Sạt lở 'bủa vây' Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Ba, 23/05/2023 09:48  | Nguyễn Nhân

|

(CATP) Khoảng gần 1 tháng qua, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã ghi nhận hàng chục vụ sạt lở bờ sông, khiến nhiều căn nhà bị nhấn chìm, công trình giao thông bị chia cắt. Theo dự báo của các ngành chức năng và chuyên gia, tình trạng sạt lở sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Liên tục mất nhà, mất đất

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, trong 2 ngày 20 và 21/5, trên địa bàn huyện Châu Thành xảy ra 3 vụ sạt lở đất, thiệt hại gần 100 triệu đồng. Theo đó, lúc 23 giờ ngày 20/5, tại kênh Mái Dầm (thuộc ấp Phú Lợi A, X.Phú Hữu, H.Châu Thành) xảy ra vụ sạt lở với chiều dài 10m, sâu vào bờ khoảng 4m. Hôm sau, cũng tại tuyến trên nhưng thuộc ấp Phú Trí B1, một vụ sạt lở với chiều dài 20m, ăn sâu vào bờ khoảng 7m, ước thiệt hại 50 triệu đồng. Đến 8 giờ cùng ngày, vụ sạt lở tại kênh Thạnh Đông (thuộc ấp Thạnh Thuận, X.Đông Thạnh) với chiều dài 15m, ăn sâu vào bờ 4m.

Theo Đài khí tượng - thủy văn tỉnh Hậu Giang, những ngày gần đây, mực nước chân triều đang ở mức thấp, tốc độ dòng chảy mạnh, các trận mưa chuyển mùa sẽ sinh dòng chảy mạnh và kết hợp với đất ở bờ sông, kênh đang tơi xốp, nứt nẻ. Do đó, khả năng sạt lở bờ sông, kênh, rạch với quy mô vừa và nhỏ ở mức độ cao. Tính từ đầu năm đến nay, tỉnh Hậu Giang xảy ra 21 vụ sạt lở, chiều dài sạt lở 445m, với tổng diện tích mất đất 2.219m2, ước tính thiệt hại trên 1,3 tỷ đồng.

Tại tỉnh Cà Mau, một vụ sạt lở cũng vừa xảy ra khiến 2 căn nhà bị thiệt hại. Theo đó, lúc 22 giờ ngày 19/5, tại khu vực chợ Nhà Lồng (ấp Kinh 17, X.Tam Giang, H.Năm Căn), căn nhà cấp 4 của anh Trần Hải Tùng bị rơi xuống sông một phần (thiệt hại khoảng 50 triệu đồng) và căn nhà của ông Nguyễn Văn Khuya đang cho hộ khác thuê để kinh doanh cũng bị sạt lở một phần (thiệt hại khoảng 50 triệu đồng).

Lực lượng chức năng khắc phục sạt lở bờ biển

Theo UBND xã Tam Giang, chỉ trong vòng 10 ngày qua, khu vực chợ Nhà Lồng đã xảy ra 2 vụ sạt lở, khiến 6 hộ dân bị ảnh hưởng, thiệt hại tài sản khoảng 240 triệu đồng. Hiện khu vực này đang được cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ xây dựng bờ kè chống sạt lở, dự kiến cuối năm 2023 hoàn thành.

Mới đây, tại sông Vàm Cỏ Tây (xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) đã xảy ra vụ sạt lở bờ sông khiến việc đi lại của khoảng 500 hộ dân bị ảnh hưởng. Theo đó, vụ sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Tây (đoạn thuộc các ấp Bến Kè, Nước Trong, Voi Đình, xã Thủy Đông) xảy ra rạng sáng 09/5 làm một đoạn đường bê-tông liên ấp và hàng rào gạch, khung sắt sụp xuống sông. Chiều dài đoạn sạt lở khoảng 45m, hố sâu từ 5 - 6m, chiều rộng khoảng 8m, tính từ mép bờ sông hiện tại vào bờ. Ngoài ra, xung quanh khu vực sạt lở còn xuất hiện nhiều vết nứt, dài khoảng 150m. Tình trạng sạt lở vẫn đang tiếp tục diễn ra, gây nguy cơ mất an toàn cho các hộ dân trong khu vực.

Tại TP.Cần Thơ, rạng sáng 08/5, bờ sông Cần Thơ (thuộc ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền) đã xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng khiến 7 nhà dân bị nhấn chìm. Khu vực sạt lở nằm cạnh chân cầu Trường Tiền trên đường tỉnh 923 (lộ Vòng Cung) trong phạm vi dự án kè sông Cần Thơ (đoạn từ cầu Cái Sơn, P.An Bình, quận Ninh Kiều đến xã Mỹ Khánh). Theo ông Nguyễn Trường Ca (Chủ tịch UBND xã Mỹ Khánh), có 7 căn nhà bị sạt lở, với chiều dài khoảng 50m, thiệt hại ban đầu khoảng 10 tỷ đồng.

Nguyên nhân do đâu?

