Phó thủ tướng Vũ Đức Đam:

Ngành giáo dục phải nhìn thẳng vào sự thật

Thứ Hai, 15/08/2022 13:55

|

(CATP) Tại hội nghị tổng kết năm học và triển khai phương hướng năm học mới được Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức ngày 12-8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ những khó khăn với ngành GD-ĐT và nói rằng, ngành GD-ĐT phải nhìn thẳng vào yếu kém của mình mặc dù "có đau cũng phải nói"...

Nhiều vấn đề "nóng" chưa được đề cập

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu câu hỏi: "Tại sao chúng ta cứ loay hoay với chuyện thi cử, không chỉ là thi tốt nghiệp THPT, mà cả chuyện kiểm tra đánh giá, hệ lụy của nó là dạy thêm học thêm, loạn sách tham khảo? Câu trả lời rất đơn giản, vì chúng ta chưa thực sự trung thực" và cần nhìn thẳng hơn vào những bất cập, yếu kém để sửa đổi.

Theo ông Đam: "Tại sao chúng ta cứ phải khổ sở trong chuyện tuyển sinh đại học (ĐH) nhiều năm nay, đến nay đã nhẹ đi rất nhiều; tại sao mãi không được như các nước phát triển, phần lớn học sinh vào học tự do? Bởi bên đó họ rất trung thực, khách quan. Nếu học sinh vào ĐH học không được, sau đánh giá sẽ bị "loại". Bản chất vấn đề là chúng ta chưa trung thực.

Ý kiến của ông Đam rất xác thực. Ngay tại hội nghị này, nhiều vấn đề "nóng" của ngành giáo dục lại không được Bộ GD-ĐT đề cập tới, hoặc chỉ nhắc qua như chuyện sách giáo khoa (SGK) chương trình giáo dục phổ thông 2018 có giá cao gấp 3 - 4 lần gây khó khăn với những gia đình có thu nhập thấp; vướng mắc trong quy trình công bố danh mục SGK, không chủ động về kế hoạch xuất bản, phát hành; việc sử dụng ngân sách mua SGK đưa vào thư viện cho học sinh mượn cũng chưa có giải pháp; các quy định hướng dẫn sử dụng SGK, sách bổ trợ, sách tham khảo. Các vấn đề khác như việc dạy thêm học thêm tràn lan, vấn đề đóng góp của phụ huynh cũng không được đề cập đến.

Đặc biệt về học phí, Bộ GD-ĐT cũng không đề cập đến. Trong khi đó từ đầu tháng 7-2022, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã đề xuất với Chính phủ miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc, nhưng đến nay nhiều địa phương lại dự kiến lộ trình tăng học phí các cấp học và vấp phải nhiều phản ứng của xã hội. Vậy có thực hiện lộ trình tăng học phí hay không; việc miễn học phí sẽ được triển khai như thế nào?

Các vấn đề lớn như vậy lại không được Bộ GD-ĐT quan tâm, cho thấy ngành giáo dục chưa trung thực, chưa dám nhìn thẳng vào sự thực. Tuy nhiên, các vấn đề này lại được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc tới. Về vấn đề học phí, ông Đam cho rằng khi xã hội phát triển đi lên, giá dịch vụ giáo dục phải tăng mới đảm bảo chất lượng. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, phần đóng góp của gia đình học sinh - tức là học phí ở phổ thông nên theo hướng không tăng; thậm chí phải thực hiện giảm, tiến tới phải miễn học phí bậc THCS, THPT.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 và triển khai phương hướng năm học mới Ảnh: TTXVN

Quy trình tuyển dụng giáo viên còn phức tạp

Câu chuyện thiếu, thừa giáo viên đã được nhiều địa phương đề cập tại hội nghị. Vừa qua, Bộ Chính trị quyết định bổ sung trên 65.900 biên chế giáo viên cho các địa phương giai đoạn 2022 - 2026. Bộ GD-ĐT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện việc tuyển dụng 27.850 giáo viên trong năm học 2022 - 2023. Thế nhưng nhiều địa phương cho biết quy trình tuyển dụng hiện nay rất phức tạp phải qua nhiều khâu, nhiều cửa.

