Tuy nhiên, việc sử dụng không đúng cách sẽ gây nguy hiểm đến sức khoẻ thậm chí cả tính mạng của người sử dụng và những người có liên quan. Về vấn này, Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) đã có những thông tin chia sẻ.
Như Báo Công an TPHCM đã đưa tin, sáng 24/7, tại căn nhà trên đường DJ 15 Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng đáng tiếc làm 6 người trong 1 gia đình thiệt mạng.
Danh tính các nạn nhân gồm: Lý Quốc P. (SN 1975); Đỗ Thị T. (SN 1985); Lý Bảo K. (SN 2015); Lý Quốc T. (SN 2020); Đỗ Nguyễn Mỹ L. (SN 2007) và Huỳnh Thúy D. (SN 2007). Được biết, ông P. và bà T. là vợ chồng có hai con chung. Trong số các nạn nhân có 1 con riêng của bà T. và một người là cháu bà T. đến ở chung để học nghề làm tóc.
Khám nghiệm vụ việc, cơ quan chức năng ghi nhận 1 máy phát điện mini ở bên trong nhà và xác định chiếc máy phát điện này đã hoạt động từ tối hôm trước đến khoảng 8 giờ sáng 24/7 thì hết xăng. Nguyên nhân ban đầu được xác định bị ngạt khí do sử dụng máy phát điện bất cẩn trong nhà đóng kín, dẫn đến hậu quả nêu trên.
Trước vụ việc đau lòng nêu trên, Đại tá Nguyễn Minh Khương cho biết, khi vào mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện và thiết bị điện rất cao, trong đó có các thiết bị điện, đáng chú ý là máy phát điện sử dụng nhiên liệu xăng, dầu. Không chỉ thành phố, mà cả ở vùng nông thôn, để phòng tránh khi mất điện lưới quốc gia, nhiều gia đình đã sắm sửa máy phát điện mini dùng cho gia đình.
“Thiết bị máy phát điện khi chúng ta sử dụng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, điều này có thể dẫn đến sự cố ngạt của khói, khí độc từ hệ thống khí thải từ động cơ của máy phát điện như vụ 6 người tử vong ở tỉnh Bình Dương vừa qua” – Đại tá Nguyễn Minh Khương nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, không phải để xảy ra vụ việc mới khuyến cáo, trước đó, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã nhiều lần khuyến cáo người dân về cách thức sử dụng điện an toàn, ví dụ trong quá trình sử dụng thiết bị điện liên quan sinh nhiệt như bàn ủi, quạt sưởi ấm, than tổ ong… phải giám sát, kiểm soát, tránh trường hợp bỏ quên hoặc lơ là có thể dẫn đến việc cháy các thiết bị lân cận, các vật dụng gây ra đám cháy, ngạt khí.
Đối với việc sử dụng máy phát điện, Đại tá Nguyễn Minh Khương lưu ý, khuyến cáo: Khi đặt vị trí máy phát điện thì cần phải đặt nơi thoáng gió, thoáng khí để khí thải từ động cơ chạy máy phát điện sẽ không quẩn, lưu lại trong nhà và phải thoát ra ngoài môi trường.
Do khí thải của động cơ này thường sinh ra bao gồm một số khí: C02, S02, C0, N02 là thành phần chính có thể sinh ra trong quá trình động cơ của máy phát điện làm việc và tất cả khí đó đều là những khí có hại cho sức khỏe cũng như ảnh hưởng đến môi trường, độc nhất trong đó là khí C0, khi con người hít phải khí đó thì rất dễ dẫn đến lịm đi và nguy kịch đến tính mạng.
Trong trường hợp bất khả kháng phải đặt máy phát điện trong nhà, cần thiết kế làm sao đường dẫn khí thải từ động cơ ra phải thoát ra ngoài môi trường. Đại tá Nguyễn Minh Khương ví dụ, đối với nhà mặt phố không thể để máy phát điện ở phía ngoài nhà hoặc vỉa hè, thì phải tính toán làm sao thiết kế đường dẫn khí thải đó phải thoát ra ngoài môi trường chứ không được để đường khí thải tích tụ trong nhà và cũng không nên để máy phát điện ở tầng hầm là nơi kín gió, không có ống thông gió.
Do máy phát điện chạy bằng động cơ Diesel hoặc chạy xăng, việc tích trữ nhiên liệu trong nhà để phục vụ cho chạy máy phát điện cũng phải hết sức chú ý, đảm bảo an toàn, tránh xa nguồn nhiệt có thể dẫn đến cháy nổ. Trong tình huống sử dụng, khi đang chạy máy phát điện nếu hết xăng, hết nhiên liệu thì phải đợi máy nguội mới bổ sung nhiên liệu vào cho động cơ chạy tiếp, tránh trường hợp máy đang nóng bổ sung ngay nhiên liệu vào có thể dẫn đến nguy cơ nổ hoặc sự cố liên quan khác.
Trong quá trình sử dụng máy phát điện hết sức lưu ý cần kiểm tra độ ẩm môi trường, tránh trường hợp trời mưa, nồm ẩm nguy cơ dẫn đến hiện tượng rò điện dẫn đến tai nạn điện giật từ máy phát điện; đồng thời, người dân cũng cần đọc kỹ hướng dẫn, khuyến cáo của nhà sản xuất, cần chọn máy chất lượng tốt, có nguồn gốc xuất xứ…
Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tiếp tục có những khuyến cáo về việc sử dụng thiết bị điện làm sao cho an toàn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua App 114…
“Chúng tôi sẽ kết hợp với ngành điện lực để cùng cộng đồng có trách nhiệm hướng dẫn ở từng khu dân cư, hộ gia đình… để người dân hiểu rõ, có kiến thức, kỹ năng về quy trình vận hành an toàn của các thiết bị điện, cũng như là thiết bị máy phát điện trong hộ gia đình, giảm thiểu nguy cơ phát sinh sự cố đáng tiếc”- Đại tá Nguyễn Minh Khương cho biết thêm.
Liên quan đến việc làm thế nào để phát hiện người dân bị ngạt khí do máy phát điện, Đại tá Nguyễn Minh Khương chia sẻ, nếu vụ việc xảy ra vào ban đêm sẽ rất khó phát hiện, do chúng ta đang trạng thái ngủ mà loại khí này là không màu, không mùi rất dễ làm cho con người lịm đi.
Tuy nhiên, nếu người trong gia đình phát hiện ra các hiện tượng như cảm thấy bí thở, buồn nôn hoặc nhiều người có chung biểu hiện... thì cần lưu ý nghĩ đến tình huống thiếu khí, do nguồn xả khí thải từ động cơ của máy phát điện xả vào cộng đồng, gia đình đang sinh hoạt, cần có biện pháp dừng ngay hệ thống phát điện, mở các cửa để giảm nồng độ chất độc đang có trong môi trường…
Nếu trong trường hợp người dân diễn tiến nặng thì cần hô hấp, hà hơi thổi ngạt để cung cấp ô xy cho nạn nhân, tận dụng “thời gian vàng” giúp cho người bị nạn hồi phục và đưa đến cơ sở ý tế nơi gần nhất.
Trao đổi về thiết bị cảnh bảo sớm, Đại tá Nguyễn Minh Khương cho hay, hiện chỉ có thiết bị cảnh báo sớm đối với rò rỉ khí gas… Còn thiết bị cảnh báo nồng độ khí độc ở trong phòng thì chỉ cơ quan chuyên môn mới có. Đối với các hộ gia đình, người dân khó phát hiện trong phòng có khí độc hay không, vì vậy để hạn chế nguy cơ tử vong, người dân cần hiểu được tính năng, tác dụng, nguy cơ có thể xảy ra khi sử dụng thiết bị điện trong hộ gia đình, đặc biệt liên quan đến máy phát điện...
Điều này tương tự việc nổ máy, xe ô tô, trong nhà mà đóng kín cửa sẽ xả khí độc, tình trạng ngạt khí cũng xảy ra như tình huống của máy phát điện do chất thải của động cơ đốt trong sinh ra.