Người dân ùn ùn về quê: Mỗi địa phương áp dụng cách ly khác nhau

Thứ Năm, 07/10/2021 09:47

|

(CATP) Tính đến nay, 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đón ít nhất 260.000 người dân trở về quê, dẫn đến quá tải hệ thống phòng dịch tại các địa phương khi đa số đều thực hiện cách ly tập trung (CLTT). Trong khi đó, Bộ Y tế (YT) cho phép người đã tiêm vắc-xin được cách ly tại nhà (CLTN).

"Hộ chiếu vắc-xin" và công văn của Bộ Y tế

Trong số phát hành ngày 5-10, Báo CATP đã đề cập đến vấn đề CL phòng chống (PC) dịch đối với người dân tự phát về quê từ TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và để người dân TPHCM được về quê đón con em quay lại thành phố học tập, trong đó đề xuất áp dụng "hộ chiếu vắc-xin" nhằm tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng và cũng để góp phần kiểm soát dịch bệnh.

Đề xuất này cơ bản giống "hộ chiếu vắc-xin" dành cho lái xe đường dài (thẻ xanh Covid-19 + xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ). Với yêu cầu này, người dân TPHCM có thể về quê đón con em quay trở lại thành phố học tập, cộng thêm các thủ tục khác, yêu cầu xét nghiệm (XN) âm tính với người được đón, là an toàn. Còn với người dân tự phát về quê lần này, nên để cho những người đã tiêm 2 mũi hoặc 1 mũi vắc-xin được CLTN và tiến hành các XN theo quy định phòng dịch, với những trường hợp chưa tiêm vắc-xin thì CLTT. Đề xuất này giúp đơn giản hóa việc đi lại giữa các địa phương đã nới lỏng giãn cách xã hội (GCXH), đảm bảo công tác phòng dịch nghiêm ngặt theo quy định của ngành YT.

Ngày 6-10, Bộ YT đã có công văn (CV) về việc áp dụng biện pháp PC dịch, nêu rõ người đã tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã điều trị khỏi Covid-19, người đã tiêm 1 liều tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày, lấy mẫu XN theo quy định. Đề nghị này cơ bản dựa trên tiêu chí của "hộ chiếu vắc-xin" để giúp người dân di chuyển giữa các địa phương dễ dàng đồng thời đảm bảo công tác phòng dịch. Các địa phương nên áp dụng theo CV này.

Công an tỉnh An Giang hỗ trợ người dân thức ăn trên đường về quê chống dịch

Các tỉnh thành khác cũng cần nghiên cứu đề xuất phương án đi lại giữa TPHCM tới 4 tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh, do TPHCM đề xuất, mà đến nay các tỉnh liên quan đã cơ bản thống nhất thực hiện. Đề xuất này cũng nên được mở rộng với các tỉnh ĐBSCL, bổ sung thêm điều kiện cần và đủ khác để người dân lưu thông dễ dàng, đảm bảo công tác phòng dịch nghiêm ngặt.

Mỗi địa phương áp dụng biện pháp cách ly khác nhau

Cho đến nay, dù chưa có thống kê chính thức nhưng tại 13 tỉnh ĐBSCL, mỗi địa phương đón ít nhất trên 20.000 người dân trở về, có tỉnh gần 30.000 người, gây quá tải hạ tầng các cơ sở CLTT lẫn năng lực YT của các tỉnh, thành ở ĐBSCL.

Bên cạnh đó, các tỉnh Tây nguyên, Nam Trung bộ, Bắc Trung bộ cũng đón lượng người về quê rất lớn; thậm chí nhiều tỉnh thành phía Bắc như Hà Giang, Điện Biên, Phú Thọ, Hòa Bình... cũng có hàng ngàn người kéo về.

Đó không chỉ là nỗi khổ trên đường thiên lý, mà vẫn còn nhiều nỗi vất vả khác khi bà con buộc phải quay về trong lúc này, nhất là vấn đề tổ chức CL phòng dịch mỗi nơi áp dụng mỗi kiểu. Có tỉnh lấy tiền XN, phí cách ly (CL)...; có tỉnh miễn phí hoàn toàn cho bà con.

Nhưng vấn đề lớn nhất vẫn là các tổ chức an toàn phòng dịch, mỗi nơi làm mỗi cách. Như An Giang, những ngày qua có hơn 39.000 người ồ ạt kéo về, trong đó nhiều người đã tiêm mũi 1 hoặc tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, thậm chí F0 đã khỏi bệnh cũng đều phải CLTT. Nhiều người dân muốn được tự CLTN nhưng địa phương không chấp nhận, trong khi đó các cơ sở CL quá tải nghiêm trọng, gây tốn kém ngân sách.

Người dân tự ý về quê sẽ rất dễ dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh

Tại Sóc Trăng tình hình cũng tương tự khi đón hơn 30.000 người dân về quê bằng xe máy, trong đó 50% bà con đã tiêm vắc-xin mũi 1, còn mũi 2 được tiêm khá ít. Qua khám sàng lọc, có khoảng 1% trong tổng số những người vừa quay về mắc Covid-19, nên tỉnh đã áp dụng phương án để tất cả bà con CLTT. Cách làm này gây quá tải hạ tầng dù đã tận dụng hầu hết các trường học để làm nơi CL...

Tại Đồng Tháp, chính quyền quy định những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin hoặc đã là F0 cũng phải CLTT 3 ngày, sau khi XN âm tính mới cho CLTN. Ở Hậu Giang những ngày qua gần 10.000 người dân trở về đều phải CLTT 7 ngày, trừ những người từng mắc Covid-19 đã điều trị khỏi.

Nhìn chung ở các tỉnh ở ĐBSCL, dù đến nay nhiều địa phương đã kiểm soát được Covid-19 nhưng vẫn thường trực nỗi lo dịch bùng lên nên một số nơi áp dụng trở lại Chỉ thị 16 như huyện Tịnh Biên (An Giang) - địa phương đón gần 7.000 người về quê những ngày qua, cho CLTN. Huyện Tri Tôn, nơi đón hơn 6.000 người dân về quê, chỉ áp dụng CLTN đối với F0 đã điều trị khỏi và người đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin...

Cảnh giác lây nhiễm chéo

Với việc quá tải hệ thống hạ tầng phục vụ việc CL, CL "cả cụm", bao gồm những người đã tiêm vắc-xin lẫn chưa tiêm mũi nào, nguy cơ nhiễm chéo đang hiện hữu. Kinh nghiệm này TPHCM từng trải qua vào những ngày đầu chống Covid-19 trong đợt dịch lần thứ 4, nay có thể xảy ra ở ĐBSCL.

Một trong những yêu cầu quan trọng nhất trong công tác tổ chức CLTT là phải đảm bảo các điều kiện như phòng ở đủ diện tích để đảm bảo giãn cách, có khu vệ sinh riêng (rất quan trọng, tránh lây nhiễm chéo)...Nếu không đảm bảo về cơ sở hạ tầng, chỉ với 1 ca F0, chuyện lây nhiễm là tất yếu. Do vậy, nếu nhà ở của người dân đủ điều kiện thì nên cho bà con CLTN, trường hợp không đủ điều kiện mới phải CLTT.

Tình hình người dân về quê ồ ạt gây quá tải về nhiều mặt, trong đó đặc biệt lo ngại vấn đề CL phòng dịch. Hiện Bộ YT đã cử đoàn công tác khảo sát tình hình để ứng phó kịp thời trước tình trạng này. Vấn đề quan trọng khác là tăng cường công tác tiêm vắc-xin cho các tỉnh ĐBSCL. Khả năng trong tháng tới, lượng vắc-xin về khá nhiều, các tỉnh cần tăng cường công tác tiêm chủng để đối phó với dịch bệnh rất dễ bùng phát ở khu vực ĐBSCL.

Song song với đó là tăng cường năng lực YT cơ sở. Nếu áp dụng CLTN thì mô hình trạm YT phường - xã - thị trấn lưu động cần được kích hoạt và tăng cường hoạt động để ứng phó, đặc biệt là tăng cường công tác giám sát trường hợp CLTN, nếu áp dụng mô hình mà Bộ YT đề xuất.

Cho đến nay, 13 tỉnh, thành ĐBSCL đón ít nhất 260.00 người dân trở về từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và có thể trong những ngày tới vẫn tiếp tục. Với số lượng người dân trở về lớn như vậy, việc tổ chức đón tiếp bà con, công tác phòng dịch, hệ thống YT quá tải... có vẻ như vượt tầm tay các địa phương.

Để chủ động trong công tác rất quan trọng này, Bộ YT cần có những giải pháp hữu hiệu để giúp các địa phương kiểm soát tình hình dịch tễ có thể sẽ diễn biến phức tạp trong những ngày tới.

Hướng dẫn của Bộ Y tế về cách ly đối với người về quê từ vùng dịch

Ngày 6-10, Bộ YT đã có CV về áp dụng các biện pháp PC dịch đối với người về quê từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

Theo đó, những người đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin ngừa Covid-19 (thẻ xanh trên Sổ sức khỏe điện tử hoặc giấy chứng nhận đã tiêm) hay đã điều trị khỏi Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương:

- Tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ khi trở về địa phương, thực hiện 5K và xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất; nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác phải báo cho cơ quan YT để theo dõi, xử trí theo quy định.

- Những người tiêm chưa đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 (thẻ vàng trên Sổ sức khỏe điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm chủng) thực hiện CL tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo và luôn thực hiện 5K; xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 kể từ khi về địa phương.

- Những người chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19, thực hiện cách ly 14 ngày kể từ khi về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo và luôn thực hiện 5K; xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ khi về địa phương.

Bộ YT nhấn mạnh, căn cứ tình hình dịch và điều kiện thực tế tại địa phương, UBND cấp tỉnh chỉ đạo việc triển khai thực hiện đảm bảo yêu cầu PC dịch, tạo điều kiện tối đa cho người dân đồng thời không gây áp lực, quá tải và có nguy cơ lây nhiễm chéo trong các cơ sở CLTT.

Bình luận (0)

Lên đầu trang