Thực tế, một trường THCS chẳng hạn, cần tuyển giáo viên, ngay cả Phòng GD-ĐT cũng không có quyền, phải qua Phòng Nội vụ và qua UBND quận, huyện. Điều này cũng được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề cập trong bài phát biểu nêu trên. Ông Đam cho rằng, từ lâu nay thiếu dân chủ cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên. Chẳng hạn, một trường nào đó thiếu 1 giáo viên nam để dạy môn Địa lý (vì trường đã có nhiều giáo viên nữ), nhưng vì tiếng nói của một người ngoài nhà trường có tính quyết định nên rốt cục đã tuyển 1 nữ giáo viên dạy Lịch sử!

Để giải quyết vấn đề này Bộ GD-ĐT phải nhìn thẳng vào sự thật, nắm cho được số lượng giáo viên các địa phương, để có kế hoạch, để đặt hàng đào tạo - điều mà các trường sư phạm yêu cầu đặt hàng, nhưng đã có các địa phương nào đặt hàng, kể cả các môn thiếu nhiều giáo viên như Công nghệ thông tin, Anh văn, Âm nhạc, Mỹ thuật! Điều căn bản khác, việc tuyển dụng giáo viên cũng phải đổi mới. Đây là vấn đề không chỉ thuộc về quy trình, phải có sự thống nhất của Bộ Nội vụ và chừng nào thay đổi được, là câu hỏi chưa thể trả lời!

"Tinh thần cốt lõi của đổi mới quản lý nhà nước trong GD-ĐT là phải đảm bảo dân chủ trong trường học, huy động được không chỉ chính quyền mà cả cộng đồng tham gia vào xây dựng môi trường nhà trường thật sự văn hóa, dân chủ” - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh. Một vấn đề khác ông Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT nhìn thẳng vào thực tế, là phải làm sao đủ trường lớp, để học sinh được học 2 buổi mỗi ngày. Làm sao để không thể còn sĩ số 60 học sinh/lớp.

"Các nước người ta đã thực hiện dưới 20 học sinh/lớp, còn mình ở các đô thị lớn có nơi 50 - 60 cháu/lớp, có nơi không được học ngày 2 buổi, do thiếu trường lớp, thiếu giáo viên" - ông Đam trăn trở. Lấy ví dụ tại TPHCM, năm học 2022 - 2023, số học sinh tăng thêm có 15.282 em, trong khi đến tháng 9, TPHCM dự kiến chỉ có thể đưa vào sử dụng 5 dự án với 575 phòng học. Áp lực này làm gia tăng sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với chuẩn, học sinh tham gia học 2 buổi/ngày ở TPHCM giảm. Đó là nói ở TPHCM, các địa phương khác còn khó khăn hơn.

Vấn đề dạy thêm, học thêm là do chất lượng đào tào hay do chương trình, hay do chính giáo viên? Vấn đề này năm nào Bộ GD-ĐT cũng có văn bản nhắc nhở nhưng đâu vẫn hoàn đấy, thậm chí học sinh cấp 1 cũng phải học thêm, không cấm được. Vì sao? Ngành GD-ĐT có thể không tự chủ được về biên chế, về trường lớp, nhưng hoàn toàn tự chủ được về chuyên môn. Vậy tại sao tình trạng dạy thêm học thêm, chạy theo thành tích ngày càng nghiêm trọng? Thử lấy ví dụ ở lớp 6 chẳng hạn, khi nhiều trường THCS "điểm" ở TPHCM lấy tiêu chuẩn 10 điểm môn Văn và môn Toán, thì hầu hết các em được đạt điểm ấy, để tìm cách "lách" vào một trường điểm nào đó. Ở cấp 3 cũng vậy, "làm đẹp" học bạ là tình trạng "gây nhiễu" chất lượng, khiến nhiều trường ĐH tuyển sinh bằng học bạ phải đau đầu.

Chạy theo thành tích, đó là nguyên nhân chính của việc dạy thêm học thêm, có từ cấp 1 lên đến tận cấp 3, là tình trạng mà phụ huynh nào cũng cảm thấy mệt mỏi nhưng không thể không chạy theo, gây áp lực rất lớn lên xã hội. Bộ GD-ĐT nên thử nghiệm ở diện rộng là 1 quận, huyện, cấm tuyệt đối dạy thêm học thêm trước hết ở cấp 1 và 2, kiểm tra, chấm điểm chéo giữa các trường, để xem không dạy thêm học thêm, chất lượng đào tạo sẽ như thế nào; để biết nguyên nhân do giáo viên hay do chương trình học. Đó cũng là một cách Bộ GD-ĐT nhìn thẳng vào sự thật, có giải pháp cải cách, nâng cao chất lượng đào tạo.

Và còn nhiều vấn đề khác nữa, đặc biệt vấn đề phân quyền cho các địa phương quản lý ngành giáo dục, khiến Bộ GD-ĐT gặp nhiều khó khăn trong quản lý nguồn nhân lực và chi ngân sách nhà nước.

Lĩnh vực đại học, sau phổ thông cũng bề bộn

Ở lĩnh vực ĐH và sau phổ thông cũng là vấn đề chất lượng, đầu vào, đầu ra. Thực tế, qua những kỳ thi tốt nghiệp THPT thường có tỷ lê tốt nghiệp gần như tuyệt đối, vậy có nên giữ kỳ thi này, thay vào đó là một kỳ thi tuyển sinh vào ĐH?

Năng lực đào tạo của các trường ĐH, CĐ cũng là vấn đề lớn. Bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam từng cảnh báo, để duy trì tăng trưởng kinh tế với tốc độ mong muốn, Việt Nam cần tăng năng suất ở mức từ 2 - 3% mỗi năm, để có thể trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Muốn tăng năng suất lao động, chỉ có thể đạt được bằng cách đầu tư cho hệ thống giáo dục. Theo bà Carolyn Turk, để đạt tỷ lệ học sinh vào các trường sau phổ thông (ĐH, CĐ, trung cấp) bình quân tương đương ở các nền kinh tế thu nhập trung bình cao, Việt Nam cần tuyển sinh 3,8 triệu học sinh, sinh viên, gần gấp đôi so với chỉ tiêu tuyển sinh năm 2019. Đó là một thách thức rất lớn.

Vậy các trường ĐH-CĐ ở Việt Nam có đủ năng lực để tiếp nhận lượng học sinh, sinh viên lớn như vậy, khi mà học phí đang tăng kịch trần, đầu tư cho đào tạo thấp? Trong khi đó, theo Bộ GD-ĐT, Việt Nam xếp thứ 59 thế giới theo xếp hạng các quốc gia về lĩnh vực giáo dục năm 2021 của USNEWS nhưng vẫn xếp sau một số nước trong khu vực Đông Nam Á (Singapore hạng 21, Malaysia hạng 38, Thái Lan hạng 46, Indonesia hạng 54, Philippines hạng 55).

Ngày 9-6, Tổ chức xếp hạng QS (Quacquarelli Symonds) đã công kết quả Bảng xếp hạng ĐH thế giới QS World University Rankings 2023 - QS WUR 2023, Việt Nam đều có đại diện lọt top 1.000 thế giới nhưng vẫn ở vị trí cuối, nằm trong top 801 - 1.000, gồm ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM và ĐH Duy Tân. Trong khi đó, các nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Malaysia, Singapore, Thái Lan đều ở top 100, thậm chí có trường còn thuộc top 10.

Vẫn còn nhiều rào cản để ĐH Việt Nam đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, mà nếu không có những cải cách triệt để, ĐH Việt Nam sẽ tiếp tục tụt hậu.

Việt Nam dành 18% tổng chi ngân sách cho giáo dục

Tại hội thảo công bố Báo cáo phân tích ngành giáo dục Việt Nam năm 2011 - 2020 tổ chức ngày 8-8-2022 tại Hà Nội, GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho biết mức đầu tư cho giáo dục có xu hướng tăng đều trong từng năm của giai đoạn 2011 - 2020, trung bình đạt khoảng 17 - 18%, có năm gần 19%. Tính theo tỷ lệ GDP, mức chi tiêu cho giáo dục của Việt Nam tương đương 4,9% GDP, chỉ kém Malaysia (5%), còn cao hơn các nước khác trong ASEAN gồm Campuchia (1,9%), Singapore (2,9%), Lào (3,3%).

Bình luận (0)

Lên đầu trang