Tọa đàm "PCCC nhà cao tầng, khu công nghiệp": Đề xuất giải pháp gỡ khó, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Thứ Năm, 07/12/2023 10:09

|

(CATP) Chương trình tọa đàm sẽ là dịp để các DN, chủ đầu tư, nhà thầu thi công... cùng tham gia trao đổi về thực trạng, những khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC và CNCH và đề xuất biện pháp tháo gỡ...

Chương trình tọa đàm "Phòng cháy, chữa cháy nhà cao tầng, khu công nghiệp" do Ban Chuyên đề Công an TPHCM (CATP) phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) - CATP tổ chức, cùng sự đồng hành của Tập đoàn Hoa Sen, sẽ diễn ra từ 13 - 17 giờ hôm nay (thứ Năm, ngày 07/12) tại Hội trường Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP (số 258 đường Trần Hưng Đạo, P.Nguyễn Cư Trinh, Q1, TPHCM).

Chủ đề "nóng" thu hút sự quan tâm

Thời gian qua tình hình cháy, nổ có những diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp (DN), khiến dư luận lo lắng. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Công an, UBND TPHCM, CATP, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH... đã có nhiều chỉ đạo về việc tăng cường các biện pháp kiểm tra toàn diện, xử lý nghiêm các vi phạm; khẩn trương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC và CNCH; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận cho người dân, DN về công tác PCCC và CNCH; lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác này, quyết liệt kéo giảm, hạn chế thấp nhất về số vụ cũng như thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

Trong đó, đối với nhà cao tầng (chung cư, cao ốc văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại...) và các nhà máy, xí nghiệp tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), khu công nghệ cao (KCNC)..., công tác PCCC và CNCH càng cần phải quan tâm đặc biệt, vì là nơi tập trung đông người, nơi diễn ra các hoạt động sản xuất, kinh doanh, có nhiều tài sản, hàng hóa, máy móc thiết bị... nên tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ rất cao.

Chương trình Tọa đàm "Phòng cháy, chữa cháy nhà cao tầng, khu công nghiệp"

Thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc CATP về việc tăng cường thông tin tuyên truyền về PCCC và CNCH, nắm bắt những khó khăn, bất cập, vướng mắc trong công tác này; qua đó đề xuất, hiến kế các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH, Ban Chuyên đề CATP phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH tổ chức chương trình Tọa đàm: "PCCC nhà cao tầng, khu công nghiệp".

Tham dự Tọa đàm có các đại biểu đại diện lãnh đạo Ban Giám đốc CATP; Cục Cảnh sát PCCC và CNCH; Trường Đại học PCCC; Trường Đại học Cảnh sát nhân dân; Hiệp hội PCCC và CNCH Việt Nam; Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP...; lãnh đạo các tập đoàn, DN, công ty trong các lĩnh vực cung cấp thiết bị, thi công hạng mục PCCC, xây dựng, kinh doanh bất động sản, quản lý, điều hành các tòa cao ốc, chung cư... Chương trình tọa đàm sẽ là dịp để các DN, chủ đầu tư, nhà thầu thi công... cùng tham gia trao đổi về thực trạng, những khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC và CNCH và đề xuất biện pháp tháo gỡ. Đồng thời cũng là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước về PCCC giải đáp các thắc mắc, hướng dẫn các DN thực hiện đúng các quy định về PCCC.

Còn nhiều thách thức lớn trong công tác PCCC

Theo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an), hiện cả nước có khoảng hơn 329 KCN, 6 KCX, 4 KCNC và 415 cụm công nghiệp. Đồng thời có khoảng 112.783 cơ sở sản xuất, kho hàng thuộc diện quản lý về PCCC tại KCN, khu dân cư; đối với nhà cao tầng, có khoảng 1.333 nhà cao tầng (từ 10 tầng trở lên).

Qua phân tích, thống kê cho thấy các vi phạm, tồn tại về PCCC đối với dạng công trình công nghiệp và nhà cao tầng chủ yếu tập trung vào bố trí mặt bằng; khoảng cách PCCC; về điều kiện ngăn cháy; lối thoát nạn; phương tiện PCCC... Số liệu thống kê tính đến ngày 23/5/2023, toàn quốc có 1.853 dự án, công trình xây dựng mới có khó khăn, vướng mắc trong quá trình thẩm duyệt về PCCC nên chưa được cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC và có 554 dự án, công trình có khó khăn, vướng mắc trong quá trình nghiệm thu về PCCC nên chưa được cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC.

Ngoài ra, có 38.140/1.182.722 (chiếm 3,22% trên tổng số cơ sở) cơ sở hiện hữu đã đưa vào sử dụng còn tồn tại, vi phạm về PCCC khó có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC ở thời điểm đưa vào hoạt động. Phần lớn những khó khăn, vướng mắc về PCCC tập trung vào loại hình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, cơ sở lưu trú, cơ sở sản xuất công nghiệp...

Tại TPHCM, theo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP, có 649 cơ sở, công trình chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động. Trong đó, có 16 chung cư (chiếm tỷ lệ 2,46%); 358 cơ sở công nghiệp như xưởng, kho (chiếm tỷ lệ 55,16%); 42 cơ sở lưu trú như khách sạn, nhà trọ, căn hộ dịch vụ (chiếm tỷ lệ 6,47%); 42 cơ sở làm việc như văn phòng, trụ sở làm việc (chiếm tỷ lệ 6,47%)... Đó là chưa kể đến 170 cơ sở, công trình đã được nghiệm thu về PCCC nhưng trong quá trình hoạt động có cải tạo, thay đổi công năng và chưa được nghiệm thu về PCCC cho phần cải tạo, sửa chữa.

Đại diện Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP kiểm tra công tác an toàn PCCC tại một cơ sở. Ảnh: ĐỨC NAM

Ngoài ra, trên địa bàn hiện còn tồn tại 1.174 cơ sở thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết số 23/2017/NQ-HĐND ký ngày 7/12/2017 của HĐND TP phố quy định về xử lý các cơ sở trên địa bàn không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC năm 2001. Trong đó, có 13 cơ sở là kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm cháy, nổ ở khu dân cư, nơi đông người.

Sau 5 năm tổ chức triển khai Nghị quyết, với nhiều biện pháp, giải pháp quyết liệt nhưng chỉ mới có 401/1.174 (chiếm 34,2%) cơ sở đã tổ chức thực hiện các giải pháp theo Nghị quyết số 23 của HĐND TP. Trong đó đối tượng thuộc diện thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC mới chỉ thực hiện được 15,7% (106/681). Số liệu nêu trên cho thấy, mặc dù đã có hướng mở theo Nghị quyết của HĐND TP điều chỉnh, tạo điều kiện để giải quyết, tháo gỡ cho tồn tại nhưng vẫn còn hạn chế...

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc CATP, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã thành lập các tổ công tác để quyết liệt tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về công tác PCCC, hướng dẫn tận tình cho các DN và nhận được phản hồi tích cực, đánh giá rất cao. Tuy nhiên, CATP cũng quán triệt tinh thần đồng hành cùng người dân, DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC, nhưng kiên quyết không hợp thức hóa sai phạm là những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ cháy, nổ, gây cản trở công tác CNCH khi có sự cố xảy ra.

Tháo gỡ khó khăn, bảo đảm quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp

Tại Hội nghị toàn quốc về công tác PCCC được tổ chức vào ngày 06/11/2023 vừa qua, phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Dự báo thời gian tới, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là tại các khu dân cư, nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ; cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ, nhà để ở vừa kết hợp sản xuất, kinh doanh dịch vụ; chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, KCN, cơ sở có tập trung đông người; nhiều công trình, cơ sở hạ tầng xuống cấp không đáp ứng yêu cầu quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC nhưng chưa thể khắc phục được ngay. Nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, công việc nhiều, đòi hỏi cao nhưng nguồn lực, khả năng đáp ứng có hạn so với yêu cầu của sự phát triển.

Từ đó Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải thực sự trăn trở, trách nhiệm, tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm; tiếp tục quán triệt triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về tăng cường công tác PCCC. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, quản lý của nhà nước chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả hơn của các cấp chính quyền, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục.

Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động các nguồn lực, trong đó có nguồn lực của xã hội cho công tác đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất PCCC, CNCH, để đáp ứng yêu cầu khi có sự cố xảy ra. Tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC, CNCH phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường công tác phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các lực lượng nòng cốt, nâng cao năng lực thực thi của các lực lượng và trách nhiệm của người đứng đầu.

Diễn tập PCCC - CNCH nhà cao tầng tại TPHCM

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng, PCCC, điện lực, khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót. Thường xuyên rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tập trung thực hiện tốt công tác phòng ngừa, đây là nhiệm vụ chính, phải thực hiện thường xuyên, liên tục.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và DN về PCCC (theo Công điện số 220/CĐ-TTg); phải trực tiếp đối thoại, nắm bắt tình hình để có giải pháp tháo gỡ; không được gây phiền hà, khó khăn. Không hợp pháp hóa cho sai phạm, nhưng phải có giải pháp tháo gỡ để bảo đảm quyền lợi của người dân và DN.

Tiếp tục tổng rà soát các chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ, trong đó phải phân loại, đánh giá cụ thể từng nhóm tồn tại, vi phạm về trật tự xây dựng, PCCC, điện lực để có giải pháp phù hợp...

Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Ban Tổ chức kỳ vọng tại chương trình Tọa đàm, các vị đại biểu, khách mời, đại diện các cơ quan chức năng, DN với tâm huyết, trách nhiệm của mình, từ thực tiễn, sẽ tập trung thảo luận, đề ra biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hiến kế, kiến nghị các giải pháp mang tính khả thi cao, phù hợp với sự phát triển của đất nước trong tình hình mới. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác PCCC và CNCH, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân, DN.

Kỳ cuối: Tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện các quy định pháp luật về PCCC
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang