(CAO) Đau bụng, buồn nôn có thể là dấu hiệu cảnh báo những bệnh đơn giản như rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên, cũng có thể là dấu hiệu bệnh nghiêm trọng như sỏi thận, viêm loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích, viêm ruột,...
Người phụ nữ 39 tuổi, ngụ TP.HCM đến bệnh viện khám trong tình trạng sức khỏe và tinh thần suy kiệt, người ốm yếu, thiếu máu nặng, không thể tự đi một mình (phải có người thân dìu).
Bệnh nhân cho biết, từ đầu năm 2014, chị bắt đầu xuất hiện những cơn đau bụng ở vùng rốn và buồn nôn vào buổi chiều, nôn hết thức ăn rồi đến dịch mật. Những cơn đau khiến chị ăn không còn ngon miệng, chị sợ các bữa ăn và cả những món ăn mà trước đây chị rất thích.
Cứ nghĩ mình bị viêm loét dạ dày hay bị bị đau bụng cơ năng do yếu tố thần kinh… Chị đi khám nhiều nơi nhưng bệnh chỉ khỏi vài ngày rồi đâu lại vào đấy. Hơn 5 năm ròng rã, tình trạng bệnh vẫn tiến triển và ngày càng tồi tệ. Từ 56kg, trong vòng 5 năm, chị sút còn 44kg, yếu đến nỗi chị không thể tự đi bộ quá 5 mét.
Tại bệnh viện, sau khi thăm khám lâm sàng, lắng nghe triệu chứng cũng như tiền sử, bệnh cảnh của bệnh nhân, TS.BS. Lê Thị Tuyết Phượng, Trưởng khoa Nội tiêu hóa - Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM, chuyên gia tại Bệnh viện Gia An 115 đã chỉ định bệnh nhân đi thực hiện nội soi ruột, chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính và siêu âm ổ bụng để tầm soát.
Sau khi quan sát kỹ các kết quả cận lâm sàng, BS. Phượng nhận thấy bệnh nhân bị viêm ruột xuất huyết, có xơ hóa và hẹp hồi tràng. Đây là căn bệnh hiếm gặp và rất khó phát hiện. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt đoạn hồi tràng xơ hóa và hẹp. Tuy nhiên, do thể trạng quá yếu, thiếu máu nặng nên bệnh nhân đã được chăm sóc tích cực để nâng cao thể trạng trước khi phẫu thuật.
Sau khi được nâng thể trạng, bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật. Sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhân ổn định, không còn đau bụng, buồn nôn hay chóng mặt. Bệnh nhân được xuất viện.
Bệnh nhân được tư vấn chăm sóc sức khỏe khi xuất viện
TS.BS. Lê Thị Tuyết Phượng, chuyên khoa Nội tiêu hóa chia sẻ, các trường hợp đau bụng, buồn nôn thường được nghi ngờ do các nguyên nhân phổ biến như viêm loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích…
Tuy nhiên, với trường hợp bệnh nhân này, bệnh cảnh kéo dài 5 năm, tiền sử bệnh khá phức tạp như đã từng mổ tử cung 3 lần (mổ u xơ tử cung, mổ do vỡ tử cung khi mang song thai và mổ bắt con), hơn nữa còn bị thiếu máu, tình trạng đau bụng lại bất thường (sáng hoàn toàn bình thường, đau dữ dội các buổi chiều) nên phải nghĩ tới nguyên nhân khác. Và kết quả cận lâm sàng đã khẳng định đúng như vậy, bệnh nhân bị viêm ruột, hồi tràng hẹp và xơ hóa.
BS. Tuyết Phượng chia sẻ thêm, tuy bệnh này không trực tiếp đe dọa tính mạng bệnh nhân nhưng nếu không được phát hiện và điều trị hiệu quả, để kéo dài thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng sống của người bệnh và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Đau bụng, buồn nôn: Triệu chứng của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Ảnh minh họa
Các bác sĩ khuyến cáo, khi thấy hiện tượng đau bụng, buồn nôn người bệnh không nên chủ quan, cũng không nên tự ý mua thuốc điều trị khi chưa có sự thăm khám của bác sĩ. Việc điều trị không đúng bệnh, sai nguyên nhân sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Người bệnh nên đến các cơ sở y tế để các bác sĩ khám tìm nguyên nhân. Sau khi thăm khám, dựa vào từng nguyên nhân, bệnh lý cụ thể và tình trạng sức khỏe của người bệnh, các bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp.
(CAO) Bị đau bụng âm ỉ 2 ngày không khỏi, người đàn ông mới đi khám thì tá hỏa khi phải nhận kết quả bị nhồi máu thận hiếm gặp.