Hầu hết người chuyển giới tự điều trị nội tiết tố mua ở 'chợ đen'

Thứ Sáu, 02/11/2018 15:32  | Ngô Đồng

|

(CAO) Hầu hết người chuyển giới tự điều trị nội tiết tố (hormone) mua ở “chợ đen”, nhiều người đã chết hoặc gặp phải các vấn đề sức khỏe do tự điều trị nội tiết tố hay tự tiêm silicone.

Trong những năm gần đây, sự hiện diện của người chuyển giới tại Việt Nam đang ngày một rõ rệt. Tại Việt Nam ước tính có khoảng 300.000 đến 500.000 người chuyển giới.

Theo ThS. Đinh Thị Thu Thủy, Chuyên viên Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, chuyển giới là người có bản dạng giới khác với giới tính sinh học của mình. Chuyển đổi giới tính là quá trình thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của một người đã có giới tính sinh học hoàn thiện phù hợp với nhận diện giới của họ. Bản dạng giới là cảm nhận bên trong của một người về việc họ là nam, nữ, một giới khác, hay kết hợp các giới. Bản dạng giới của một người có thể thống nhất hoặc không thống nhất với giới tính khi sinh ra của họ.

Cũng theo ThS Đinh Thị Thu Thủy, các rào cản về mặt xã hội, văn hóa và pháp lý đang đặt người chuyển giới trở thành nhóm dễ bị tổn thương. Họ bị bắt nạt tại trường học, bị kỳ thị và phân biệt đối xử ở chính gia đình và nơi công cộng. Cơ hội tiếp cận với việc làm và y tế của họ cũng bị giới hạn, đặc biệt đối với những người dũng cảm bộc lộ bản dạng giới và sống đúng với giới tính mình mong muốn.

Theo ThS. Đinh Thị Thu Thủy, Chuyên viên Vụ Pháp chế - Bộ Y tế: Cả nước có 3 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được Bộ Y tế cho phép thực hiện xác định lại giới tính, bao gồm: BV Nhi Trung ương, BV Hữu Nghị Việt Đức và BV Nhi đồng 2 TP.HCM. Trong quá trình thực hiện xác định lại giới tính, các Bệnh viện này đã thực hiện điều trị nội tiết và phẫu thuật ngực từ nam sang nữ, từ nữ sang nam, phẫu thuật bộ phận sinh dục: cắt bỏ hoặc tạo bộ phận sinh dục…

Một nghiên cứu về người chuyển giới nữ sinh sống và làm việc tại TP.HCM cho thấy, 45% bị từ chối việc làm do phân biệt đối xử dựa trên bản dạng giới. Điều này phần nào giải thích cho thực tế chỉ có 4% những người tham gia khảo sát có các việc làm ở khu vực chính thức (có hợp đồng lao động và được hưởng các chế độ, lợi ích của người lao động) và có tới 13% kiếm sống bằng nghề mại dâm.

Tình trạng bị lạm dụng tình dục và bạo lực trong cộng đồng chuyển giới cũng ở mức đáng báo động. 23% cho biết đã bị buộc phải quan hệ tình dục, và 16% đề cập rằng đã bị bạo lực tình dục. Ngoài ra, 83% người được hỏi chia sẻ là bị chế giễu bởi vì họ là người chuyển giới.

Tuy nhiên, những con số kể trên chưa thể phản ánh đầy đủ về bức tranh cộng đồng chuyển giới ở Việt Nam do chưa đề cập đến cộng đồng người chuyển giới nam, những người chuyển giới chưa lộ diện và chưa đến độ tuổi thành niên.

Trong khi các dịch vụ y tế, pháp lý và xã hội cho người dân nói chung đang ngày càng được cải thiện ở Việt nam, dịch vụ cho người chuyển giới hầu như không có, gây trở ngại cho cộng đồng trong việc thực hiện một trong những quyền cơ bản nhất của con người – quyền được sống khỏe mạnh.

Theo Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI), hầu hết người chuyển giới tự điều trị nội tiết tố (hormone) mua ở “chợ đen” do dịch vụ y tế cho người chuyển giới ở Việt Nam chưa được coi là hợp pháp. Một số rất ít người chuyển giới có điều kiện kinh tế mới có thể ra nước ngoài hoặc tìm đến các cơ sở không hợp pháp ở Việt Nam để thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Nhiều người đã chết hoặc gặp phải các vấn đề sức khỏe do tự điều trị nội tiết tố hay tự tiêm silicone.

Nhiều người đã chết hoặc gặp phải các vấn đề sức khỏe do tự điều trị nội tiết tố hay tự tiêm silicone. Ảnh minh họa

Chuyển giới nam, 22 tuổi chia sẻ:

“Tôi là một người chuyển giới từ nữ sang nam, hiện tại đang là sinh viên ngành y đa khoa, năm nay tôi 22 tuổi. Bắt đầu từ khi tôi nhận ra bản dạng giới và thay đổi ngoại hình để phù hợp và sống đúng với bản thân, tôi nhận được sự phản đối đầu tiên từ gia đình, cụ thể là mẹ tôi. Mẹ tôi luôn nghĩ tôi đua đòi theo chúng bạn, nên dùng những từ ngữ cay nghiệt nhất để mắng chửi tôi, tôi bị đánh đập hầu như mỗi ngày, thậm chí mẹ tôi có lần còn nói muốn thuê người cưỡng hiếp tôi, để tôi biết mùi đàn ông, đó là sự xúc phạm nặng nhất đối với tôi khi tôi học 12".

 

Chuyển giới nam, dưới 30 tuổi chia sẻ:

“Mình không may mắn nên tên có chữ 'Thị', dù ngoại hình rất nam tính, mình đã sử dụng Testosterone được hơn 2 năm; tuy nhiên khi mình làm đơn xin đi đổi tên, chỉ cần bỏ chữ 'Thị' thôi nhưng cán bộ ở chỗ mình không đồng ý. Khi tham gia bảo hiểm y tế, cán bộ lặp lại tên mình nhiều lần bằng loa và nhòm ngó, bàn tán rất nhiều về mình, thái độ thì khác biệt làm mình không thể sử dụng bảo hiểm y tế".

 
 

Duy, chuyển giới nam chia sẻ:

"Tôi sống ở Thành Phố Cà Mau, tôi đã nhiều lần làm đơn xin đổi tên và trình bày vô vàng lí do gây trở ngại cho tôi trong hiện tại với tên như vậy, nhưng tôi chỉ nhận lại sự kì thị và miệt thị những từ ngữ xúc phạm vô bờ bến.

Tôi là sinh viên, cũng sắp ra trường nên rất muốn được đổi tên cho việc làm sau này sẽ ổn định hơn....

Tôi rất mong được công nhận, được tôn trọng".

 
Một người chuyển giới chia sẻ về câu chuyện cuộc đời của mình. Ảnh: NĐ

Hiến pháp sửa đổi năm 2013 trên cơ sở tôn trọng quyền con người đã mở đường cho phong trào kêu gọi quyền của những người chuyển giới. Bộ Luật Dân sự sửa đổi năm 2015 đã đặt một mốc quan trọng đối với phong trào của người chuyển giới bằng việc thừa nhận quyền của người chuyển đổi giới tính, mặc dù Luật này chưa có các quy định cụ thể về các quyền ở các lĩnh vực khác nhau của người chuyển đổi giới tính. Hiện nay Dự thảo Luật Chuyển đổi Giới tính đang được Bộ Y tế soạn thảo để đưa vào ban hành trong năm 2019 hoặc 2020.

Theo lộ trình xây dựng và ban hành của Luật Chuyển đối giới tính, dự thảo dự kiến được trình Quốc Hội thông qua vào kỳ họp tháng 5-2018 nhằm kịp thời đáp ứng mong muốn của người chuyển giới được hòa nhập với xã hội và được pháp luật công nhận. Song có nhiều lý do đến nay Luật chuyển đổi giới tính vẫn chưa được trình Quốc Hội. Điều đó đồng nghĩa với việc, hiện nay hàng trăm ngàn người chuyển giới vẫn tiếp tục phải chờ đợi và trì hoãn được hưởng các quyền công dân căn bản. Hàng ngày họ vẫn còn phải ẩn mình nếu không sẽ bị kì thị, phân biệt đối xử, thậm chí rủi ro bị đuổi việc luôn thường trực chỉ vì là người chuyển giới.

Ngày 2-11, tại Hội thảo báo chí Luật chuyển đổi giới tính vì người chuyển giới được Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) tổ chức tại TP.HCM.

Tại Hội thảo, cộng đồng người chuyển giới đã chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống của mình như: Bị kì thị, không xin được việc làm, khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế,...

Những người chuyển giới chia sẻ nhiều khó khăn khi không có luật nào hỗ trợ họ trong việc chuyển đổi giới tính. Họ phải tìm nhiều cách để kiếm tiền, tích lũy nhằm đi ra nước ngoài can thiệp về giới tính, tiêm hóc môn chuyển đổi giới tính vì Bộ Y tế chưa có văn bản chính thức cho phép các cơ sở y tế thực hiện can thiệp y học chuyển đổi giới tính.

Người chuyển giới phải mua hóc môn trôi nổi ở nước ngoài về tự tiêm, chịu những đau đớn về thể xác và tinh thần vì chưa có cán bộ y tế nào được hướng dẫn thực hiện tiêm hóc môn chuyển giới cho người khác…

Có rất nhiều người chuyển giới phải tìm đến nghề mại dâm vì bị kỳ thị, không thể xin được việc làm, bị bạo hành tình dục...

Những mong muốn của cộng đồng về luật chuyển đổi giới tính:

- Bảo vệ quyền của người chuyển giới: được thay đổi thông tin trên giấy tờ pháp lý, được hỗ trợ trong các vấn đề y tế, bảo hộ của pháp luật trước những sự kỳ thị, phân biệt đối xử về bản dạng giới, bảo hộ các quyền và nghĩa vụ công dân trước, trong và sau quá trình chuyển đổi giới tính.

- Có văn bản cụ thể về những trường hợp nào và điều kiện để có thể thay đổi giới tính trên giấy tờ mà không/ít gặp khó khăn hoặc bị làm khó dễ ở các cơ sở tư pháp nhà nước.

- Được công nhận là người chuyển giới mà không cần phải trải qua phẫu thuật chuyển đổi giới tính.

Tâm sự về cuộc đời của một người chuyển giới
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang