Châm cứu phục hồi vận động sau đột quỵ não

Thứ Năm, 03/09/2020 11:26  | Ngô Đồng

|

(CAO) Đột quỵ là một vấn đề sức khoẻ ngày càng gia tăng ở các nước đang phát triển. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 2, và là nguyên nhân hàng thứ 3 gây khuyết tật.

Khoảng hơn 30% những người sống sót sau đột quỵ được báo cáo vẫn bị hạn chế vận động cũng như tham gia các hoạt động xã hội.

Theo Hội đột quỵ Mỹ (American Stroke Association), người bệnh sau đột quỵ não phải đối mặt với rất nhiều vấn đề như: suy giảm chức năng vận động, co cứng tay chân, rối loạn cảm giác, mất ngôn ngữ, đau sau đột quỵ, khó nuốt, trầm cảm, suy giảm nhận thức và trí nhớ…

Tại Việt Nam, theo số liệu năm 2011 của Hội phòng chống tai biến mạch máu não, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người bị đột quỵ. Trong đó, khuyết tật vận động chiếm tỷ lệ cao nhất (51,9%).

Do đó, việc phục hồi vận động cho người bệnh sau đột quỵ là ưu tiên hàng đầu và được khuyến cáo nên kết hợp giữa biện pháp dùng thuốc (thuốc giảm đau thần kinh, Botulinum toxin giúp giảm co cứng cơ…) và biện pháp không dùng thuốc (tập vật lý trị liệu - phục hồi chức năng, châm cứu…) để nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh.

Theo PGS.TS BS. Trịnh Thị Diệu Thường, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, y học cổ truyền đã có nhiều ứng dụng hiệu quả trong việc phục hồi vận động cho người bệnh sau đột quỵ. Bên cạnh việc sử dụng các bài thuốc giúp tăng tuần hoàn não kết hợp tập vật lý trị liệu – phục hồi chức năng, châm cứu cải tiến là phương pháp đã được nghiên cứu và chứng minh hiệu quả.

Khác với châm cứu kinh điển, các huyệt trong châm cứu cải tiến được lựa chọn tại vị trí nguyên ủy – bám tận của cơ yếu liệt và sử dụng dòng điện xung tần số thấp để kích thích huyệt. 

Bác sĩ châm cứu cải tiến phục hồi vận động cho người bệnh sau đột quỵ não

BS Diệu Thường cho biết, phương pháp châm cứu đã được WHO công nhận có hiệu quả đối với phục hồi vận động sau đột quỵ. Tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng đã ban hành quy trình kỹ thuật y học cổ truyền theo quyết định số 26/2008/QĐ-BYT ngày 22/7/2008. Quy trình số 29 của quyết định này cho phép sử dụng kỹ thuật điện châm để điều trị liệt nửa người, và được chỉ định cho những người bệnh đột quỵ não không hôn mê có sinh hiệu ổn định.

Phương pháp này tuân thủ lý luận của Y học cổ truyền khi chọn huyệt trên đường kinh đi qua vùng bị bệnh, tập trung tác động vào những cơ yếu liệt nhiều nhất, vận dụng tính điện trở da, trở kháng thấp tại các huyệt và tác dụng của điện trị liệu để kích thích cơ bằng dòng điện tần số thấp, từ đó tác động trên cơ thông qua kích thích ở nguyên ủy – bám tận của cơ đồng thời tác động đến vỏ não qua việc kết hợp tập vận động chủ động trong lúc châm.

Người bệnh sau đột quỵ nên bắt đầu điều trị phục hồi chức năng càng sớm càng tốt. Với phương châm kết hợp đa mô thức điều trị: châm cứu cải tiến, vật lý trị liệu – phục hồi chức năng, dùng thuốc, tập luyện… người bệnh sẽ rút ngắn được thời gian điều trị, tiết kiệm chi phí...

Bình luận (0)

Lên đầu trang