(CAO) Bà Thảo vẫn mong muốn đoàn tụ gia đình, muốn giám định tâm thần cho chồng, trong khi ông Vũ cương quyết cho rằng có chết cũng không nhờ bà Thảo chăm sóc. Trong lúc tranh luận căng thẳng, có lúc ông Vũ đã chỉ tay về phía bà Thảo nói “cô đừng diễn nữa”. Theo ông Vũ, ông không muốn đoàn tụ nữa bởi vì nhiều việc xảy ra, cả một tiến trình 7 năm trời "nó đau đớn lắm, bên trong nó đau đớn lắm!".
Ngày 3/12, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục xét xử vụ ly hôn giữa nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo (SN 1973, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên) và bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ (SN 1971, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên).
Bà Thảo thay đổi yêu cầu cấp dưỡng cho 4 con
Theo luật sư Lê Thị Hoài Giang bảo vệ quyền lợi cho bà Thảo, thân chủ của mình vẫn giữ nguyên quan điểm hủy bản án sơ thẩm, thay đổi việc cấp dưỡng từ số tiền 10 tỷ đồng mỗi năm cho 4 đứa con thành 20% cổ phần (mỗi người con 5%) của ông Vũ tại các công ty trong Tập đoàn Trung Nguyên. Về tài sản, phía bà Thảo đề nghị tòa chia đều tài sản tại Trung Nguyên theo tỷ lệ 50:50.
Trước các yêu cầu của nguyên đơn, bảo vệ quyền lợi cho ông Vũ, luật sư Trương Thị Hòa cho biết, sẽ yêu cầu giữ lại bản án sơ thẩm, và mong muốn mọi chuyện sớm kết thúc để ông Vũ tập trung phát triển Trung Nguyên.
Về yêu cầu thay đổi hình thức cấp dưỡng cho các con từ 10 tỷ/năm/4 người con, sang 20% cổ phần của Trung Nguyên, luật sư Hòa cho rằng, quan điểm này không được ông Vũ chấp thuận. Ông Vũ chỉ chấp nhận chu cấp 10 tỷ đồng mỗi năm cho các con, tính từ năm 2013.
Ông Vũ tại tòa
Cũng trong ngày thứ hai xử vụ ly hôn, ông Vũ đã có cuộc trao đổi ngắn với báo chí, ông Vũ chia sẻ: "Lúc nào cô ấy cũng nói cứu qua, cứu Trung Nguyên, nói ra bên ngoài như thế nhưng bên trong không phải vậy".
“Các bạn cứ hỏi những người trong nhà qua, những anh em lái xe, anh em ở công ty, nhà máy Trung Nguyên thì sẽ rõ cả thôi. Sống ở đời phải có cái tâm là quan trọng nhất. Làm người phải có cái tâm. Vợ chồng càng phải như vậy. Mình đi ra ngoài mình dùng nhiều cách, diễn đạt đủ thứ với báo chí, công luận nói sao cũng được, nhưng ứng xử bên trong phải hiểu biết hết mọi chuyện”, ông Vũ nói.
Cũng theo ông Vũ, ông không đồng tình với việc bà Thảo cho rằng HĐXX xử ép mình, và đề nghị đổi 2 trong số 3 vị trong HĐXX. Theo ông Vũ, không ai dám xử ép cả, vì phải căn cứ theo luật mà làm. “Vụ án bắt đầu từ năm 2015, đến 2018 mới đem ra xử. Trong khoảng thời gian ấy, thẩm phán đã cho hòa giải nhiều lần, mà có được đâu.
“Mỗi lần tới gặp hòa giải người ta cho hai vợ chồng vô phòng riêng mời nước mời trà đủ kiểu, trong khi ra ngoài lại nói người ta xử ép. Mình nói như vậy là không phải, mình nói vậy trong lòng người ta buồn phiền”, ông Vũ trả lời.
Ông Vũ cũng nói bà Thảo đi cầu cứu, kêu cứu đủ cả, ngay trong việc xử kín cũng vậy. "Lần trước cô muốn xử kín, sau đó cô xin xử công khai. Cô ấy đem con cái vào tòa nên qua mới xin tòa là xử kín, nếu không sẽ ảnh hưởng mấy đứa nhỏ”, ông Vũ cho biết.
Phải ly hôn chứ không còn cách nào khác
Tại tòa, bà Thảo tha thiết muốn được đoàn tụ, để bà có thể bên cạnh chăm sóc cho chồng. Bà cho rằng chồng mình bị bệnh, HĐXX cần giám định lại năng lực hành vi của ông Vũ, vì không thể lấy bản kết luận giám định do ông Vũ nộp cho tòa làm căn cứ.
Bà Thảo trao đổi với báo chí
Về yêu cầu đoàn tụ của bà Thảo, ông Vũ nói: “Qua không muốn đoàn tụ nữa bởi vì nhiều việc xảy ra, cả một tiến trình 7 năm trời, nó đau đớn lắm, bên trong nó đau đớn lắm. Qua là người bị đơn chứ không phải là nguyên đơn, từ đó xuyên suốt cô Thảo làm đủ chuyện cả. Bây giờ ra tới tòa bảo rút đơn như vậy, ra báo chí nói như vậy không bao giờ đúng cả”.
Trong khi đó ông Vũ thẳng thắn: “Người tâm thần giống qua thì đất nước này cần phải nhiều người tâm thần như vậy”. Quan điểm của ông Vũ dứt khoát cho rằng đã kéo nhau ra tòa thì đoàn tụ cái gì. Dù có đau, có chết thì ông Vũ không cần bà Thảo chăm sóc. Thậm chí trong lúc tranh luận căng thẳng, ông Vũ đã chỉ về phía bà Thảo nói: “Cô đừng diễn nữa”.
Trước các câu hỏi phía nguyên đơn đưa ra, ông Vũ lớn tiếng: “Qua rất là không muốn nói về người vợ qua lời nào hết. Nếu qua có bệnh, có chết đi nữa cũng không bao giờ nhờ đến người phụ nữ đó chăm sóc qua. Bảy năm qua, qua không bao giờ nói đến người phụ nữ này, qua chỉ muốn cô ấy sám hối về những việc đã làm với chồng con thôi”.
Khi nói về các con, ông Vũ tin rằng, mấy đứa nhỏ lớn lên sẽ hiểu. “Qua tôn trọng các con, và cũng không hề có ý định nói gì không tốt về mẹ cho các con”- ông Vũ nói.