Đồng bằng sông Cửu Long: Những ngày nới lỏng giãn cách xã hội

Thứ Năm, 09/09/2021 11:17  | Thiện Thảo

|

(CATP) Từ ngày 6-9, nhiều địa phương khu vực ĐBSCL đã nới lỏng giãn cách từ thực hiện Chỉ thị (CT) 16 xuống CT15 của Chính phủ trong công tác phòng chống (PC) dịch Covid-19. Một số cơ sở dịch vụ (DV) hoạt động trở lại, lúa ngoài đồng đã có máy gặt, tàu được ra khơi. Đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) lên kế hoạch đón 2-3 triệu lượt du khách (DK).

Tiếp tục thu hoạch vụ mùa, tàu ra khơi

Ngày 8-9, trao đổi qua điện thoại với PV Báo CATP, nhiều nông dân ở Bạc Liêu không giấu được niềm vui: "Lúa được cắt rồi chú ơi! Chỉ cần giãn cách theo CT16 mấy ngày nữa là gặp bão, lúa sẽ chìm trong nước. Là nông dân, trong nhà có lúa là ổn rồi, chuyện mua bán từ từ tính". Trên khắp các cánh đồng, tiếng máy gặp liên hợp xình xịch. Trước đó, Bạc Liêu đã gửi công văn đề nghị UBND 2 tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng hỗ trợ, phối hợp tạo điều kiện, cho phép nhân lực và máy gặt đập liên hợp được di chuyển vào tỉnh để phục vụ thu hoạch lúa, do các địa phương thực hiện CT16 nên việc đi lại hết sức khó khăn. Khi Bạc Liêu nới lỏng giãn cách xuống CT15 tại các huyện, hai tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng đã đưa hơn 210 máy gặt đập liên hợp sang hỗ trợ, cùng với hơn 250 máy gặt của nông dân trong tỉnh, Bạc Liêu dự kiến thu hoạch dứt điểm gần 59.000ha lúa Hè Thu vào ngày 20-9 tới.

Trên đồng, lúa được thu hoạch; dưới biển, tàu ra khơi đánh bắt xa bờ. UBND tỉnh Bạc Liêu vừa ký văn bản cho phép hơn 1.300 tàu cá hoạt động trở lại sau nhiều ngày tạm ngưng do dịch Covid-19. Tỉnh có gần 11.000 lao động (LĐ) làm nghề đánh bắt, DV thủy sản, mỗi năm các phương tiện khai thác ngoài khơi khoảng 120 - 130 nghìn tấn hải sản các loại. Đây là nguồn lợi kinh tế đồng thời giúp giải quyết lượng LĐ khá lớn và ổn định của địa phương trong nhiều năm qua.

Tuyến đường chính ở TP.Long Xuyên, An Giang dần sôi động trở lại

Khi bùng phát dịch, thực hiện GCXH, tàu nằm bến, đời sống ngư dân gặp khó khăn; nay được nới lỏng GCXH, ngư dân rất phấn khởi. UBND tỉnh Bạc Liêu nhắc nhở: "Trước khi xuất - nhập cảng, bà con ngư dân trong tỉnh cần thực hiện nghiêm khai báo y tế và bảo đảm tuân thủ đầy đủ các biện pháp PC dịch theo quy định...".

Hai ngày đầu thực hiện CT15, lượng phương tiện trên các tuyến đường ở TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang tăng dần, hàng quán đều để bảng thông báo bán mang về. Cuộc sống sôi động hẳn sau những ngày phố xá vắng tanh khi áp dụng GCXH theo CT16. Ông Nguyễn Văn Phương (72 tuổi, ngụ TP.Long Xuyên) cho biết: "Khi văn bản nới lỏng giãn cách có hiệu lực, tôi mang khẩu trang chạy vòng ngoài đường cho đã... "thèm"!". Hiện ở TP.Long Xuyên, các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện ích bắt đầu mở lại, lượng hàng hóa tương đối phong phú. Lực lượng chức năng đi kiểm tra nhắc nhở người dân thực hiện quy tắc 5K, tránh tụ tập đông người để PC dịch.

Tại TP.Cà Mau, từ 0 giờ ngày 7-9, tất cả dịch vụ ăn uống không rượu bia trên toàn tỉnh được hoạt động trở lại; phục vụ tại chỗ ở địa bàn các xã Tân Xuyên, Lý Văn Lâm, Tắc Vân và một phần xã Định Bình, nhưng phải giữ khoảng cách 2m, phục vụ mỗi bàn không quá 4 người; còn toàn bộ thị trấn, phường trong tỉnh chỉ được bán mang về. UBND tỉnh Cà Mau quy định, việc đi lại của người dân chỉ được tự do trong nội huyện khi thực sự cần thiết; trường hợp ra khỏi huyện, người dân phải được chủ tịch xã cho phép.

Tỉnh Bạc Liêu đã ban hành công văn về việc thực hiện các biện pháp PC dịch Covid-19 đối với người di chuyển nội tỉnh từ địa bàn áp dụng CT16 sang địa bàn áp dụng CT15 và ngược lại. Theo đó, để đảm bảo vừa thực hiện tốt công tác PC dịch vừa không làm đứt gãy hoạt động kinh tế - xã hội tại các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh cho phép áp dụng cơ chế mới thay cho quy định trước đây. Đối với người di chuyển nội tỉnh giữa địa bàn áp dụng CT16 và địa bàn áp dụng CT15, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất không áp dụng hình thức cách ly y tế, thay vào đó tất cả đối tượng thuộc diện này phải tự theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện bất thường phải báo ngay với cơ quan y tế gần nhất. Khuyến khích việc ghi chép, theo dõi lịch trình di chuyển, tiếp xúc để thuận lợi cho việc truy vết khi có tình huống xảy ra.

TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng đã được chuyển từ vùng "cam" sang "vàng", tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh (KD) thương mại DV, bán buôn, bán lẻ, khách sạn hoạt động trở lại; riêng cơ sở KD dịch vụ ăn uống ven các tuyến đường thuộc luồng xanh không được bán tại chỗ. Tại vùng vàng, các cơ sở KD thương mại DV, bán buôn, bán lẻ, khách sạn, cơ sở lưu trú được hoạt động nhưng phải thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn PC dịch... Các địa phương Vĩnh Long, Tiền Giang... những nơi được nới lỏng giãn cách, hàng quán cũng bán trở lại, người dân vui mừng mong cuộc sống trở lại bình thường.

Máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa ở Bạc Liêu

Đảo "ngọc" lên kế hoạch đón khách

UBND tỉnh Kiên Giang có văn bản: Từ 0 giờ ngày 7 đến hết ngày 13-9, TP.Rạch Giá, TP.Hà Tiên và các huyện Kiên Lương, Hòn Đất, Giang Thành, Châu Thành, Vĩnh Thuận tiếp tục thực hiện GCXH theo tinh thần CT16. Trong đó, 2 huyện Châu Thành, Vĩnh Thuận phấn đấu đến ngày 10-9 phải kiểm soát được dịch. Các huyện, thành phố (TP) còn lại gồm: TP.Phú Quốc, các huyện U Minh Thượng, An Minh, An Biên, Gò Quao, Giồng Riềng, Tân Hiệp, Kiên Hải thực hiện GCXH theo CT15 bắt đầu từ 0 giờ ngày 7-9.

Cần Thơ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến 0 giờ ngày 18-9

Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ đã ký ban hành công văn về việc tiếp tục thực hiện GCXH trên toàn địa bàn theo CT16 từ 0 giờ ngày 8-9 đến 0 giờ ngày 18-9 trên toàn địa bàn thành phố. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp GCXH theo CT10 của UBND thành phố. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện: Ô Môn, Cờ Đỏ, Phong Điền, Thới Lai, Vĩnh Thạnh phấn đấu chậm nhất đến ngày 15-9 kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định áp dụng thực hiện CT15 của Thủ tướng.

Đối với các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Thốt Nốt, chậm nhất đến ngày 17-9 phải kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh để báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định áp dụng CT15.

Khi nới lỏng giãn cách, Thủ tướng chỉ đạo UBND huyện Phú Quốc lên kế hoạch đón 2-3 triệu lượt DK trong những tháng cuối năm 2021. UBND huyện Phú Quốc cho biết, dự kiến ngày 9-9 lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cùng UBND TP.Phú Quốc sẽ làm việc với Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) về kế hoạch thí điểm đón DK quốc tế đến Phú Quốc để trình Thủ tướng. Theo dự thảo kế hoạch thí điểm đón DK quốc tế đến Phú Quốc mà Bộ VH-TT-DL đã gửi tới các bộ để lấy ý kiến, Phú Quốc sẽ được thí điểm đón DK quốc tế trong thời gian 6 tháng, dự kiến từ ngày 1-10.

Để đến Phú Quốc, Bộ VH-TT-DL yêu cầu DK phải có chứng nhận tiêm đủ 2 liều vắc-xin phòng Covid-19 được Việt Nam công nhận, thời gian tiêm mũi 2 ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến lúc nhập cảnh. Du khách cũng phải có chứng nhận đã khỏi Covid-19 được Việt Nam công nhận thời gian từ lúc xuất viện tính đến ngày nhập cảnh không quá 12 tháng đồng thời phải có kết quả xét nghiệm RT-PCR/RT-LAMP âm tính trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang