TẦM QUAN TRỌNG CỦA SỮA HỌC ĐƯỜNG
Trước đây, ngay sau khi kết thúc chiến tranh, đất nước Nhật Bản đứng trước muôn vàn khó khăn. Nhưng với tầm nhìn xa về nguồn lực cho đất nước, họ đã sớm ban hành luật về sữa học đường. Chỉ sau mấy chục năm đã không còn hình ảnh người Nhật thấp bé. Hiện chiều cao trung bình của nam thanh niên Nhật Bản đạt mức 171,5cm.
Nhiều nước khác trên thế giới cũng đều có chương trình sữa học đường cho lứa tuổi “vàng” này, trong đó có Thái Lan. Khi vua Rama IX của Thái Lan băng hà, trẻ em nước này vẽ chân dung của ông để tri ân vì ông đã đưa chương trình sữa học đường và chọn sữa tươi trang trại để thực hiện chương trình này.
Qua nghiên cứu, tại những quốc gia đã và đang thực hiện chương trình sữa học đường, đều chọn sữa tươi. Có nước sử dụng sữa tươi bổ sung thêm vi chất, có nước không cần bổ sung thêm bất kỳ chất gì. Tại các nước tiên tiến trên thế giới, sữa cho người tiêu dùng có đến 97% là sữa tươi thanh trùng hoặc tiệt trùng, sữa bột chỉ dùng 3% để làm sữa công thức (chủ yếu cho trẻ nhũ nhi và người già).
Trong khi đó, từ năm 1993 đến nay, trung bình chiều cao của người dân nước ta chỉ tăng 3cm. Chiều cao nam thanh niên chỉ đạt 163,7cm, thấp hơn 13,1cm so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Chiều cao trung bình của phụ nữ 153cm, thấp hơn 10,7cm so với chuẩn của WHO.
Sức khỏe cộng đồng, nhất là trẻ em luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Năm 2011, Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030 (Đề án 641) được ban hành. Đến năm 2016, của Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1340/QĐ-TTg về Chương trình sữa học đường quốc gia. Sau đó, Bộ Y tế ra Quyết định số 5450/QĐ-BYT quy định tiêu chuẩn cơ bản cho ly sữa học đường.
Học sinh tỉnh Nghệ An uống sữa học đường
NHỮNG KHÂU CẦN CẢI TIẾN
Chương trình đầy tính nhân văn như thế, nhưng khi triển khai thì có sự bàn tán, hoài nghi xen lẫn lo lắng của một số người dân? Theo tôi, trước hết là do họ lo lắng về chất lượng sữa học đường. Mặt khác, cần có sự minh bạch các tiêu chí về chất lượng sản phẩm ly sữa học đường lẫn việc lựa chọn nhà cung cấp.
Việc đấu thầu hay chỉ định nhà cung cấp tùy thuộc vào từng địa phương, vấn đề cốt yếu là nhà cung cấp được chọn có năng lực để cung cấp ly sữa học đường như pháp luật đã quy định không? Hay lại làm “sân sau” cho “nhóm lợi ích” trục lợi, mà lại ngụy biện là vì lợi ích cho trẻ em từ kinh phí ngân sách quý báu?
Chương trình sữa học đường là cuộc cách mạng về dinh dưỡng học đường, khi triển khai cần tổ chức tuyên truyền để toàn xã hội hiểu rõ và đồng thuận. Chương trình sữa học đường cần 2 nguồn lực chính. Trước hết là nguồn lực về dòng sữa tươi, điểm mấu chốt của chương trình.
Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa công bố, nước ta sản xuất được hơn 960 triệu lít sữa tươi/năm, từ các trang trại và hộ nông dân. Nếu chương trình sữa học đường được triển khai trên toàn quốc, hơn 12 triệu trẻ em tham gia 100%, mỗi ngày 1 ly sữa 180ml, 5 ngày trong tuần thì 9 tháng học (theo Đề án sữa học đường) chỉ cần khoảng 400 triệu lít.
Như vậy, nguồn lực về sữa tươi của nước ta không thiếu. Nhưng để có những ly sữa tươi bảo đảm các chỉ số tiêu chuẩn và được tham gia vào chương trình sữa học đường, nông dân chăn nuôi bò sữa nhỏ lẻ cần được hướng dẫn về vấn đề an toàn thực phẩm, như: thức ăn, quy trình vắt sữa, quy trình thú y…
Khi đó, ly sữa của các hộ nông dân sẽ trở thành một mắt xích (như một nhà thầu phụ) cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp có năng lực về trang trại, tổ chức, phân phối (nhà cung cấp sữa học đường). Chính những nhà cung cấp này phải hướng dẫn cụ thể quy trình tiêu chuẩn chất lượng cho nông dân.
Đối với nguồn lực về tài chính, trong quá trình khởi động Chương trình sữa học đường quốc gia, qua khảo sát, có 90% người mẹ đang bỏ tiền cho con mình uống sữa hàng ngày, trong 10% còn lại thì có 4 - 5% đáp ứng được một nửa, 5 - 6% không có khả năng. Đặc biệt, Nghệ An là một tỉnh nghèo, nhưng đã triển khai chương trình sữa học đường rất tốt.
Để Chương trình sữa học đường của nước ta thành công trên cả nước, cần thành lập Ban chỉ đạo Đề án sữa học đường, có các thành viên chủ chốt như: Lãnh đạo tỉnh, thành, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Mặt trận Tổ quốc, hội phụ huynh… tham gia.
Khi dẫn dắt Tập đoàn TH với thương hiệu TH true MILK, thương hiệu sữa tươi sạch và các sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên, tôi luôn công khai bảo vệ sự minh bạch, rõ ràng đối với các quy chuẩn tiêu chuẩn cho các ly sữa tươi, nhằm mang lại giá trị sống đích thực cho bản thân, gia đình và xã hội.
Bà
Thái Hương - nhà sáng lập Tập đoàn TH, người khởi xướng, đồng hành cùng Chương trình sữa học đường Quốc gia
Ly sữa học đường làm từ sữa tươi có những lợi ích sau: bổ sung đầy đủ các axit amin, đặc biệt là axit amin thiết yếu cung cấp năng lượng, nuôi dưỡng cơ thể trẻ em để nâng cao thể chất. Không những thế, việc sử dụng sữa tươi sản xuất trong nước sẽ góp phần giảm nhập siêu (hàng năm, nước ta nhập khẩu hơn 1 tỷ USD sữa bột), khuyến khích sản xuất, chăn nuôi bò sữa hiệu quả, bền vững.
Tại sao nên dùng sữa tươi chứ không dùng sữa bột trong chương trình sữa học đường? Thật ra, sữa bột cũng được làm từ sữa tươi, sử dụng công nghệ sấy phun làm bay hơi nước, giữ lại các chất khô trong sữa tươi. Tuy nhiên, các vi chất không chịu được nhiệt như vitamin, acid amin sẽ bị biến chất hoặc phá hủy khi làm sữa bột.