Mẹ làm việc nhà, bé 10 tháng tuổi té cắm đầu vào xô nước suýt chết

Thứ Bảy, 07/11/2015 06:58  | Ngô Đồng

|

(CAO) Mẹ vừa xuống bếp làm việc nhà, khoảng 10 phút sau quay lại không thấy con đâu. Hốt hoảng đi tìm thì phát hiện con cắm đầu trong xô nước trong nhà tắm.

Sáng 6-11, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, Khoa vừa tiếp nhận điều trị cho một trẻ bị ngạt nước, hôn mê sâu.

Bé H.Đ.H.P (10 tháng tuổi, ngụ tại Phú Nhuận, TP.HCM). Nhập viện trong tình trạng tím tái, chân tay co gồng, hôn mê.

Bé P. đang được theo dõi điều trị tích cực tại Nhi Đồng 1

Ngay sau đó, các bác sĩ tiến hành xử trí đường thở, hút đàm khí quản, chống co giật và cho bé thở máy.

Theo lời của người nhà cho biết, trong lúc bé đang chơi, mẹ bé vào bếp làm việc nhà. Vì cứ nghĩ con chưa biết đi nên không thể di chuyển xa, không ngờ 10 phút sau quay lại thì không thấy con đâu.

Hốt hoảng đi tìm thì phát hiện bé đã cắm đầu trong xô nước trong nhà tắm, chân chổng lên trời.

Cũng theo lời người nhà, xô nước có nước chừng 0,5m.

Hốt hoảng nghĩ con uống nước nên thay vì ấn ngực giúp kích thích tim, người mẹ lại ấn bụng. Mãi đến khi hàng xóm đến giúp bé mới được đưa đi cấp cứu. Đây là nguyên nhân khiến bé ngạt nặng hơn. Ước tính tổng thời gian ngạt nước khoảng 10 phút.

"Đây là trường hợp hy hữu bởi thông thường chỉ cần chìm trong nước 5 phút là có thể tử vong", bác sĩ Tiến nói.

Đến trưa 6-11, sức khỏe của bé ổn định, bệnh nhi có thể bú, biết khóc, biết đòi mẹ. Tuy nhiên theo bác sĩ Tiến, bé cần phải được theo dõi những di chứng ở não có thể xảy ra do tình trạng ngạt quá lâu.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cho biết, bệnh viện vẫn thường xuyên tiếp nhận và xử trí cho nhiều trường hợp trẻ bị ngạt nước. Đa phần trẻ bị ngạt do té vào xô, té bồn cầu, hòn non bộ. Riêng các trẻ ở miền quê thì té sông, té ao. Đáng lưu ý, có trường hợp trẻ bị ngạt do té xuống các hố công trình.

Qua các trường hợp trên, bác sĩ Minh Tiến khuyến cáo quí phụ huynh thật cẩn trọng khi trông chừng trẻ, không nên lơ là, chủ quan

Qua các trường hợp trên, bác sĩ Minh Tiến khuyến cáo quí phụ huynh thật cẩn trọng khi trông chừng trẻ, không nên lơ là, chủ quan.

Trẻ bị ngạt nước có thể dẫn đến thiếu oxy lên não và dẫn đến tử vong. Nhiều trường hợp để lại di chứng về sau ảnh hưởng đến khả năng vận động, lời nói, trí thông minh của trẻ.

Khi phát hiện trẻ bị ngạt nước, người nhà nên biết cách sơ cứu đúng cách: Làm ấm trẻ bằng cách hà hơi, ấn ngực, ấn tim.

Tuyệt đối không nên ấn bụng, vì có thể làm dịch trong dạ dày tràn ra ngoài, lên phổi, gây viêm phổi, gây khó khăn trong điều trị. Đặc biệt, không nên sốc nước, lăn lu đốt lửa (một số người dân đồng bằng sông Cửu Long vẫn áp dụng cách này) làm cho trẻ bị phỏng, khó khăn trong điều trị.

Bình luận (0)

Lên đầu trang