Các tỉnh miền Trung chạy đua ứng phó bão số 5

Thứ Bảy, 11/09/2021 16:38

|

(CAO) Bão số 5 (bão Conson) đang hướng vào Quảng Trị - Quảng Nam, dự kiến sáng 12/9 bão sẽ vào đất liền, các địa phương miền Trung đang chạy đua để ứng phó với bão.

Ngày 11-9, tại cảng cá Kỳ Hà, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, chúng tôi ghi nhận hàng trăm tàu thuyền của ngư dân đang neo đậu trú bão hoặc khẩn trương bán cá cho thương lái để vào neo đậu ở âu thuyền. 

Người dân đang cột dây thừng neo đậu tàu thuyền.

Ngư dân Bùi Văn Thanh, chủ tàu cá QNa 91838TS nói: “Tôi cùng các thuyền viên đang đánh bắt cá trên vùng biển Hoàng Sa (Việt Nam) thì nhận được thông báo có cơn bão Conson gây ra biển động mạnh. Sau đó tôi đã cho tàu chạy vào bờ để trú tránh bão”.

Neo tàu cá tránh bão

Cũng theo ngư dân Thanh, chuyến này tàu ông mới ra khơi đánh bắt được khoảng 10 ngày thì gặp bão đành phải cho tàu chạy vào bờ, tàu chỉ mới đánh bắt được 3 tấn cá nục, với giá cá bán hiện tại hơn 20 nghìn đồng/kg thì tàu ông thua lỗ hơn 60 triệu đồng.

Những sọt cá được ngư dân đưa lên bờ bán cho thương lái.

Thuyền viên Nguyễn Duy Hưng cho hay, khi nghe thông tin dự báo thời tiết về diễn biến của cơn bão số 5. Nên anh cùng với mọi người ra bến cảng Kỳ Hà kiểm tra tàu thuyền để đảm bảo an toàn khi cơn bão số 5 đổ bộ vào đất liền.

Đại tá Hoàng Văn Mẫn, Chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, tính đến 9 giờ ngày 11-9, tổng số tàu cá địa phương đang hoạt động trên biển là 139 tàu.

Ngư dân tranh thủ bán cá để chuẩn bị đưa tàu đi trú bão.

Cùng ngày, ông Lê Quang Trung, Chủ tịch huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết, đã vận chuyển 14 tấn gạo cho ba xã vùng cao Phước Kim, Phước Thành và Phước Lộc.

“Gạo được xe tải chở đến các điểm cất trữ của mỗi xã để phòng trường hợp bị cô lập nhiều ngày sẽ cấp cho người dân. Trước nguy cơ sạt lở vùi lấp đường, chính quyền lên phương án đưa phương tiện cơ giới sẵn sàng thông tuyến, đảm bảo giao thông khi có sự cố xảy ra”, ông Trung nói.

Vận chuyển gạo cho bà con xã Phước Lộc.

Ứng phó với mưa bão số 5, sáng nay cán bộ xã Phước Thành đến từng hộ dân có nguy cơ sạt lở vận động di dời đến UBND xã và các nhà an toàn trú tránh. Xã đã di dời khẩn cấp hơn 100 hộ dân với 478 khẩu về nơi an toàn.

Ông Lưu Huyền Thoại, Chủ tịch xã Phước Lộc cho biết, 5 tấn gạo được huyện cấp đã chuyển đã cất trữ trong kho. Trước mùa mưa bão năm nay, chính quyền tích trữ gần 10 tấn. Tổng hai nguồn này người dân sẽ ăn được khoảng 1 tháng nếu bị cô lập, xã đã di dời 11 hộ với 45 khẩu đến nơi an toàn.

Vận chuyển gạo cho bà con xã Phước Lộc.

Được biết, từ đêm qua đến chiều nay (11-9), huyện Phước Sơn ghi nhận mưa to. Sông suối trên địa bàn nước lũ đổ về dâng lên. Đoạn đường ĐH1 qua trung tâm xã Phước Thành nước chảy ngập nửa mét bị chia cắt. Chính quyền xã cử lực lượng chốt chặn không cho phương tiện lưu thông.

Một số tuyến đường ở xã Phước Thành nước suối dâng cao.

Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết, đã có công văn về việc cho học sinh nghỉ học để phòng tránh bão số 5.

Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện như sau: Thông báo cho học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh nghỉ học từ chiều nay (ngày 11/9) để phòng tránh bão lũ. Ngoài ra, lưu ý khẩn trương thực hiện chằng chống trường lớp, nhà làm việc, nhà kho, hệ thống cây xanh và các công trình xây dựng khác;…

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, bão hiện cách bờ biển Quảng Trị- Quảng Ngãi khoảng 210 km, sức gió mạnh nhất 100 km/h, cấp 9-10, giật cấp 12. Đến 7h giờ ngày 12-9, tâm bão trên vùng biển khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Nam, sức gió mạnh nhất 90 km/h, cấp 8-9, giật cấp 11.

Một số con suối trên địa bàn xã Phước Thành nước đang dâng lên.

Thừa Thiên Huế: Người dân hạn chế ra đường từ 14h00 ngày 11/9

Để chủ động phòng chống bão số 5 và chống dịch Covid-19, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đang rà soát và lên phương án sơ tán dân nhằm đảm bảo thiệt hại ít nhất về tính mạng, tài sản cũng như thông báo khẩn yêu cầu người dân hạn chế ra đường từ 14h00 ngày 11/9 đến khi có thông báo mới.

Những ngày qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa to và gió lớn kéo dài trên diện rộng, nhiều nơi đã chủ động di dân, đồng thời cắt tỉa cây xanh dễ gãy đổ để tránh bão.

Thanh niên xã Vinh Hưng cắt tỉa cây xanh chuẩn bị chống bão

Ghi nhận sáng 11/9, tại xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, chính quyền địa phương đã tổ chức kiểm tra và vận động sơ tán di dân những vùng xung thấp yếu, vùng ven biển có nguy cơ đe doạ nặng đến những nơi cao ráo, kiên cố để tránh bão đổ bộ vào. Ngoài ra, lực lượng chủ động kiểm tra gia cố cơ sở vật chất tại các trường học, kiểm tra vận hành các máy bơm chống ngập úng tại các thôn An Dương.

Người dân đưa thuyền thúng lên bờ

Tàu thuyền được neo đậu, chằng chống kĩ lưỡng

Ông Đặng Tiến Tuỳ, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, huyện Phú Vang thông tin, chính quyền địa phương đã chủ động rà soát trên địa bàn có 157 hộ với 705 khẩu thuộc vùng có nguy cơ, vùng xung yếu sạt lở biển, ven phá; tập trung sạt lở mạnh tại thôn Tân An, An Dương 1, An Dương 3 và khu vực Cồn Sơn; các hộ sống trên các chòi kênh nuôi trồng thủy sản và ven biển, phá Tam Giang.

Đến nay, địa phương cũng đã chủ động kịch bản và sẵn sang các địa điểm di dời dân đến nơi an toàn, chủ yếu là nhà cao tầng, trường học, nhà văn hóa thôn, xã. Bố trí sẵn nhân lực, phương tiện và cơ sở hạ tầng để đảm bảo việc di dời bà con đến tránh trú bão an toàn.

Bên cạnh đó, xã đã dự trữ lương thực, thực phẩm nhằm cung cấp cho các hộ dân di dời với số lượng 2 tấn gạo, 100 thùng mì tôm, 100 lít dầu thắp và cơ số thuốc men.

Trường học được gia cố để làm nơi tránh bão cho người dân

Sáng nay 11/9, Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống cơn bão số 5 và phòng, chống dịch COVID-19 tại các xã trên địa bàn huyện Phú Lộc.

Đến kiểm tra tại xã Vinh Hưng và Vinh Hiền, đại diện lãnh đạo các xã cho biết, chính quyền địa phương đã chủ động xây dựng, triển khai phương án nguồn nhân lực cũng như các thiết bị và phương tiện vừa phòng, chống bão lụt kết hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch để giảm thiểu tối đa thiệt hại của người dân.

Tuy nhiên, do hiện tại các địa phương đang phải áp dụng biện pháp giãn cách, phong tỏa để phòng, chống dịch Covid-19, công tác phòng chống bão lụt gặp nhiều khó khăn hơn so với các năm trước như: việc điều động lực lượng đi hỗ trợ chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền, thu hoạch hải sản nuôi trồng của người dân...

Tại buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận biểu dương chính quyền các xã đã khắc phục khó khăn, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống bão lụt kết hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình kiểm tra tại huyện Phú Lộc

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra các hồ chứa

Kiểm tra vận hành máy bơm

Để đảm bảo an toàn về người và tài sản cho người dân trong cơn bão số 5, các xã cần hỗ trợ người dân gia cố đảm bảo an toàn nhà ở, khẩn trương rà soát các đối tượng dễ bị tổn thương: Trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo để chủ động sơ tán đến nơi an toàn trước khi bão vào, lưu ý công tác đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 cho các địa điểm sơ tán, khu cách ly (hoàn thành trước 17h ngày 11/9/2021); chuẩn bị nhu yếu phẩm cho người dân tại các vùng đang phong toả

Trưa cùng ngày, Văn phòng Ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm thiên tai cứu nạn, cứu hộ tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã phát đi thông báo yêu cầu người dân hạn chế ra đường từ 14h00 trưa ngày 11/9/2021 cho đến khi có thông báo mới, đồng thời yêu cầu người dân chủ động dự trự lương thực thực phẩm, thuốc men…

Bình luận (0)

Lên đầu trang