Nữ "bác sĩ"... nổ ở Đồng Nai

Thứ Sáu, 28/02/2020 18:54  | Hải Văn

|

(CATP) Một phụ nữ trẻ ở tỉnh Đồng Nai tự giới thiệu mình là bác sĩ (BS) có nhiều bằng cấp chuyên môn như: răng hàm mặt, phẫu thuật thẩm mỹ, chấn thương chỉnh hình, sản phụ khoa, dược... khiến cộng đồng mạng và giới y khoa xôn xao. Phóng viên Báo CATP đã tìm hiểu sự thật về nữ "BS" nổ này.

BÁC SĨ ĐA NĂNG?

Vào trang Facebook cá nhân "BS" Hoàng Thị Phúc, nhiều người không khỏi ngưỡng mộ bởi chuyên môn, trình độ học vấn của cô ta. Nữ "BS" sinh năm 1985 này đến từ Thái Nguyên, hiện sống tại TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) giới thiệu mình đang làm việc tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Đồng Nai, học thạc sĩ tại Trường đại học Y dược Cần Thơ, học BS tại Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, học dược sĩ tại Trường đại học Công nghệ Miền Đông...

Nhân viên không mặc quần áo vô trùng nhưng tham gia phẫu thuật

Nữ "BS" này còn đăng tải các hình ảnh và clip được cho là thực hiện nhiều ca giải phẫu thẩm mỹ (GPTM) như: nâng mũi, cắt mí mắt, nâng cơ, căng da toàn phần, căng da chỉ vàng, khâu - chỉnh vùng kín...

Để khoe về trình độ tay nghề của mình, "BS" Phúc quảng cáo: "BS làm nhanh như tia chớp", "đã có BS nào tự cắt mí mắt cho mình chưa? Tôi đã làm được và rất thành công. Đợi 7 ngày rạng rỡ nhé", "BS tạo mỹ nhân là em"...

Trang Facebook của "bác sĩ" Phúc được giới thiệu rất hoành tráng

Bên cạnh đó, trang Facebook của "BS" Phúc còn đăng hình ảnh được cho là cô ta chuẩn bị thực hiện ca tháo khớp bàn chân đang bị nhiễm trùng và hoại tử, hay ca đứt dây chằng khớp gối, đồng thời cùng nhân viên của mình tiến hành nhiều ca nhổ răng cho bệnh nhân.

SỰ THẬT VỀ BẰNG CẤP VÀ CHUYÊN MÔN CỦA NỮ "BS"

Việc một BS trẻ có nhiều bằng cấp chuyên môn và hình ảnh lẫn clip "có vấn đề" đăng tải trên trang cá nhân, khiến nhiều người bức xúc lẫn nghi ngờ.

Một BS tại Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: Muốn hành nghề GPTM, BS đó phải có chứng chỉ hành nghề. Hiện nay, tại khu vực miền Nam, chỉ có Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Trường đại học Y Dược TPHCM là những nơi đào tạo BS GPTM. Chứng chỉ hành nghề do Sở Y tế hoặc Bộ Y tế cấp. Không rõ "BS" Phúc có được những cơ quan này cấp chứng chỉ hành nghề hay không? Quá trình hành nghề, không rõ nữ "BS" này có trang bị các loại phòng chuyên biệt như: phòng mổ, phòng GPTM, phòng chỉnh hình, phòng đỡ đẻ hay không, hay tất cả được thực hiện tại một phòng...?

Tự giới thiệu là bác sĩ răng hàm mặt, nhưng "bác sĩ" Phúc khá đa năng khi có khả năng phẫu thuật thẩm mỹ, tháo khớp, khâu vùng kín...

Thế nhưng, nhiều clip và hình ảnh trên Facebook cho thấy "BS" Phúc và nhân viên phụ mổ tiến hành nhiều ca phẫu thuật sai quy định. Bởi khi phẫu thuật, cả BS và người phụ phải mặc quần áo vô trùng, đeo găng tay vô trùng. Tuy nhiên, nhiều tình huống trên trang cá nhân của "BS" Phúc cho thấy nhân viên không mặc quần áo, đeo găng tay vô trùng mà chỉ mặc đồng phục của nhà thuốc rồi tham gia mổ.

Nữ "BS" này nhiều lần mặc áo có ghi là BS răng hàm mặt. Được biết, BS răng hàm mặt thì không có chức năng chỉnh hình, tháo khớp, nối dây chằng... Theo quy định, một BS không thể vừa có giấy phép, chứng chỉ hành nghề BS vừa có chứng chỉ hành nghề dược sĩ nên "BS" Phúc xưng là BS răng hàm mặt, đồng thời là người phụ trách chuyên môn của quầy thuốc Ngọc Hoa là không ổn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, "BS" Phúc có đăng ký phụ trách chuyên môn một quầy thuốc và được Sở Y tế Đồng Nai cấp phép. Riêng những lĩnh vực khác như: khám chữa bệnh, nâng ngực, cắt mí mắt, vá vùng kín, tháo khớp... thì Sở Y tế tỉnh Đồng Nai sẽ kiểm tra, rà soát lại rồi phản hồi thông tin với báo chí sau.

Trên Facebook của mình, nữ "BS" này đăng một bảng kết quả học tập, trong đó có thông tin cô ta học khóa 2015 - 2018, hệ liên thông chính quy của Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Thế nhưng, PGS - TS - BS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng trường này cho biết, trường mới mở Khoa đào tạo BS răng hàm mặt với thời gian đào tạo 6 năm.

Hiện nay, các sinh viên theo học khoa này mới bước vào năm học thứ 4, chưa có ai tốt nghiệp. Bản thân ông cũng chưa ký tấm bằng nào liên quan đến khoa đào tạo trên. Trường cũng không có hệ liên thông chính quy đối với Khoa răng hàm mặt. Do đó, việc "BS" Phúc khoe mình có bằng BS Khoa răng hàm mặt của Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch chắc chắn là giả mạo.

Chị Mai, một BS đang công tác tại Bệnh viện Từ Dũ cho biết, trước đây, cô Phúc học nữ hộ sinh ở Bệnh viện Từ Dũ. Bệnh viện mới cho cô tham gia những ca đỡ đẻ bình thường chứ chưa được tham gia những ca mổ giải phẫu phức tạp. Sau đó cô ta nghỉ việc. Bẵng đi một thời gian, trong một lần tình cờ lướt Facebook, chị phát hiện ra cô Phúc này giới thiệu mình là BS đang làm ở BVĐK tỉnh Đồng Nai, rồi khoe dược sĩ, thạc sĩ... rất hoành tráng.

Theo chị Mai, việc theo học các chuyên môn của ngành y tốn rất nhiều thời gian. Các trường mà cô này giới thiệu để theo học lại nằm cách xa nhau. Trong khi cô này còn trẻ, trong thời gian ngắn như vậy mà học được nhiều chuyên môn của ngành y tại các trường cách xa nhau là điều khó có thể xảy ra. Nếu cô này dùng bằng giả thì cần xử lý nghiêm chứ không để kẻ xấu lợi dụng danh tiếng của ngành y trục lợi.

Theo tìm hiểu của phóng viên, chị Phúc có trình độ học vấn 12/12, hệ bổ túc. Năm 2009, chị Phúc tốt nghiệp hệ Trung học chuyên nghiệp của Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai, ngành học là hộ sinh. Năm 2013, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cho chị Phúc.

Ông Nguyễn Văn Ổn, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ BVĐK Đồng Nai cho biết: "Chị Phúc công tác tại BVĐK Đồng Nai từ ngày 1-11-2010 với chuyên môn là nữ hộ sinh. Từ tháng 11-2016, cô này nghỉ việc không làm tại BVĐK Đồng Nai nữa".

Bình luận (0)

Lên đầu trang