Chữa bệnh qua mạng xã hội, hậu quả khôn lường

Thứ Năm, 05/11/2015 12:48  | Kiều Nhi

|

(CAO) Vì ngán ngẩm với cảnh quá tải tại các bệnh viện, khổ ải với nạn chực chờ mất thời gian mà nhiều người click bàn phím mỗi ngày để trị bệnh cho bản thân và thành viên trong gia đình.

Tìm “bác sĩ google”, cái gì cũng có nhưng cách chữa trị trên mạng rất quái chiêu. Có người đã rước họa vào thân vì chủ quan.

Những cách chữa bệnh quái chiêu

Lướt web mỗi ngày, anh Nguyễn Thanh Tùng (40 tuổi, ngụ Q.9, TP.HCM) đọc thấy bài thuốc dân gian từ một trang mạng nọ. Bài thuốc này khuyên rằng, khi khuôn mặt xuất hiện các vết tàn nhang hoặc nốt ruồi làm giảm đi sự tự tin của quý ông, không nên đến bệnh viện mà chỉ cần dùng tỏi hoặc gừng giã nát rồi bôi lên đó.

Anh Tùng hí hoáy làm theo bằng cách dùng tỏi bôi lên nốt ruồi rồi lấy băng keo cá nhân dán qua mũi.

Sáng hôm sau, anh Tùng tá hỏa khi lớp da xung quanh cánh mũi cao của anh bị hoại tử, từng lớp da bị bong tróc nham nhở.

Chưa thấy nốt ruồi bị mờ đi như lời rao trên mạng mà cánh mũi bị biến dạng. Vẻ đẹp trai chưa thấy đâu mà thấy da mặt xấu đi dữ dội.

Vết thương vì dùng tỏi của anh Tùng

Tương tự anh Tùng là trường hợp anh Nguyễn Văn Mỹ (50 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM). Vì bị tiểu đường type 2 nên khi chân của anh vô tình “đụng” phải bàn ghế thì vết thương trên da rất khó lành.

Tham khảo trên mạng, một “bác sĩ internet” bày rằng khi da làm da non thì cứ… phá ra để khỏi nhiễm trùng, đừng để da khô lại. Bận bịu với công việc tối ngày nên anh Mỹ lười đi bệnh viện mà làm theo cách trên google.

Lời rao “nổ như bom” trên facebook

Vết thương ngoài da của anh sưng tấy và không thấy lạnh. Hốt hoảng, anh tìm đến bệnh viện da liễu TP.HCM.

Tại đây, một bác sĩ cho biết, vết thương ngoài da của anh từng phục hồi nhờ “bong bóng nước” là lớp da non bao quanh vết thương. Phía bên trong lớp da này cũng có một lớp “bong bóng nước” để chống nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, do cách trị bệnh ẩu tả, thiếu căn cứ trên mạng mà làm anh Mỹ phải hao tiền, mất sức.

Rước bệnh vì thiếu hiểu biết

Không chỉ có cánh mày râu mà nhiều bà mẹ cũng thiếu hiểu biết khi xem cách trị bệnh trên mạng.

Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (25 tuổi, ngụ Q. Bình Thạnh, TP.HCM) có con sơ sinh hay khóc đêm. Không biết tin vào trang mạng nào mà chị không đeo đôi bao tay cho con vì sợ máu không lưu thông, dẫn đến thiếu canxi nên em bé thiếu tháng của chị mới quấy khóc.

Vì suốt ngày nằm máy lạnh, nhiệt độ thấp mà lại không trang bị đôi bao tay ấm nên con chị Mỹ bị viêm phổi. Đưa con đến bệnh viện thăm khám, chị Tuyết rất hối hận về việc làm của mình.

Đưa trẻ đi khám tại bệnh viện Nhi Đồng 2 (Q1)

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài các trang mạng thông thường, trên facebook hiện xuất hiện đầy rẫy các kiểu bán thuốc trị bệnh từ tây y cho đến đông y.

Một số đối tượng đã len lỏi vào trang mạng cá nhân để rao bán thuốc xịt với lời rao có cánh như: “Đảm bảo trị đứt bệnh viêm xoang”, “đầy lùi bệnh viêm mũi dị ứng”… Đây vốn là những căn bệnh quái ác mà nhiều người dân tại các đô thị lớn đang mắc phải. Giá mỗi lọ là 200 nghìn đồng, có trụ sở cửa hàng tận Hà Nội. Những lời rao sặc mùi thương mại này rất cần ngành y tế vào cuộc kiểm tra vì có địa chỉ rõ ràng.

Lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hội Dược liệu TP.HCM khuyến cáo, mọi người không nên tự ý chữa bệnh qua mạng vì lợi bất, cập hại. Bệnh nhân nên đến các bệnh viện hoặc cơ sở y tế để được thăm khám, tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc bày bán trên mạng.

Bác sĩ Trương Thế Dũng, Trưởng đoàn từ thiện Niềm Tin, Q. Tân Bình thì chia sẻ, hiện có quá nhiều trang mạng đưa thông tin chữa trị về sức khỏe không chính xác. Người bệnh nên được bác sĩ tham vấn trực tiếp, tránh dùng thuốc không rõ nguồn gốc để rồi tiền mất tật mang. Thông tin trên mạng chỉ là tham khảo, người đọc nên đọc những trang mạng của Bộ Y tế, Sở Y tế…

Bình luận (0)

Lên đầu trang