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia nghiên cứu độc lập hệ sinh thái vùng ĐBSCL) cho biết: Đặc điểm của sạt lở bờ sông ĐBSCL là "ăn" đứt chân bờ, nhiều khi người dân sống bên trên không hay biết gì. Thường trước khi xảy ra sạt lở 2 ngày là các vết nứt chạy dài, một số vụ không có cảnh báo. Nếu quan sát kỹ, sạt lở thường diễn ra ở cuối mùa khô và đầu mùa mưa, bởi vì trong mùa khô thì mực nước của sông Mê Kông thấp. Như vậy so với bờ cao và nặng, chảy qua suốt mùa khô sẽ khiến bờ bị mỏi và đặc biệt khi dưới chân đã bị "đứt", đến cuối mùa khô không còn chịu nổi.

Theo chuyên gia Thiện, hệ thống sông Mê Kông khi vào Việt Nam chia làm sông Tiền và sông Hậu. Hai sông này có nhiều nhánh. Sạt lở này thường xảy ra ở 2 dòng sông chính: Tiền và Hậu. Nguyên tắc là càng về đầu nguồn thì tình trạng sạt lở càng diễn ra nhiều hơn. Bởi vì ở đó cao trình của bờ cao hơn và thành phần đất pha nhiều cát hơn. Vật liệu đất pha cát thì độ kết dính kém hơn đất thịt và đất sét.

"Tình hình ngày nay là sạt lở đã lan khắp đồng bằng. Nguyên tắc là do khai thác cát, nhưng không phải khai thác cát tại nơi nào thì sạt lở xảy ra nơi đó, mà nó lan tỏa khắp nơi. Bởi vì toàn bộ hệ thống sông Cửu Long là một hệ. Vì vậy, khai thác cát ở một nơi sẽ tạo ra một hố thì vật liệu ở nơi khác sẽ phả lấp lại, để hạ thấp đều đáy sông. Các nghiên cứu cho thấy, sông Tiền và sông Hậu đã bị hạ thấp 3 - 4m so với ngày xưa. Đáy sông chính bị hạ thấp thì sẽ rút đáy của sông nhánh, làm cho sông nhánh bị sâu hơn. Từ đó bờ của sông nhánh cao hơn, nặng hơn và khi đó sẽ rút đáy của sông nhỏ hơn. Như vậy sẽ làm lan tỏa sâu đáy sông, dẫn đến sạt lở khắp nơi. Những nơi bị tổn thương nhất là thường là đoạn sông cong. Sạt lở ở ĐBSCL xảy ra cả bờ sông, bờ biển. Nguyên nhân chính là do thiếu phù sa và cát", Thạc sĩ Thiện phân tích.

Sạt lở đã khiến nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt

Nói về các biện pháp trước đây và trong thời gian tới, Thạc sĩ Thiện cho rằng: "Biện pháp kè chống sạt lở thì chúng ta không đủ tiền chạy theo, bởi kè đắt đỏ và làm gia tăng sức nặng bờ sông, trong khi sạt lở đã ăn đứt chân. Như vậy, chúng ta cần thực hiện theo nguyên tắc là thuận thiên. Nói vậy không phải không thực hiện những công trình, mà chỉ thực hiện ở những công trình không thể bỏ được, như: khu đô thị, khu đông dân cư...

Các công trình này phải tính toán về lợi ích đem lại và chi phí bỏ ra. Biện pháp tốt nhất cho sạt lở là lập những bản đồ theo dõi những nơi nào rủi ro cao, trung bình, thấp... để di dời dân, tránh gây thiệt hại tài sản và tính mạng. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường liên tục siêu âm đáy sông và cập nhật biến động để cảnh báo cho người dân.

Theo ông Huỳnh Quốc Việt (Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau), dự kiến trong tháng 5/2023, tỉnh sẽ báo cáo lên Thủ tướng và các bộ, ngành Trung ương quan tâm, xem xét hỗ trợ vốn để địa phương khắc phục sạt lở. Theo tính toán, nếu thực hiện kè hết chỗ bờ biển bị sạt lở phải mất khoảng 5.000 tỷ, tương đương 50 tỷ/km. Tổng chi phí kè thêm bờ sông có thể lên tới 6.000 - 7.000 tỷ.

Được biết, Bán đảo Cà Mau có hơn 254km bờ biển, trong đó có 107km bờ biển Đông, 147km bờ biển Tây. Trong 10 năm trở lại đây, sạt lở đất bờ biển đã làm mất đi hơn 5.251ha đất rừng. Trong những năm gần đây, Cà Mau đã xây dựng được hơn 58,4km kè bảo vệ, với tổng kinh phí hơn 1.800 tỷ đồng. Năm 2023, tỉnh Cà Mau đã triển khai khẩn cấp khắc phục sạt lở kè và cứng hóa mái đê với chiều dài hơn 3,9km với mức đầu tư gần 9 tỷ đồng và quyết tâm thi công hoàn thành trước mùa mưa bão năm nay.

Bình luận (0)

Lên đầu trang