảo việc cung ứng hàng hóa và sản xuất kinh doanh”, ông Lê Hòa Bình nhấn mạnh.

Đối với người dân đi lại trong nội thành, việc kiểm soát thông qua tuần tra kiểm soát đột xuất trên đường, ngẫu nhiên 24/24h. Công an TP có thể thành lập một số chốt lưu động để kiểm tra và tổ chức cả test nhanh y tế.

“Trẻ em dưới 18 tuổi hiện đang học online, chưa có việc cần thiết không để các em ra đường, không tham gia lưu thông bằng xe máy. Trẻ em khi chưa tiêm vắc xin thì không để các em tự ý ra đường làm ảnh hưởng tới sức khỏe”, ông Lê Hòa Bình nói thêm.

Người nước ngoài khi nhập cảnh vào TPHCM tiến hành khai báo y tế tại cửa khẩu và sau đó sử dụng mã QR hoặc giấy tờ thay thế cho các hoạt động tại TP.

Hoạt động vận tải hành khách đường bộ, đường thủy nội địa trên địa bàn Thành phố phù hợp với cấp độ dịch bệnh của từng khu vực, địa phương, theo hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải. Phương tiện giao thông cá nhân chỉ được phép lưu thông trong phạm vi TP.

Hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh (đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, đường hàng không) theo lộ trình phù hợp với kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải và quy định của Bộ Y tế.

Hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng xe mô tô có sử dụng công nghệ kết nối với hành khách (shipper) thực hiện theo hướng dẫn của Sở Công Thương.

Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo chung việc đưa đón người dân về các địa phương
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang