Cứu sống nhiều trẻ sơ sinh có nội tạng nằm nhầm chỗ

Thứ Ba, 22/05/2018 07:38  | Ngô Đồng

|

(CAO) Các bé được sinh ra trong tình trạng các cơ quan trong ổ bụng như dạ dày, ruột, lách…đi lên lồng ngực qua một lỗ khiếm khuyết của cơ hoành, dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng là thiểu sản phổi và tăng áp động mạch phổi.

Trong chương trình hợp tác tiền sản giữa BV Từ Dũ và BV Nhi Đồng TP.HCM, trong 3 tháng qua, các bác sĩ đã chẩn đoán, tư vấn trước sinh cũng như chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận, hồi sức và can thiệp kịp thời ngay sau sinh, cứu sống hơn 10 trường hợp thoát vị hoành.

Đặc biệt, trong số này có các bé sinh cực con, cực nhẹ cân 1.100 gram, 1.300 gram cũng được hồi sức và phẫu thuật thành công.

Như trường hợp trẻ sơ sinh chỉ nặng 1,1kg, bé khiếm khuyết gần 3/4 cơ hoành với lách, dạ dày, toàn bộ thùy trái gan và gần như toàn bộ ruột của bé nằm trong lồng ngực. Sau khi hội chẩn, bé được tiến hành phẫu thuật sửa chữa cơ hoành, ca mổ rất khó khăn, bởi bệnh nhi quá nhẹ cân vì sinh non tháng.

Do tình trạng ruột chui lên lồng ngực chèn ép phổi nên bé còn bị thiểu sản phổi (tình trạng kém phát triển của các phế nang, đường khí, và các mạch máu trong phổi). Trải qua ca phẫu thuật kéo dài nhiều giờ, ê kíp bác sĩ BV Nhi đồng TP đã xử trí thành công cho bé.

Một trường hợp trẻ sơ sinh nhẹ cân bị thoát vị hoành được xử trí thành công

Thoát vị hoành là một bệnh lý bẩm sinh, khi quá trình hình thành cơ hoành không được hoàn thiện sẽ tạo thành khe hở khiến cho lồng ngực và ổ bụng không được ngăn cách hoàn toàn, các tạng trong ổ bụng như dạ dày, ruột, lách, gan có thể đi lên lồng ngực qua khe hở của cơ hoành gây ra bệnh thoát vị hoành.

Theo Ths. BS Tạ Huy Cần, Khoa ngoại tổng hợp BV Nhi Đồng TP.HCM, tỉ lệ tử vong của các trường hợp thoát vị hoành còn cao ngay cả ở các nước phát triển.

Bệnh có thể chẩn đoán tiền sản bằng siêu âm hay MRI. Để có tiên lượng tốt nhất cho bé, cần có sự phối hợp thật chặt chẽ giữa các chuyên gia Sản khoa, Hồi sức sơ sinh và Gây mê và Phẫu thuật nhi nhằm có sự can thiệp kịp thời ngay sau khi bé vừa chào đời.

Đối với các trường hợp trẻ có cân nặng trên 2.500 gram và không kèm theo các dị tật nặng, phẫu thuật nội soi được chọn lựa với những ưu điểm như: giảm đau, giảm sang chấn, phục hồi nhanh, thẩm mỹ cũng như giảm biến chứng liên quan đến mổ mở như dính ruột, vẹo cột sống… Tuy nhiên đây là một kỹ thuật rất khó, đòi hỏi phải phối hợp nhịp nhàng trong lúc mổ giữa sự chuyên nghiệp của Bác sĩ gây mê, sự khéo léo của Phẫu thuật viên cũng như cần các trang thiết bị hiện đại.

"Trong tháng vừa qua, chúng tôi có 4 trường hợp thoát vị hoành đã được phẫu thuật nội soi thành công với thời gian phẫu thuật kéo dài khoảng gần 60 phút, 3 vết mổ đường kính 3 – 5mm. Sau mổ, vấn đề hô hấp cải thiện rõ rệt, trẻ có thể sớm được ngưng thở máy, tập ăn sữa và xuất viện sớm hơn.

Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của phẫu thuật nội soi để có thể can thiệp cho các trẻ nhẹ cân hơn, có các bệnh lý đi kèm phức tạp hơn", BS Cần cho hay.

Thoát vị hoành với dạ dày, ruột, gan, lách chui lên lồng ngực gây chèn ép, thiểu sản phổi

Mang thai và sinh ra những đứa con khỏe mạnh là niềm hạnh phúc của người phụ nữ. Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng có được hạnh phúc đó.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi mang thai các bà mẹ nên thăm khám thường xuyên để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường của thai nhi. Khi trẻ được sinh ra, nếu thấy trẻ bất thường về hô hấp và nhịp thở cần đưa tới cơ sở y tế khám và điều tra.

Bé sơ sinh có ruột, dạ dày 'nhầm chỗ' chui lên lồng ngực
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang