46 năm thành lập Báo Công an TPHCM (15/6/1976 - 15/6/2022):

Những nhân vật “truyền lửa” cho phóng viên

Thứ Tư, 15/06/2022 10:16  | Huệ Trinh

|

(CAO)  Sau hơn hai mươi năm làm báo, đến giờ có thể nói tôi luôn biết ơn các nhân vật mình đã tiếp xúc, gặp gỡ, bởi chính họ ở mỗi góc độ công việc, nghề nghiệp khác nhau đã hun đúc thêm ý chí trên hành trình làm nghề có nhiều vinh dự, nhưng cũng không ít thử thách của tôi.

LỚP HỌC TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI THẦY ĐẶC BIỆT

Năm 1997, khi mới chân ướt chân ráo vào báo, tôi mày mò tìm kiếm đề tài và được anh Thiên Hà mách nước cho biết trên địa bàn huyện Thủ Đức do anh quản lý có một thầy giáo rất đặc biệt. Xã Linh Xuân khi ấy đường sá gồ ghề, bụi đất nhem nhuốc, còn nhà cửa chưa ấn định con số cụ thể nên việc tìm được đến nhà nhân vật ngốn mất một buổi chiều.

Tưởng xui, nào ngờ lại hóa hên, bởi khi chiều chạng vạng nhá nhem, cũng là lúc lớp học tình thương của thầy giáo đặc biệt được bắt đầu. Trong căn nhà lá ọp ẹp, dưới ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn măng-xông, bóng thầy giáo ngồi trên cái ghế đẩu mới ngang tầm học sinh, lại ánh lên quầng sáng lung linh, ấm áp đến lạ trong tiết đọc ê a của lũ trẻ với quần áo lem luốc, chân tay gầy đen như que củi, song mắt ngời sáng tin yêu.

Cô Bí thư Chi bộ ấp, người dẫn đường cho tôi khi ấy giải thích: “Thầy bị khuyết tật hai chân, đi lại bất tiện nhưng thương lũ trẻ thất học nên mở lớp dạy chữ. Tiếng lành đồn xa, lớp học tình thương của thầy ngày thêm đông. Bà con trong xóm ấp thấy vậy ai quyên góp ủng hộ được gì đều làm để duy trì lớp học vì thương thầy và thấy có lợi cho tụi nhỏ”. Đánh động sợ ảnh hưởng đến tiết dạy của thầy nên tôi đứng ngoài chờ đợi, cũng là để quan sát và cảm nhận được những gì chân thật nhất.

Gặp bất tiện về đôi chân nhưng thầy thoăn thoắt dùng tay di chuyển chiếc ghế đẩu để viết chữ, con số lên tấm bảng đen được kê rất thấp. Giọng thầy nhẹ nhàng, ấm áp, đôi khi lại dí dỏm, ví von dẫn chứng khá hài hước làm tụi nhỏ vui cười, thoải mái, giờ học theo đó qua nhanh mà hiệu quả.

Biết có nhà báo đến thăm lớp học, thầy thoáng chút bồi rối rồi niềm nở tiếp đón. Hạn chế nói về mình, nhưng thầy không ngại mở lòng chia sẻ những ước muốn có thể làm được nhiều hơn nữa cho lũ trẻ còn chịu nhiều thiệt thòi do cha mẹ khó khăn, thiếu thốn.

Dưới bóng đèn, dáng thầy nhỏ bé, khiếm khuyết nhưng tấm lòng hướng về bọn trẻ, cùng niềm tin yêu vào cuộc sống thì bao la, rộng lớn khiến tôi rất trân trọng và nể phục. Bài báo về thầy giáo đặc biệt được xuất bản ngay ngày hôm sau không chỉ mang lại cho tôi sự đam mê nghề nghiệp mà chính nhân vật còn tiếp thêm cho tôi ý chí, nghị lực sống và sự sẻ chia cùng cộng đồng trong phạm vi có thể.

NGƯỜI NÔNG DÂN ĐƯỢC PHONG ANH HÙNG LAO ĐỘNG

Năm 2003, tình cờ đọc được mẩu tin nhỏ trên báo bạn đăng về người nông dân quê Long An sáng chế ra máy gặt đập liên hợp và đoạt giải Sáng tạo, được phong tặng Anh hùng lao động. Quá thích thú và tò mò về người nông dân đặc biệt này, tôi quyết định tìm gặp, viết bài.

Do không thông thạo đường đi, tôi vật lộn từ sáng sớm đến hơn 14 giờ chiều mới vượt qua con đường lầy lội bùn đất đang làm dở dang chạy vắt vẻo qua những cánh đồng giữa mùa mưa Nam bộ từ thị trấn Thủ Thừa để tìm về nhà nhân vật cần tìm nằm khuất sâu trong mấy cánh rừng tràm, giữa chằng chịt kênh rạch giáp ranh huyện Mộc Hóa.

Rất nhiều đoạn tôi phải xuống đẩy bộ xe máy, người xe nhầy nhụa bùn đất, chỉ muốn bật khóc vì đi tiếp cũng dở mà quay lại cũng không xong. May nhờ có người địa phương hỏi chuyện, chỉ cách thuê xuồng máy chở cả người và xe may chăng kịp đi về trong ngày vì càng vào sâu, đường càng lún và cách trở sông rạch.

Người nông dân Bùi Hữu Nghĩa đoạt giải Sáng tạo và được phong Anh hùng lao động.

Cám cảnh cô nhà báo trẻ người, người phủ đầy bùn đất, thuê nguyên chiếc xuồng máy tìm đến tận nhà nên gia đình người sáng chế ra máy gặt đập liên hợp, ông Bùi Hữu Nghĩa (cơ sở Chín Nghĩa) niềm nở đón tiếp. Trải lòng về nguyên do sáng chế được chiếc máy đa chức năng, phù hợp với nhu cầu đông đảo của người nông dân Đồng Tháp Mười, ông Nghĩa cho biết xuất phát từ bức xúc thực tế mà mày mò tự làm chứ thực chất ông mới học hết tiểu học, sách báo cũng không được tiếp xúc nhiều.

Sáng chế đặc biệt của ông Nghĩa

Vậy nhưng sáng chế của ông đã được Hội khoa học Công nghệ Việt Nam trao giải Đặc biệt vào năm 2003. Cuốn hút bởi ý chí, nghị lực của người nông dân chất phát đã thôi thúc, tạo nguồn cảm hứng để tôi viết bài. Kết quả vào đầu năm 2004, Hội Nhà báo TPHCM đã trao giải Nhất viết về đề tài Doanh Nhân- Doanh nghiệp cho tác phẩm “Chuyện về người nông dân anh hùng” cho Báo Công an TP.HCM. Việc đoạt giải báo chí mang lại vinh dự, niềm vui nghề nghiệp cho tôi, song cái chính phóng viên học được qua các nhân vật của mình chính là nỗ lực sáng tạo không ngừng nghỉ, là ý chí kiên định, là nghị lực vượt khó để khẳng định bản thân.

TRÁI TIM NHIỆT HUYẾT VÌ NGƯỜI NGHÈO

Hơn 15 năm quen biết, đến nay thỉnh thoảng tôi vẫn tham gia hoạt động thiện nguyện cùng anh Võ Văn Hoàng Minh, bởi anh từng là nhân vật trong bài viết của tôi. Anh Minh xuất thân là thầy giáo nhưng duyên nợ thế nào lại chuyển sang làm việc tại Hiệp hội Nhựa Việt Nam. Với công việc “lệch pha” nhưng thầy giáo Minh đã có nhiều sáng chế đoạt giải cao do Hiệp hội Khoa học sáng tạo Việt Nam và TP.HCM trao tặng như “Phao cứu sinh dành người đi đò”, “Bộ áo phao cứu sinh dành cho ngư dân đi biển”...

Anh Võ Văn Hoàng Minh cùng các cộng sự trong một lần khởi công xây cầu.

Song song với việc nghiên cứu khoa học, anh Minh còn làm Trưởng ban từ thiện Hiệp hội Nhựa TP.HCM và Phó trưởng Ban từ thiện Hiệp hội nhựa Việt Nam. Bằng nhiệt huyết, anh đã vận động xây dựng được hàng trăm cây cầu ở nông thôn Miền Tây, mở hơn trăm bếp ăn từ thiện tại các bệnh viện từ niềm Nam ra niềm Trung, giúp mang đến bữa ăn sạch sẽ, đủ năng lượng cho thân nhân những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Gần đây, anh còn “lấn sân” sang vận động Mạnh thường quân làm hồ bơi di động tặng trường học nhiều tỉnh giúp học sinh được trang bị kỹ năng cơ bản trong việc bơi lội để phòng chống đuối nước.

Ông Minh tham gia lễ khánh thành hồ bơi

Do đặc thù công việc từ thiện, anh Minh đi lại như con thoi trên các tỉnh thành, thậm chí trong mùa dịch bệnh Covid anh vẫn cùng các Mạnh Thường Quân ngược xuôi tặng quà, khẩu trang, thiết bị y tế cho Bộ đội Biên phòng các vùng biên giới, nơi tuyến đầu chống dịch.

