Nhiều tiện ích trong khám chữa bệnh
Trong quá trình thực hiện Đề án 06, Công an TPHCM (CATP) đã làm tốt vai trò tham mưu Ban chỉ đạo triển khai những nội dung về ứng dụng Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư trên địa bàn TPHCM một cách nhanh nhất. Tính đến nay, các sở, ngành, địa phương từ cấp huyện đến xã trên toàn thành phố đã hoàn thành việc ban hành quyết định thành lập và quy chế hoạt động của Tổ công tác thực hiện Đề án 06, đã triển khai 25 dịch vụ công (DVC) thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) trên môi trường điện tử; đồng thời chuẩn bị cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để phục vụ kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL quốc gia về dân cư với CSDL chuyên ngành phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến.
Một trong những bước đột phá của Đề án 06 là thực hiện KCB BHYT bằng việc sử dụng CCCD gắn chíp. Cụ thể, ngày 28-02-2022 Bộ Y tế (YT) có Công văn 931/BYT-BH về hướng dẫn triển khai thí điểm KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp. Theo đó, thời gian vừa qua, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an (CA) thực hiện từng bước đồng bộ dữ liệu quốc gia (DLQG) về bảo hiểm với DLQG về dân cư, xây dựng các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo việc tra cứu thông tin về BHYT qua thẻ CCCD gắn chíp. Nhiều người dân đã được tích hợp thông tin BHYT trong dữ liệu về CCCD.
Công an TPHCM đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 06
Bộ YT cũng đã hướng dẫn triển khai tiếp đón, tổ chức KCB cho trường hợp có CCCD gắn chíp tích hợp mã thẻ BHYT hoặc qua ứng dụng VNEID, trong đó cần lưu ý một số nội dung: Cơ sở KCB thông báo công khai cho người bệnh biết và triển khai tiếp đón bệnh nhân (BN) khi KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNEID (chỉ áp dụng đối với công dân đã đăng ký thành công tài khoản định danh điện tử do Bộ CA cung cấp). Đối với người bệnh đã được cấp CCCD gắn chíp, trường hợp khi kiểm tra CCCD (quét mã QR code) hoặc qua ứng dụng VNEID thấy có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT thì cơ sở KCB thực hiện kiểm tra, đối chiếu thông tin về BHYT và tiếp đón theo quy trình KCB BHYT hiện hành, đồng thời thông tin cho BN biết để KCB BHYT kể từ lần sau bằng CCCD gắn chíp hoặc ứng dụng VNEID.
Trường hợp khi kiểm tra nhưng không có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT, lúc này nhân viên YT sẽ giải thích để người bệnh biết tình trạng của thẻ BHYT trên CCCD chưa thể thực hiện được, chuyển sang tiếp đón BN theo quy trình KCB BHYT hiện hành (xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh).
Những dịch vụ công sử dụng căn cước công dân
Ngoài KCB BHYT như trên, CCCD còn được sử dụng vào những tiện ích của hàng loạt DVC mà người dân quan tâm để thực hiện một cách đơn giản, tiện ích, dễ dàng. Cụ thể về thực hiện 25 DVC thiết yếu theo Đề án 06 đó là sử dụng DVC trực tuyến, đây là bước tiến mới trong cải cách hành chính, giúp người dân, DN có thể giải quyết thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi, không phải đi lại nhiều lần, tránh phải xếp hàng, tiết kiệm được thời gian, công sức, giúp cắt giảm chi phí đi lại, tránh được sự nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà của một bộ phận cán bộ, công chức, đồng thời có thể theo dõi, giám sát tình trạng giải quyết hồ sơ của mình, tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính.
25 DVC thiết yếu được xem là bước đột phá trong thực hiện Đề án 06 gồm: xác nhận số CMND khi đã được cấp thẻ CCCD; cấp lại, đổi thẻ CCCD; ĐK thường trú; ĐK tạm trú; khai báo tạm vắng; thông báo lưu trú; ĐK, cấp biển số môtô, xe máy; thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình (phạt nguội); ĐK khai sinh; ĐK khai tử; ĐK kết hôn; cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông; thủ tục làm con dấu mới và cấp giấy chứng nhận (GCN) đã đăng ký mẫu dấu; thủ tục làm con dấu thu nhỏ, dấu nổi, dấu xi và cấp GCN đã đăng ký mẫu con dấu; liên thông ĐK khai sinh, ĐK thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; liên thông ĐK khai tử - xóa ĐK thường trú - trợ cấp mai táng phí; tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình; ĐK thuế lần đầu, ĐK thay đổi thông tin ĐK thuế đối với người nộp thuế là hộ gia đình, cá nhân; ĐK biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp GCN; cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe; ĐK dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng; cấp phiếu lý lịch tư pháp; giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp; cấp điện mới từ lưới điện hạ áp và thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện.
Điều kiện để thực hiện dịch vụ công trực tuyến
Điều đầu tiên, công dân (CD) phải được cấp số định danh cá nhân, sau đó có thuê bao điện thoại di động chính chủ, tài khoản (TK) ngân hàng (không bắt buộc) và sử dụng máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối Internet.
Trong trường hợp đối với CD dưới 14 tuổi thì cấp định danh điện tử (ĐDĐT) theo cha, mẹ hoặc người giám hộ. Trong năm 2022, CATP tập trung các giải pháp thực hiện có hiệu quả 25 DVC thiết yếu trên, hiện CATP đã ban hành kế hoạch tiếp tục cấp CCCD gắn chíp điện tử cho toàn bộ CD trên địa bàn, kết hợp tổ chức cấp tài khoản ĐDĐT cho người dân để thực hiện các thủ tục DVC trực tuyến. Do vậy, đề nghị người dân và DN tích cực tham gia làm CCCD gắn chíp điện tử, TK ĐDĐT (trên ứng dụng VNEID) để giao dịch, nhằm mang lại lợi ích cho CD, DN và thúc đẩy phát triển Chính phủ số, xã hội số, CD số.
Công an TPHCM cũng đề nghị CD khẩn trương liên hệ với cơ quan CA để được cấp TK ĐDĐT. Công an quận huyện, TP.Thủ Đức (TPHCM) tạo mọi điều kiện tốt nhất, nhanh nhất, đã và đang tổ chức cấp TK ĐDĐT cho CD, kết hợp cấp CCCD gắn chíp tại trụ sở CA quận huyện, TP.Thủ Đức. Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho CD, CATP đã triển khai cấp ĐDĐT cho CD tại CA phường, xã, thị trấn.
Ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) có những tính năng nào?
Theo CATP, có rất nhiều tính năng sẽ được Bộ CA cung cấp đến người dân thông qua ứng dụng ĐDĐT quốc gia. Nổi lên trong đó là: CD khi thực hiện các DVC (đã được tích hợp trên ứng dụng ĐDĐT quốc gia) sẽ tự điền thông tin vào các biểu mẫu (form) đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin nhiều lần giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai, giảm nhiều khâu thủ tục cần giải quyết. Công dân có thể cung cấp, chia sẻ thông tin của mình với bên thứ ba thông qua quét mã QR code hoặc giải pháp kỹ thuật khác, khi hệ thống của bên thứ ba đủ điều kiện kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử. Công dân có thể thay thế các loại giấy tờ mà mình ĐK tích hợp hiển thị trên ứng dụng ĐDĐT quốc gia như: giấy phép lái xe, ĐK xe, BHYT... và có thể thực hiện các giao dịch tài chính (thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng BHXH, BHYT, chuyển tiền...). Tất cả quy trình thực hiện giao dịch, CD có thể chủ động kiểm soát hoàn toàn và sẽ được bảo mật thông tin, tránh bị giả mạo, giúp giao dịch an toàn hơn.
Bộ Công an đã cấp trên 67 triệu căn cước công dân gắn chíp
Sáng 11-7, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình trạng chậm trả căn cước công dân (CCCD) gắn chíp cho người dân vẫn còn ở một số nơi, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ - Thứ trưởng Bộ Công an (CA) - cho biết, đến ngày 10-7 bộ đã cấp được trên 67 triệu CCCD gắn chíp.
Trước đó, tại phiên họp lần thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân hết sức quan tâm về tình trạng chậm trả CCCD gắn chíp cho người dân vẫn còn ở một số nơi. Vì vậy, Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ, Thủ tướng quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cấp phát, trả CCCD sau khi công dân đã thực hiện thủ tục cấp thẻ.
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ phát biểu tại phiên họp thứ 13 Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Về nguyên nhân, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ cho biết, đầu tiên là nhiều người dân đến đăng ký sai địa chỉ, số điện thoại nên khi thay đổi địa điểm thường trú, khớp nối thông tin bị chệch choạc, lỗi này có nhiều nguyên nhân từ công an và cả phía người khai báo. Theo Thứ trưởng, người dân có trách nhiệm khai báo thông tin, hồ sơ, nhưng dữ liệu không bảo đảm "đúng, đủ, sạch" nên không nhập được vào hệ thống điện tử, vì vậy lực lượng CA đang chỉnh lại và đây cũng là nguyên nhân khách quan. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân hồ sơ một số cơ quan các địa phương khi nhập dữ liệu chính xác không cao nên việc phân loại gặp khó khăn. Để khắc phục vấn đề trên, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ cho biết, bộ đã yêu cầu CA các địa phương tăng cường công tác nghiệp vụ, quy trình trình tự thủ tục; nâng cao hiệu quả công tác về giải quyết và tiếp nhận hồ sơ; tiếp tục thông báo đến các đơn vị, cá nhân có sai sót để đến cơ quan CA hướng dẫn thêm.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ, về quản lý, xử lý tin xấu, độc trên không gian mạng, trách nhiệm quản lý nhà nước là của Bộ Thông tin - Truyền thông, tuy nhiên Bộ CA cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt nội dung này.
"Chúng tôi có đề án chuyên đề về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; đồng thời chúng tôi có kế hoạch chuyên đề về an ninh mạng, kết quả rất tốt", Thượng tướng Trần Quốc Tỏ thông tin.
T.My