(CAO) Việc dùng tăm tre xỉa răng là thói quen của rất nhiều người, tưởng chừng như một việc hết sức đơn giản và bình thường, nhưng đôi khi tiềm ẩn mối hiểm họa vô cùng nguy hiểm, nếu người dùng không cẩn thận.
Nhiều trường hợp rách họng, thủng tá tràng
Sau khi ăn tô bánh canh ở một tiệm gần nhà xong, người phụ nữ 54 tuổi (ngụ Tây Ninh) thấy bụng đau nhói, nhập viện khám mới tá hỏa có cây tăm tre dài gần 7cm nằm gọn trong dạ dày mà không hề hay biết.
Chị C.T.N. chia sẻ, vì có tiền sử bệnh viêm dạ dày nên chị nghĩ đau bụng do bệnh tái phát, nhưng bụng ngày càng đau bất thường nên sau đó chị đi khám tại cơ sở y tế địa phương, uống thuốc giảm đau. Đến hôm sau, chị lại tiếp tục bị đau bụng, cơn đau diễn biến từ âm ỉ đến dữ dội khiến chị không thể chịu nổi. Lúc này, chị được người nhà đưa đến bệnh viện ở TP.HCM để kiểm tra.
Sau khám lâm sàng, thấy bệnh nhân có biểu hiện đau nhiều vùng thượng vị ở bụng, nghi ngờ bệnh nhân nuốt dị vật, bác sĩ chỉ định nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng.
Tăm
xỉa răng nằm gọn trong dạ dày bệnh nhân
Trong quá trình nội soi, thấy có dị vật là tăm tre 2 đầu nhọn, dài gần 7cm, cắm vào vùng hang vị của dạ dày. Ngay lập tức, các bác sĩ nội soi nhanh chóng dùng dụng cụ chuyên dụng để gắp dị vật ra.
Tương tự, mới đây Trung tâm nội soi Bệnh viện Đa Khoa Xuyên Á TP.HCM cũng vừa thực hiện nội soi cấp cứu gắp dị vật là một cây tăm tre cho cụ bà 71 tuổi.
Cụ được người nhà đưa đi cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội kèm sốt cao, mệt mỏi. Qua khai thác bệnh sử và kết quả kiểm tra lâm sàng, các bác sĩ phát hiện trong bụng bệnh nhân có dị vật mảnh và nhọn, nếu không được gắp ra kịp thời sẽ có nguy cơ dẫn đến thủng dạ dày và ruột non.
Các bác sĩ nhanh chóng tiến hành nội soi cấp cứu cho bệnh nhân, gắp thành công dị vật là một cây tăm tre.
Một trường hợp khác, một bệnh nhân 52 tuổi (ngụ Hóc Môn, TP.HCM) bị thủng tá tràng vì vừa ngậm tăm vừa uống nước.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bụng đau dữ dội. Qua thăm khám và chẩn đoán hình ảnh cho thấy, dị vật đã làm thủng tá tràng của bệnh nhân. Các bác sĩ đã tiến hành nội soi gắp ra cây tăm xỉa răng nhọn cho bệnh nhân.
Tai nạn này không chỉ xảy ra với người lớn mà đặc biệt nguy hiểm với trẻ em. Cách đây không lâu, tại BV Nhi Đồng 2 TP.HCM cũng tiếp nhận xử trí cho một bé trai vị tăm tre làm thủng ruột. Bé nhập viện trong tình trạng đau bụng, nghi viêm ruột thừa, nhưng khi thám sát thì phát hiện bé bị thủng ruột vùng hồi tràng do một cây tăm.
Thói quen ngậm tăm cần được loại bỏ
Người Việt mình hay có thói quen ngậm tăm sau khi dùng bữa, vì thói quen đó được đa số trong cộng đồng chấp nhận và "thực hành". Rất nhiều người còn có thói quen vừa ngậm tăm vừa lái xe, lau dọn nhà cửa, làm việc…
Nên bỏ thói quen ngậm tăm sau khi ăn, nhất là sau khi nhậu, có hơi men và khi đi ngủ. Ảnh minh họa
Đặc biệt, có người còn ngậm tăm trong miệng rồi ngủ quên, điều này rất nguy hiểm vì chỉ cần ho hoặc hít thở mạnh thì chiếc tăm có thể rơi vào họng và trở thành dị vật đường thở, nhiều trường hợp dị vật đường thở có thể đe dọa đến tính mạng.
Tại BV Mắt TP.HCM từng tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhi 6 tuổi bị tăm xỉa răng găm thẳng vào mắt phải. Trước đó, bé chơi súng nhựa và gắn tăm xỉa răng làm “đầu đạn”. Tai nạn khiến giác mạc mắt của bé bị rách và xuất hiện cườm nước. Các bác sĩ đã phải khâu lại giác mạc cho bệnh nhi.
Qua các trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo quý bà con tuyệt đối bỏ thói quen ngậm tăm sau khi ăn, nhất là sau khi “nhậu”, có hơi men và khi đi ngủ. Các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý không cho bé ngậm tăm, chơi tăm tránh gây hại cho bản thân và người khác.
Nếu không may bị hóc hoặc khi có hiện tượng ho, khó thở sau hóc, sặc dị vật trong họng người bệnh không được tự ý dùng tay móc ra để tránh lại đẩy dị vật vào sâu hơn. Không sử dụng các phương pháp chữa mẹo theo dân gian như nuốt cơm, uống nước nhiều cho dị vật trôi xuống. Tốt nhất nên đến bệnh viện, vào khoa cấp cứu để được bác sĩ kiểm tra và lấy dị vật ra, tránh nguy hiểm đến tính mạng.
(CAO) Di vật phát hiện phổ biến là các chất xơ từ quần áo, giấy vệ sinh, đồ chơi, kim băng, kẹp tóc, bút chì, lọ mứt nhỏ, vài các mẩu giấy vệ sinh. Trẻ chèn dị vật vào âm đạo chủ yếu vì tò mò, nghịch. Ngoài ra, sự hiện diện của dị vật âm đạo có thể là một dấu hiệu của lạm dụng tình dục.