(CATP) Với diện tích hơn 44.000 héc-ta bao gồm cả mặt nước lòng hồ, Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ nằm trên địa bàn 3 huyện: Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và Hương Khê (Hà Tĩnh). Đây là nơi sinh sống của 80 loài thú, 298 loài chim, 63 loài bò sát và 33 loài lưỡng cư. Chính vì thế, nhiều người dân sống xung quanh khu vực này lấy việc đặt bẫy bắt thủ làm kế mưu sinh từ nhiều năm qua.
Việc săn bẫy thú không chỉ đe dọa các loài động vật hoang dã trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ mà còn khiến cho trâu, bò của người dân thả rông trong đó cũng bị dính bẫy. Đầu tháng 03-2023, người dân thôn 4 (xã Cẩm Mỹ, H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) rất bức xúc khi một con trâu của họ bị dính bẫy thú trong rừng khiến chân bị lở loét, kiệt sức nằm chờ chết. Việc trâu dính bẫy thú không phải là hiếm hoi mà trước đây đã xảy ra rất nhiều.
Anh T.V.H (trú thôn 4, xã Cẩm Mỹ) cho biết, thôn anh có hàng trăm con trâu của dân thả "luông" (thả rông trong rừng hàng tháng trời). Trong đó, nhà anh cũng nuôi thả 4 con để cải thiện đời sống. Tuy nhiên, do thả trâu sinh sống trong rừng hàng tháng trời nên việc kiểm soát rất hạn chế. Vì vậy, nhiều con trâu bị dính bẫy của các đối tượng săn thú mà gia đình không biết. "Mỗi năm ít nhất cũng có 4 con trâu trở lên bị dính bẫy của thợ săn. Nhiều đối tượng săn thú khi phát hiện trâu dính bẫy đã xẻ thịt mang đi, những bộ phận còn lại chúng chôn xuống đất để xóa dấu vết. Chỉ đến khi người dân đi kiểm tra, phát hiện chỗ đất đó có biểu hiện bất thường đào lên thì thấy đầu và xương trâu" - anh H. kể.
Một con trâu nhiễm trùng chân do dính bẫy thú
Theo anh H., để hạn chế tình trạng trâu bị dính bẫy thú rừng, người dân xã Cẩm Mỹ thường xuyên tổ chức thành nhiều nhóm người để vào rừng gỡ bỏ. Lấy từ trong nhà ra hàng chục chiếc bẫy được làm từ dây phanh xe đạp, anh H. cho biết: "Cách đây mấy hôm, tôi cùng một số người vào rừng gỡ, phá được từng này bẫy. Việc gỡ bẫy thú nếu đi một mình sẽ rất nguy hiểm vì lỡ dính bẫy sẽ không có người giúp đỡ. Chính vì thế, những người tham gia gỡ bẫy phải đi theo nhóm. Trước đây, chúng tôi thỉnh thoảng có phối hợp với cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ làm việc này. Về sau, chúng tôi chủ động đi tháo để tự đảm bảo cho trâu của mình được an toàn".
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đức - Trưởng Phòng quản lý, bảo vệ rừng - Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ cho biết, các đối tượng săn bắt thú trong rừng chủ yếu đặt bẫy luồng. Đây là loại bẫy làm từ dây phanh xe đạp. Để ngăn chặn, cán bộ bảo vệ rừng thường xuyên phải tổ chức đi tuần tháo gỡ bẫy thú. Thế nhưng do diện tích của Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ rộng và địa hình là rừng núi, sông, hồ nên việc tuần tra gặp rất nhiều khó khăn. "Mỗi chuyến đi tuần phải mất nhiều ngày, quá trình di chuyển chủ yếu là đi bộ và sử dụng thuyền. Những chuyến đi đó ngoài việc tuần tra, chúng tôi còn phải tháo gỡ bẫy thú của các đối tượng săn thú thường xuyên sinh sống trong rừng" - ông Đức chia sẻ.
Bẫy thú được anh H. và một số người dân đưa về nhà
Theo ông Đức, khi phát hiện bị phá gỡ bẫy thú, các đối tượng săn thú mặc dù không dám tấn công nhưng vẫn rình rập phá hư hỏng thuyền, lán dựng tạm và phương tiện của lực lượng bảo vệ rừng. Mỗi năm, Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ tổ chức hàng trăm chuyến tuần tra nhằm ngăn chặn nạn săn bắt động vật hoang dã. Ông Nguyễn Viết Ninh - Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ thông tin, 2 năm về trước, tình trạng trâu, bò thả rông trong rừng của người dân bị dính bẫy thú rất nhiều. Trước thực trạng trên, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đã phối hợp với các lực lượng liên quan xử lý nên đã giảm dần. Ngoài việc tổ chức tháo gỡ bẫy, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ cũng tuyên truyền người dân từ bỏ việc đặt bẫy săn thú rừng.
Về sau này, việc đặt bẫy săn thú rất tinh vi, kín đáo nên khó phát hiện. Ngoài ra, khi phát hiện cũng không có hình thức chế tài đủ sức răn đe vì không bắt được quả tang họ đang tàng trữ động vật hoang dã bên mình. Để ngăn chặn, lực lượng bảo vệ rừng chỉ đi phá gỡ bẫy, xua đẩy họ ra khỏi rừng.