Từ vụ dây diều cứa vào cổ, cắt đứt gân ngón tay người đi đường tại Thủ Thiêm:

Tai nạn rình rập từ việc thả diều tại TPHCM

Thứ Ba, 15/11/2022 08:37

|

(CATP) Thả diều là một trong những trò chơi giải trí được nhiều người yêu thích, nhưng lại tiềm ẩn nhiều mối họa khó lường khi thả diều tại các khu vực dân cư hay gần lưới điện cao áp. Thực tế này đã và đang diễn ra tại một số địa phương trên địa bàn cả nước, gây các sự cố nghiêm trọng về lưới điện cũng như tính mạng con người.

Hiểm họa khó lường

Theo quan sát của chúng tôi, thời gian qua, nhiều người tập trung tại bán đảo Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức) chơi thả diều, tiềm ẩn nhiều hiểm họa cho người đi đường qua khu vực này. Có không ít vụ tai nạn đã xảy ra liên quan đến thú vui thả diều. Điển hình, mới đây vừa xảy ra vụ tai nạn đáng tiếc khiến một thanh niên bị dây diều quấn, cứa vào cổ, cắt đứt gân ngón tay khi đang điều khiển xe máy trong khu vực khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức). Nạn nhân là anh N.V.L (29 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương).

Theo đó, khi anh L. đang điều khiển xe máy trong khu vực khu đô thị mới Thủ Thiêm vào chiều tối 31-10, đến gần cầu Thủ Thiêm 2 (thuộc P.An Khánh, TP.Thủ Đức), bất ngờ một con diều rớt xuống, quấn vào cổ và bàn tay khiến anh L. ngã xuống đường. Nạn nhân được người dân đưa đi cấp cứu trong tình trạng cổ, mặt, bàn tay và ngón tay bị đứt rất sâu, máu chảy nhiều. Vết thương do dây diều gây ra kéo dài từ cằm phải đến góc hàm trái. Tiếp nhận tin báo, Công an P.An Khánh và P.Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức) phối hợp xác minh, làm rõ vụ việc.

Thả diều tràn cả ra đường tiềm ẩn tai nạn giao thông

Cũng tại TP.Thủ Đức, trước đó, anh T. (25 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) chạy xe máy trên đường Nguyễn Cơ Thạch theo hướng từ cầu Thủ Thiêm về đường Mai Chí Thọ. Khi đến giao lộ Lương Định Của - Nguyễn Cơ Thạch (TP.Thủ Đức) cũng bị dây diều vướng vào cổ. Sự việc làm anh T. bị vết cứa dài trên cổ, tay cũng bị thương. Theo T., thời điểm xảy ra sự việc anh đang rẽ phải, chạy khá chậm nên may mắn không bị té ngã.

Tương tự, chị N. (32 tuổi) đang chạy xe máy qua khu vực này cũng bị dây diều rơi xuống, vướng ngang cổ, kéo cả người và xe té xuống đường. Nạn nhân cho biết, vết cứa dài khoảng 12cm gây chảy máu, khó thở, đau rát, ngoài ra còn bị bong gân, trầy xước tay chân do ngã xe. Tiếp đến, ông C. (60 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) chạy xe máy trên đường Điện Biên Phủ (đoạn qua phường 21, quận Bình Thạnh) bất ngờ bị sợi dây diều rơi xuống khiến ông bị cứa hai vết ở cổ.

Được biết, khu vực những người đi xe máy gặp nạn như vừa kể trên, buổi chiều có hàng trăm người đến vui chơi, thả diều gây mất an toàn cho người tham gia giao thông. Không ít người đi bộ tập thể dục, hay chạy xe máy ngang qua cũng bị dây diều quấn làm té ngã. Chưa kể, những con diều to một khi vướng vào đường dây điện có thể đe dọa tính mạng người thả diều cũng như những người xung quanh và gây ra sự cố diện rộng.

Diều mắc vào lưới điện

Vì vậy, khi thả diều cần rất thận trọng, nhiều người thả diều gần đường điện, trạm biến áp, tiềm ẩn hiểm họa khôn lường, điều đó không chỉ vi phạm pháp luật mà còn nguy hiểm đến tính mạng. Đã có những trường hợp diều bay vướng vào đường dây điện đang vận hành gây ra sự cố chập điện, cháy nổ. Người chơi diều nếu không có kinh nghiệm xử lý sẽ bị điện giật, ảnh hưởng đến tính mạng nếu cố tình áp sát đường dây điện, trèo lên cột điện để gỡ diều bị vướng, không chỉ làm hư hỏng thiết bị điện mà nghiêm trọng hơn là gây mất điện cả khu vực, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân và nguy cơ gây tai nạn điện cho người thả diều.

Theo Tổng công ty Điện lực TPHCM, những năm qua, tổng công ty đã kiểm tra và xử lý nhiều trường hợp người dân thả diều vướng vào lưới điện trung thế làm mất an toàn, có khả năng gây ra chập, cháy và có thể gây mất điện trên diện rộng. Khi thả diều gần các đường dây điện rất dễ xảy ra việc diều quấn vào dây, trụ điện dẫn đến chập điện, cháy nổ, nguy cơ gây mất điện cũng như gây thiệt hại về người và tài sản.

Cần có biện pháp quản lý hoạt động thả diều

Tại TPHCM, vào buổi chiều, đặc biệt là những ngày cuối tuần, ở các khu vực bãi đất trống như: Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức), khu đất trống đường Nguyễn Văn Lượng (Q.Gò Vấp), một số khu vực khác ở quận 7, 8, huyện Nhà Bè... đều có một số người dân mang diều đến thả. Nhất là các khu vực như Khu công nghệ cao, hầm Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức) có rất đông người dân đến thả diều. Những bãi diều đều là bãi tự phát, nhiều người tìm đến chơi, kèm theo đó là những hoạt động ăn uống, xả rác bừa bãi.

Sau vụ tai nạn xảy ra vào ngày 31-10, chiều chủ nhật (06-11), chúng tôi có mặt tại một số bãi đất trống ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức), phát hiện nhiều người kéo tới đây chơi thả diều nhộn nhịp. Hàng quán cũng mọc lên san sát hai bên đường Trần Bạch Đằng, đường N12, đường D1 phục vụ người tới chơi thả diều. Theo quan sát, khác với các loại diều trước đây thường được làm từ những nguyên liệu như tre, giấy... thì hiện nay diều đã được nâng cấp với kích thước bề ngang từ 0.5 - 1m và chiều dài 1 - 2m. Diều thế hệ mới còn có khung gắn đèn led, dây buộc bằng thép, dây diều có kích cỡ lớn có thể gây nguy hiểm nếu không may rơi trúng người đi đường.

Hai nạn nhân bị dây diều cứa vào cổ

Đã có nhiều vụ việc người thả diều ở khu vực ven các tuyến đường giao thông, khu dân cư, sau đó dây diều vướng vào người lưu thông trên đường gây ra những sự cố, tai nạn đáng tiếc. Chính quyền, cơ quan chức năng đã cảnh báo nhiều lần, thế nhưng tình trạng thả diều ở những nơi đông người, ven các tuyến đường giao thông vẫn diễn ra nhiều nơi ở TP.Hồ Chí Minh.

Trước các ẩn họa từ việc thả diều, nhiều ý kiến mong cơ quan chức năng cân nhắc cấm trò chơi này trong nội đô TP. Có ý kiến cho rằng chính quyền địa phương nên quản lý chặt chẽ, thậm chí là nghiêm cấm việc thả diều trong nội đô vì độ nguy hiểm rất cao. Đó là chưa kể đến việc nhiều người tụ tập xả rác bừa bãi, làm mất đi cảnh quan đô thị.

Theo một người dân, thả diều là thú vui, sở thích cá nhân. Tuy nhiên, người tham gia hoạt động này cần phải chú ý an toàn cho bản thân và người xung quanh. Vì thế, cơ quan có thẩm quyền nên có biện pháp quản lý và xem xét tổ chức một khu đất dành cho hoạt động này, có thể thu phí vé ra vào, vừa đảm bảo an toàn, vừa có sự quản lý, tạo được việc làm và tránh những rủi ro đáng tiếc.

Theo điểm d, khoản 2 Điều 7 Nghị định 144/2021 thì người có một trong các hành vi thả diều, bóng bay, các loại đồ chơi có thể bay ở khu vực cấm, khu vực mục tiêu được bảo vệ sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Bên cạnh đó, tại khoản 3, Ðiều 4, Nghị định 14/2014 (đã được sửa đổi bởi Nghị định 51/2020) cũng có quy định cấm thả diều, vật bay gần lưới điện cao áp có khả năng gây sự cố lưới điện. Nếu thả diều hoặc bất kỳ vật gì gây sự cố lưới điện sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (theo điểm d khoản 2 Điều 15 Nghị định 134/2013, sửa đổi bởi khoản 18 Điều 2 Nghị định 17/2022 quy định về xử phạt vi phạm quy định về an toàn điện).

Bên cạnh đó, người tham gia thả diều nên chọn những bãi đất rộng, những nơi ít người qua lại, nơi không có đường dây diện, xa khu dân cư, xa đường giao thông. Như thế sẽ đảm bảo an toàn cho chính bản thân và người khác. Đồng thời, người chơi diều phải theo quy tắc "5 không", đó là không thả diều ở gần đường dây điện, đường giao thông, sân bay, nơi đông người và gây ảnh hưởng đến môi trường.

Luật sư Nguyễn Tri Đức (Giám đốc Cty luật 360 - Đoàn luật sư TPHCM) cho biết, trong trường hợp để diều hoặc dây diều gây thương tích, thậm chí tử vong cho người khác thì tùy theo tính chất, mức độ, người thả diều có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác" hoặc "vô ý làm chết người" theo Điều 138, Điều 128 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Trong trường hợp vụ tai nạn của anh L., cần phải chờ kết quả giám định thương tật với nạn nhân. Từ đó, xác định chế tài đối với người gây tai nạn. Với trường hợp mức độ thương tật chưa đến mức phải xử lý hình sự, người gây tai nạn sẽ bị xử phạt hành chính vì hành vi vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo điểm d, khoản 1, Điều 7 Nghị định 144/2021. Ngoài ra, nếu tỉ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân từ 31% đến 60%, người vi phạm có thể sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 138, BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Bình luận (0)

Lên đầu trang