Với một người có sức khỏe tốt, làm được tất thảy những việc như thế đã khó. Với người đã từng đặt van tim như anh Minh, việc đó đòi hỏi sự nỗ lực, kiên trì và tấm lòng thương yêu con người bao la như biển cả. Không một ai áp đặt, nhưng anh luôn đặt mục tiêu giúp được người nghèo khó, người dân nông thôn ở những vùng sâu xa, khó khăn càng được nhiều càng tốt. Cộng tác trong công việc với anh, chúng tôi được truyền thêm nguồn nhiệt huyết sống lạc quan, mạnh mẽ, sự sẻ chia sẽ tìm thấy niềm vui và quên đi mệt mỏi.

Trong một lần trao nhà tình thương cho người nghèo

NGƯỜI “DỆT LƯỚI TRỜI” BẰNG TRÍ TUỆ, CÔNG NGHỆ

Do tính đặc thù của tờ báo nên môi trường công việc, nhân vật mà tôi tiếp xúc nhiều nhất vẫn là các chiến sĩ Công an. Người đời vẫn nói vui “khô như hình sự”, thực chất chưa hẳn như thế. Trong hàng trăm cán bộ chiến sĩ Công an đã tiếp xúc, mỗi người để lại trong tôi ít nhiều ấn tượng, nhưng có lẽ nhân vật sau đây đặc biệt hơn.

Năm 2013, khi được phân công phụ trách địa bàn Phòng cảnh sát Hình sự CATP.HCM, trong quá trình cà phê “chém gió” với trinh sát Đặc nhiệm, tôi thường nghe anh em khen Nguyễn Thế Tiến có “duyên” bắt tội phạm truy nã nên khá tò mò. Rồi chúng tôi hẹn làm việc, ấn tượng đầu tiên của tôi về nhân vật của mình là Tiến có trí nhớ rất tốt.

Bằng chứng là anh có thể nhớ vanh vách thời gian, địa điểm, tên chuyên án hoặc đối tượng mình đã bắt giữ dù thời gian đã xa. Tiến làm việc rất khoa học, có khả năng phân tích, tổng hợp cao, chưa kể trình ứng dụng công nghệ thuộc dạng nhanh lẹ. Giỏi nghiệp vụ, năng nổ với công tác đoàn hội nên Tiến từng được Thành đoàn TP.HCM bình bầu là Công dân trẻ tiêu biểu năm 2014.

Còn bài viết “Công dân tiêu biểu Nguyễn Thế Tiến- Gương sáng về mọi mặt” đăng trên Báo Công an đã được Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM trao Giải B sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” vào năm 2015.

Cảnh sát hình sự tuần tra truy bắt tội phạm trong đêm

Nhiều năm qua, tôi và nhân vật của mình vẫn thường liên lạc vì công việc chung. Gần đây, nghe đồng nghiệp của Tiến rỉ tai: “Anh ấy có thể tìm ra tội phạm trốn nã nhiều năm chỉ vài giờ sau khi đọc hồ sơ”. Vẫn biết Tiến giỏi, song tôi vẫn bán tính bán nghi về chuyện này và tìm cách “trắc nghiệm”.

Vào ngày 24-3-2022, Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) nhờ Báo CATP hỗ trợ đăng truy nã đối tượng Võ Thị Hồng (SN 1980, ngụ H.Bình Chánh) phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, sau khi đăng báo, tôi liền báo cho Tiến để… thử.

Chừng 10 phút sau, Tiến gọi điện thoại báo tin đã xác định được nơi đối tượng đang trốn nã (gửi kèm định vị địa chỉ cụ thể” khiến tôi không tin điều đó là sự thật nên thách đố: “Thế thì bắt ngay thôi”. Tiến trấn an: “Đối tượng đã nằm trong tầm ngắm của em thì không trốn được đâu. Có điều hiện nay, em đang tham gia điều tra một việc rất quan trọng theo kế hoạch của đơn vị nên không thể bỏ ngang. Chiều mai em sẽ bắt vào di lý đối tượng Hồng về CATP ngay”. Quả nhiên, đúng 15 giờ chiều hôm sau, Tiến đã bắt và di lý đối tượng về bàn giao cho cơ quan CSĐT theo đúng kế hoạch đề ra.

Có thể nói, mỗi lần làm việc với Tiến tôi đều học được ít nhiều ở anh sự đam mê, nhiệt huyết, sự chỉn chu, khoa học với công việc.

Hơn 20 năm làm báo, hành trình chưa dài nhưng cũng không hẳn là ngắn, những nhân vật tôi từng tiếp xúc như bác nông dân, bác cựu chiến binh, những người tốt quanh ta... đều cho tôi thêm nghị lực sống và niền tin về cuộc đời tươi đẹp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang