TP.HCM lại xuất hiện chùm ca bệnh cúm A/H1N1 mới

Thứ Hai, 25/06/2018 10:26

|

(CAO) Sau chùm cúm A/H1N1 được ghi nhận ở Bệnh viện Từ Dũ đầu tháng 6, chùm ca bệnh cúm mới lại vừa được ghi nhận tại Bệnh viện Chợ Rẫy với hàng chục người mắc.

Theo đó, từ ngày 11-6 đến nay, BV Chợ Rẫy đang theo dõi, điều trị 24 ca có biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng phù hợp giống dịch cúm A/H1N1 như cảm, ho, sốt.

Trong 17 ca được xét nghiệm sinh học phân tử (PCR), kết quả có 12 ca dương tính với cúm A/H1N1, gồm 8 ca của khoa nội thận, 4 ca từ phòng khám và cấp cứu.

Tại khoa Nội thận, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thành lập khu cách ly nghiêm ngặt đối với bệnh nhân và người chăm sóc đã phơi nhiễm với bệnh nhân cúm. Hiện bệnh viện đang giám sát sức khỏe của tất cả nhân viên y tế trong khoa.

Bệnh viện yêu cầu bất cứ trường hợp nào có biểu hiện mắc cúm như: sốt, ho, viêm đường hô hấp, đau nhức cơ… cần báo cáo ngay phòng y tế bệnh viện để được hướng dẫn tự cách ly, giảm nguy cơ lây nhiễm. Ngoài ra, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng thực hiện việc tiêm phòng bệnh cúm cho tất cả nhân viên y tế trong khoa.

Ngay sau khi nắm thông tin, Viện Pasteur TP.HCM cũng đã phối hợp cùng Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh nhằm đảm bảo an toàn cho các bệnh nhân...

Cúm A/ H1N1 đang thực sự rất đáng lo ngại, trẻ em, người già, phụ nữ có thai, người béo phì, người có bệnh mạn tính trong cộng đồng sẽ rất nguy hiểm vì không chỉ bị lây nhiễm cúm A/H1N1 mà còn có nguy cơ tử vong rất cao. Ảnh: NĐ

Như vậy, sau khi phát hiện ổ dịch cúm A/H1N1 tại Bệnh viện Từ Dũ vào đầu tháng 6 vừa qua với 18 trường hợp mắc bệnh và 1 trường hợp tử vong trên địa bàn quận Thủ Đức; TP.HCM lại tiếp tục phát hiện thêm hàng loạt trường hợp nhiễm cúm A/ H1N1 tại Bệnh viện Chợ Rẫy và 1 ca tử vong do viêm phổi nặng, suy hô hấp, suy thận mạn giai đoạn cuối.

Cúm A/H1N1 đang thực sự rất đáng lo ngại vì có nguy cơ lây lan và bùng phát thành dịch lớn. Trẻ em, người già, phụ nữ có thai, người béo phì, người có bệnh mạn tính trong cộng đồng sẽ rất nguy hiểm vì không chỉ bị lây nhiễm cúm A/H1N1 mà còn có nguy cơ tử vong rất cao.

Bệnh lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa vi rút rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng.

Người mang vi rút cúm A(H1N1) có khả năng truyền vi rút cho những người xung quanh trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau, kể từ khi có triệu chứng của bệnh. Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ...

Bệnh có biểu hiện sốt trên 38 độ C, ho, đau họng, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi. Một số trường hợp nặng có thể bị suy hô hấp và dẫn đến tử vong. Bệnh cúm A(H1N1) có triệu chứng giống với cúm thông thường.

Để tránh nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng, bác sĩ khuyến cáo người mắc bệnh cúm cần nghỉ ở nhà, không đi học, đi làm trong vòng 7 ngày sau khởi phát vì đây là khoảng thời gian vi rút cúm đào thải ra môi trường.

Không nên đi đến những nơi tập trung đông người, trường hợp bất khả kháng thì phải mang khẩu trang che kín miệng và mũi, cần thay khẩu trang ngay khi bị ướt. Rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng. Che miệng, mũi khi ho, hắt hơi.

Người bệnh cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, giàu vitamin để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể; sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý sử dụng thuốc kháng vi rút; theo dõi sát các biểu hiện của bệnh và đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay khi có các triệu chứng nặng.

Để tránh nguy cơ mắc bệnh cúm mọi người cần chủ động các phương án dự phòng: Che miệng, mũi khi ho, hắt hơi; rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng; giữ nhà cửa sạch sẽ thông thoáng; tăng cường sức khỏe bằng vận động và nghỉ ngơi hợp lý, bổ sung rau củ và vitamin C trong chế độ ăn uống; tiêm vắc xin phòng bệnh cúm mùa.

Làm thế nào để phòng tránh cúm A/H1N1?
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang