Thức ăn nhanh vỉa hè: Tiện, nhưng chưa chắc đã lợi

Thứ Tư, 14/12/2022 18:35  | Hải Văn

|

(CATP) Với ưu điểm tiện lợi, giá rẻ, phong phú đa dạng, thức ăn nhanh được nhiều người kinh doanh buôn bán. Tuy nhiên, hầu hết các gánh hàng rong, xe đẩy, quán ăn ở vỉa hè hiện nay không đáp ứng các tiêu chuẩn của Bộ Y tế về vệ sinh an toàn thực phậm (VSATTP). Người kinh doanh vô tư bày bán thức ăn nhanh bên vỉa hè, lòng lề đường, cạnh hố ga, thùng rác, miệng cống, rãnh thoát nước... đầy khói xe và bụi bặm, không chỉ mất mỹ quan đô thị, gây ùn tắc giao thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc cao.

Không đảm bảo vệ sinh

Dạo quanh nhiều khu chợ "chồm hổm", trường học, khu công nghiệp (KCN), cổng bệnh viện, phóng viên ghi nhận có nhan nhản gánh hàng rong, xe đẩy bán đủ loại đồ ăn, thức uống đã làm sẵn.

Từ sáng sớm, trước cổng Công ty Pouyuen Việt Nam ở KCN Tân Tạo (Q.Bình Tân) có hàng trăm người bán bánh mì, xôi, cơm chiên, bún thịt nướng, hủ tiếu, bánh cuốn, cà phê, nước mía, sữa đậu nành... khá bát nháo. Có người để đồ ăn, thức uống trong tủ kiếng, có người dùng một vài tấm nylon trùm qua loa, nhưng cũng có rất nhiều người chẳng thèm che đậy. Người bán đựng thức ăn trong những chiếc mâm nhôm, thau nhựa, rổ rá... rồi bày bán tràn lan từ vỉa hè ra đến lòng lề đường. Bất chấp khói xe, bụi bặm, ruồi nhặng, mùi hôi thôi bốc lên nồng nặc, nhiều người còn để những tô mì, hộp cơm, hộp bún xào làm sẵn ngay cạnh chân mình đứng, bên dưới là nền đất cáu bẩn đầy rác rưởi. Thậm chí nhiều người vô tư ngồi bệt trên miệng hố ga, đống rác, miệng cống rồi múc đồ ăn, thức uống bán cho khách.

Do thức ăn vỉa hè có giá rẻ nên nhiều người, nhất là công nhân thi nhau mua. Chị Danh Thị Hà (quê Sóc Trăng) cho biết: "Làm công nhân tiền lương bèo bọt, giờ giấc hạn chế, vào những quán sá để ăn uống thì giá cả đắt đỏ nên tụi em thường mua đồ ăn sẵn dọc đường, vừa rẻ, vừa no mà nhanh, gọn lẹ. Nhìn vào ai cũng biết mất vệ sinh nhưng đành nhắm mắt mà nuốt".

Thức ăn nhanh được bày bán tràn lan trên vỉa hè, nhưng vấn đề ATVSTP thuộc dạng "hên xui"

Tại khu vực xung quanh cổng Khu Chế xuất Linh Trung 1, Linh Trung 2, KCN Bình Chiểu (TP.Thủ Đức) cũng có hàng trăm người bán thức ăn nhanh. Nhiều người đựng thức ăn trong những chiếc rổ, thau chậu qua loa rồi kê trên những chiếc xe đẩy, bàn nhựa, kệ gỗ xập xệ, mặc cho khói bụi từ xe cộ, mùi hôi từ các hố ga, miệng cống bốc lên. Mỗi khi có xe cộ chạy qua, cả dãy thức ăn vỉa hè trần mình hứng "bão bụi". Ở những điểm buôn bán này, nhiều đồ ăn vừa mới làm, nhưng cũng có rất nhiều đồ ăn đã được nấu nướng tự bao giờ, có loại lạnh tanh, nguội ngắt vẫn được nhiều công nhân chọn mua. Các loại đồ ăn chế biến tại chỗ như xúc xích, cá viên, bột mì, trứng... được chiên trên chảo dầu đang chuyển sang màu nâu đen. Cạnh bên, bát đĩa chất thành đống lẫn lộn với rác thải, rau rác, thức ăn thừa... trông rất mất vệ sinh.

Xung quanh các bệnh viện, trường học, tình trạng buôn bán thức ăn nhanh cũng khá nhộn nhịp. Có mặt tại Trường tiểu học Đề Thám, Q11, chúng tôi gặp một phụ nữ tầm 60 đang loay hoay nấu bún riêu bán cho khách. Bà ta chất đủ loại nồi, niêu, xoong, chảo, bình ga, xô nhựa, muỗng, đũa, hộp xốp nằm lẫn với đồ ăn, thức uống, khăn giấy, bịch rác... lên một chiếc xe đẩy cà tàng, cáu bẩn. Dưới nền đất đầy bụi bặm là đống rau cải, vài ba cây giò chả nằm lẫn với can mắm tôm và nồi nước lèo. Mỗi khi có khách gọi món, bà liền múc mớ đồ ăn trên xe bỏ vào tô. Khi đông khách, để có tô múc bún, người bán liền nhúng những chiếc tô bẩn vào nước tráng sơ qua, sau đó dùng chiếc khăn đen thui lau qua loa, tiếp tục múc bún bán cho khách. Bỏ qua khâu VSATTP, nhiều vị khách vẫn xì xụp ngồi ăn.

Nhiều người bạ đâu ngồi ăn đó

Tại khu vực đối diện cổng chính Bệnh viện Chợ Rẫy, Q5, chủ của điểm bán cơm sườn cọng cho đặt một lò nướng đen thui nằm dưới chân trụ điện. Sau khi nướng xong, nhiều miếng thịt được đặt cạnh xô nước rửa chén. Trên vỉa hè, giấy lau, thức ăn thừa được vứt bừa bãi, tô chén ăn xong được chất thành chồng nằm cạnh đống than đá. Ngoài điểm bán cơm trên, trước cổng bệnh viện Chợ Rẫy còn có hàng chục gánh hàng rong, xe đẩy bán cơm, cháo, bún, hủ tiếu... không đảm bảo vệ sinh. Người bán đặt các khay, thau đồ ăn trên những chiếc xe đẩy mà không che đậy kỹ lưỡng, mặc cho nắng gió, khói xe, bụi bặm phả vào.

Tương tự, trước cổng Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM trên đường Hồng Bàng, nhiều điểm bán thức ăn nhanh cũng không đảm bảo vệ sinh. Nhiều người vô tư bày bán tràn lan bên vỉa hè. Một số người còn chiếm dụng nhà chờ xe buýt để kinh doanh, đồ ăn, thức uống không được che chắn an toàn.

Người bán đã vậy, không ít người mua thì bạ đâu ngồi ăn đó. Có người ngồi bên lề đường, bồn cây xanh, có người ngồi ngay nhà chờ xe buýt ăn uống ngon lành. Chị Nguyễn Thị Vui, người nhà một bệnh nhân ở Bệnh viện Đại học Y dược chia sẻ: "Vẫn biết thức ăn bên ngoài không đảm bảo vệ sinh, nhiều lúc ăn xong về bị đau bụng nhưng đành ăn đại cho xong, tới đâu hay tới đó”.

Một phụ nữ bán bún riêu trước Trường tiểu học Đề Thám không bảo đảm ATVSTP

Nguy cơ ngộ độc cao

Theo quy định của Bộ Y tế, người kinh doanh thức ăn phải bảo đảm 10 tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) gồm: đủ nước sạch, có dụng cụ gắp thức ăn chín, không để lẫn thức ăn chín và sống; nơi chế biến thực phẩm phải sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm như cống rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bày bán gia súc, gia cầm; người làm dịch vụ chế biến thức ăn phải được tập huấn kiến thức và khám sức khỏe định kỳ, nhân viên đeo tạp dề, khẩu trang, mũ khi bán hàng; không sử dụng phụ gia và màu thực phẩm; thức ăn phải được bày bán trên giá cao hơn 60cm, phải được bày bán trong tủ kính và bao gói hợp vệ sinh; có dụng cụ đựng chất thải... Quy định là vậy, nhưng hầu hết các gánh hàng rong, xe đẩy, quán ăn ở vỉa hè hiện nay không đáp ứng các tiêu chuẩn trên.

Thực tế cho thấy, hầu hết người bán hàng rong, xe đẩy, thức ăn nhanh vỉa hè đều kinh doanh tự phát và không qua lớp tập huấn về ATVSTP. Đa số họ dựa vào kinh nghiệp nấu nướng của mình rồi chế biến các món ăn bán cho khách. Chị Lê Thị Th. cho biết, mặc dù buôn bán đồ ăn nhanh đã được 2 năm, nhưng chị chưa từng tham gia một lớp tập huấn về VSATTP. Khi buôn bán, chị cũng chẳng thấy ai hỏi han gì về các loại giấy tờ, chứng chỉ, chứng nhận. Lâu lâu, chị chỉ bị trật tự đô thị "hốt" vì lấn chiếm lòng lề đường. Đối với người mua, một phần vì chủ quan, phần vì điều kiện thời gian, tiền bạc không cho phép, nhiều người bất chấp nguy cơ ngộ độc thực phẩm đang báo động trong cộng đồng vẫn vô tư ăn thức ăn đường phố, vô tình tạo điều kiện cho vô số điểm bán hàng rong, xe đẩy có "đất" để sống.

Vô tư bán thức ăn bên cạnh đống rác
Nhiều tô mì ăn liền được để ngay dưới chân rồi mang bán cho khách

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 10 tháng năm 2022, cả nước xảy ra 43 vụ ngộ độc thực phẩm, 581 người bị ngộ độc, trong đó có 11 người tử vong. Tính riêng trong tháng 8 năm 2022, cả nước đã xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm với 165 người bị ngộ độc (giảm 4 vụ ngộ độc và tăng 80 người bị ngộ độc so với tháng 7-2022). Một nghiên cứu mới đây cho thấy, tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng trong thức ăn đường phố có tỷ lệ nhiễm khuẩn E.coli từ 70% đến 90% với món nộm thập cẩm, nem chua, giò, nem chạo...

Ngành Y tế TPHCM cho biết, việc quản lý quán ăn đường phố rất khó khăn. Cơ quan chức năng đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP cho những cơ sở, quán ăn có địa chỉ rõ ràng, còn những gánh hàng rong, quán vỉa hè "di động" thì chưa thể kiểm soát được. Để đảm bảo sức khỏe cho mọi người, Cục An toàn Thực phẩm tiếp tục tập trung tuyên truyền và đề nghị các cơ quan quản lý và chuyên môn tăng cường thanh kiểm tra các cơ sở không có giấy phép về VSATTP. Bên cạnh đó, người tiêu dùng phải hết sức cẩn trọng khi mua thức ăn ở vỉa hè hoặc các quán xá không đảm bảo, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán đang cận kề.

Bình luận (0)

Lên đầu trang