Ngành Giáo dục TPHCM: Nhiều điểm mới trong năm học 2022 - 2023

Thứ Bảy, 27/08/2022 18:16  | Nam Anh

|

(CATP) Lễ khai giảng năm học 2022 - 2023 tại TPHCM sẽ đồng loạt diễn ra vào sáng 5-9-2022. Năm nay, TPHCM dự kiến sẽ có hơn 1,6 triệu học sinh (HS), tăng hơn 21.000 em. Trong số này, bậc mầm non (MN) tăng 6.587 HS, trung học cơ sở (THCS) tăng 13.661 em, trung học phổ thông (THPT) tăng 12.761 em, bậc tiểu học (TH) giảm khoảng 11.000 HS. Về giáo dục (GD) bậc trung học, thành phố (TP) có 490 trường; trong đó, THCS 286 trường (278 công lập, 8 tư thục), THPT 204 trường (113 công lập, 91 tư thục). Năm học 2022 - 2023, toàn TP đưa 575 phòng học mới vào sử dụng.

14 nhiệm vụ trọng tâm nâng cao chất lượng giáo dục

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM, cho biết trong năm học 2022 - 2023, toàn ngành Giáo dục TP sẽ chủ động, tích cực chuyển sang trạng thái bình thường mới theo phương châm "Đoàn kết kỷ cương, chủ động, sáng tạo, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục" với các nhiệm vụ: Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các cơ sở GD công lập; Đổi mới công tác tuyển dụng, đánh giá, sử dụng, bổ nhiệm nhà giáo, cán bộ quản lý (CBQL) GD; Có chính sách hỗ trợ đội ngũ CBQL và giáo viên (GV) nghiên cứu khoa học, học tập nâng cao trình độ, nhà ở; Tạo điều kiện cho các nhà giáo, chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy tại các trường trên địa bàn TP.

Năm học 2022 - 2023, Sở GD-ĐT TPHCM đề ra 9 giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá; ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và quản lý, thực hiện chuyển đổi số GD; củng cố nâng cao chất lượng GD; tăng cường kiểm định chất lượng GD, tăng trường chuẩn quốc gia; tăng cường GD đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HS.

Ngoài ra, năm học 2022 - 2023, Sở GD-ĐT TPHCM cũng đề ra 14 nhiệm vụ trọng tâm cụ thể, đó là: Tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở GD; Tiếp tục thực hiện Kế hoạch tổng thể của ngành GD thích ứng với tình hình dịch Covid-19, bảo đảm tổ chức dạy - học an toàn, chất lượng; Nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non (GDMN);

Triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; Tham mưu lựa chọn sách giáo khoa đối với lớp 4, lớp 8, lớp 11; Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030; Tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng CNTT trong GD-ĐT; Tổ chức triển khai thực hiện Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025";

Chương trình "Tăng cường GD lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030"; Chương trình "Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022 - 2030"; Tăng cường công tác thanh kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về GD nhằm xây dựng môi trường GD lành mạnh, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trong GD-ĐT;

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo thực hiện chương trình GDMN và GDPT; Triển khai kế hoạch đầu tư tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học ngành GD-ĐT thành phố; Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các cơ sở GD công lập; Đổi mới công tác tuyển dụng, đánh giá, sử dụng và bổ nhiệm nhà giáo, CBQL giáo dục; Có chính sách hỗ trợ đội ngũ CBQL và GV nghiên cứu khoa học, học tập nâng cao trình độ, nhà ở;

Tạo điều kiện cho các nhà giáo, chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy tại các trường học trên địa bàn TP; Tăng cường và mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực GD-ĐT: Tiếp tục củng cố, duy trì hợp tác quốc tế với các tổ chức ngoại giao, tổ chức, đơn vị GD quốc tế có uy tín trên cơ sở phát huy tối đa năng lực của ngành GD-ĐT;

Thực hiện phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập" gắn với các phong trào thi đua do Thủ tướng phát động; Chủ động thông tin, truyền thông về các chủ trương, chính sách mới của ngành và triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Trao yêu thương đến các bạn học sinh nghèo vùng cao còn gặp nhiều khó khăn

Áp lực tăng dân số cơ học

Theo Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM Hồ Tấn Minh, năm học 2022 - 2023 TPHCM chịu áp lực tăng dân số cơ học rất cao. Ngoài ra, TP có mật độ dân số cao, nhưng số trường và phòng học chưa đủ để đáp ứng 100% HS học 2 buổi/ngày. Nhiều trường có sĩ số các lớp đông nên GV rất vất vả trong việc giảng dạy, bao quát HS. Trong năm học 2022 - 2023, TPHCM dự kiến sẽ có hơn 1,6 triệu HS, tăng gần 22.000 em so với năm học trước; số HS tăng nhiều tập trung tại TP.Thủ Đức và các quận: 12, Gò Vấp, Bình Tân, huyện Bình Chánh, Hóc Môn.

Cũng theo ông Minh, tại TPHCM, một trong những tồn tại nhiều năm qua là số HS tăng mạnh qua các năm nhưng số trường, lớp được xây mới rất khiêm tốn, đặc biệt ở các quận, huyện vùng ven, khu vực ngoại thành. Áp lực tăng HS mỗi năm làm gia tăng sĩ số lớp học; trong khi điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện đều thu hẹp, ảnh hưởng đến các lớp đang học. Cho đến tháng 9-2022, TP dự kiến đưa vào sử dụng 5 dự án với 575 phòng học, trong đó khối MN có 210 phòng, tiểu học 218 phòng, THCS là 147 phòng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức, cho biết thực tế các dự án xây trường khi triển khai thì gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tại TP.Thủ Đức, tỉ lệ học 2 buổi/ngày ở khu vực 1, 2 (quận 2 và 9 cũ) luôn ổn, có thể đáp ứng 100% HS lớp 1, 2, 3 học 2 buổi/ngày; Tuy nhiên, khu vực 3 là Q.Thủ Đức cũ, một số phường giáp ranh với Bình Dương, Đồng Nai nên tỉ lệ sẽ giảm, chỉ có thể đáp ứng được khoảng 65% - 70% HS học 2 buổi/ngày. Đối với các trường hợp này, Phòng GD-ĐT yêu cầu các trường thực hiện mô hình tận dụng các phòng chức năng để giảng dạy tùy theo bộ môn, nhờ vậy sẽ giảm tải việc thiếu phòng học.

Trong khi đó, Q.Bình Tân là một trong những địa phương gặp áp lực rất lớn về nhập cư. Theo ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD-ĐT quận, năm học 2022 - 2023 quận tăng thêm hơn 9.000 HS nên hiện chỉ có 40% HS tiểu học, 20% học sinh THCS trong quận được học 2 buổi/ngày. Cá biệt, tại P.Bình Hưng Hòa A với dân số khoảng 120.000 người nhưng chỉ có một trường THCS, 3 trường TH, không có trường ngoài công lập, nơi này rất đông công nhân ở các chung cư...

Bình luận (0)

Lên đầu trang