(CATP) Nhằm giảm bớt khó khăn mà người dân, doanh nghiệp (DN) gặp phải trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần 4, một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều kế sách hỗ trợ. Đây là tín hiệu vui rất cần được nhân rộng.
Cà Mau: "Cứu" doanh nghiệp vận tải
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vận tải (DNVT) của tỉnh đang gặp khó khăn. Hợp tác xã (HTX) vận tải hàng hóa Phú Thuận có 350 đầu xe các loại chuyên vận chuyển các loại hàng hóa (HH), nhu yếu phẩm, nông sản từ Cà Mau đi các địa phương và ngược lại, nhưng hiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tài xế (TX) của HTX phải cách ly rất nhiều khiến HTX lâm vào tình trạng thiếu tài. Nhiều DNVT than phiền, xuất bán mặt hàng thủy sản tươi sống của tỉnh cũng gặp khó khăn do phiếu xét nghiệm (XN) chỉ có thời gian ngắn, trong khi thời gian chờ đợi, lưu thông hàng lâu.
Trước đề xuất của các DNVT, ông Nguyễn Tiến Hải - Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau và ông Huỳnh Quốc Việt - Chủ tịch UBND tỉnh đã họp với các sở, ngành, Hiệp hội Vận tải, DNVT hàng hóa tìm giải pháp ổn định, hợp lý nhất trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, thống nhất từ ngày 12-7 tất cả người đi cùng phương tiện vận chuyển HH ra/vào tỉnh Cà Mau phải có giấy xét nghiệm (XN) SARS-CoV-2 kết quả âm tính (trong thời hạn 3 ngày kể từ khi có kết quả). Mặt khác, đối với DNVT hoặc DN sản xuất, kinh doanh sở hữu phương tiện tự vận chuyển có điều kiện thay đổi TX, phụ xe và người đi cùng tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19 thì việc thay đổi diễn ra sau khi đã khử khuẩn phương tiện.
Cảnh người dân chờ xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại Sóc Trăng
Với DN vận chuyển HH đến những địa điểm cụ thể và không tập trung 1 điểm để chuyển tải phải đến thẳng các điểm xuống hàng, có lực lượng bốc dỡ, vận chuyển HH tại chỗ, TX, phụ xe phải ở trên xe hoặc nơi cách ly do DN hoặc người nhận hàng bố trí, không được tiếp xúc với bất kỳ người nào khác. Các DNVT vận chuyển HH vào Cà Mau cần phân phối nhiều nơi nhưng không có điểm lên/xuống HH tập trung, cố định thì thực hiện lên/xuống hàng tại các điểm do Sở Giao thông Vận tải bố trí cùng các điểm tại huyện do UBND các huyện bố trí. UBND tỉnh chỉ đạo, Sở Y tế (YT) nhắc nhở 11 cơ sở tổ chức XN ưu tiênXN dịch vụ - test nhanh kháng nguyên Covid-19 cho TX, phụ xế vận chuyển HH...
Sóc Trăng, Bạc Liêu: Hỗ trợ người nghèo
Ngày 12-7, ông Lê Văn Khanh - Chủ tịch Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết Sóc Trăng - cho biết đã có tờ trình gửi UBND tỉnh xin chủ trương chi hỗ trợ cho khoảng 6.300 người bán vé số (VS) lẻ trên địa bàn do ảnh hưởng của dịch, với mức 60.000 người/ngày trong vòng 15 ngày ngưng bán. Trước đó, năm 2020, công ty đã hỗ trợ người bán VS bị ảnh hưởng dịch hơn 6,2 tỷ đồng. Mới đây, công ty cũng hỗ trợ quỹ phòng chống (PC) dịch Covid-19 tỉnh Sóc Trăng 2 tỷ đồng.
Ngoài hỗ trợ người bán VS, tỉnh Sóc Trăng cũng quan tâm chính sách cho người nghèo. Ngày 11-7, Sở YT tỉnh này đã ký văn bản không thu phí khi XN nhanh Covid-19 (ngày 6-7, sở thông báo giá thu dịch vụ XN nCoV theo yêu cầu là 734.000 đồng/mẫu đối với xét nghiệm rRT-PCR và 238.000 đồng đối với XN nhanh kháng nguyên).
Tiểu thương chợ Tân An, TP.Cần Thơ chờ test nhanh kháng nguyên
Chủ tịch Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết tỉnh Bạc Liêu cũng cho biết đã gửi tờ trình đến UBND tỉnh xin hỗ trợ giải quyết khó khăn cho người trực tiếp bán VS trên địa bàn, với mức 50.000 đồng/người/ngày trong 15 ngày nghỉ. Số người bán VS dạo trên địa bàn tỉnh dự kiến 4.000 người, với tổng số hỗ trợ 3 tỷ đồng.
Tiền Giang: Hơn 3.000 người bị ảnh hưởng
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang, đến nay toàn tỉnh có 3.704 người thuộc nhóm lao động (LĐ) gặp khó khăn, bị ảnh hưởng do dịch Covid-19... UBND tỉnh xem xét hỗ trợ với tổng kinh phí trên 3,8 tỷ đồng. Hiện các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương giải ngân, đưa tiền hỗ trợ đến tận tay đối tượng nhận, giúp bà con giảm bớt khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh cũng mở đợt vận động sâu rộng từ các cấp, ngành, các nhà hảo tâm và mọi tầng lớp nhân dân đóng góp tiền, HH, nhu yếu phẩm... hỗ trợ các hộ đang trong vùng bị phong tỏa PC dịch bệnh đang đối mặt với khó khăn, ủng hộ y bác sĩ và lực lượng đang làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch...
Ông Lê Minh Hùng - Chủ tịch Liên đoàn LĐ tỉnh Tiền Giang - cho biết, liên đoàn đã ban hành hướng dẫn chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người LĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong đợt bùng phát này. Cụ thể, trường hợp F0 được hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/người; F1 bị cách ly được hỗ trợ tối đa 1,5 triệu đồng/người; các đối tượng khác, công nhân ở khu vực bị phong tỏa... mức hỗ trợ tối đa 500 ngàn đồng/người. Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn trong tỉnh còn vận động đóng góp, tổ chức các đoàn thăm hỏi, tặng quà hàng ngàn lượt công đoàn viên gặpkhó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng...