Thận trọng với những thông tin thất thiệt trên mạng xã hội

Thứ Năm, 08/09/2016 12:43

|

(CAO) Cảm thấy bức xúc về một món hàng là lên “tường nhà” giải tỏa; thấy người ta “share” thì mình cũng “share”; hay tổ chức hẳn những chiến dịch chia sẻ những thông tin từ các tài khoản ảo để “ra đòn” với đối thủ là “chuyện thường ngày” trên mạng xã hội. Trong nhiều vụ việc, những gì diễn ra trên thực tế hoàn toàn không giống với những thông tin được phơi bày.

Tiếp nhận thông tin có chọn lọc

Có thể nói, mạng xã hội mà tiêu biểu là Facebook đang là nơi cập nhật các thông tin nhanh nhất hiện nay, từ chuyện gia đình, chuyện showbiz cho đến chuyện chính trị xã hội. Tuy nhiên, những thông tin đó chính xác đến đâu thì có “trời” mới biết. Nhiều kẻ xấu đã lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt hàng tỷ đồng bằng cách sử dụng tài khoản “ảo” để lấy thông tin, lừa đảo cũng như xuyên tạc, bôi xấu uy tín và danh dự người khác một cách có chủ đích.

Để đối phó với những thủ đoạn lừa đảo ngày một tinh vi, các Facebooker cần tỉnh táo trước các nguồn thông tin chia sẻ trên Facebook, không cung cấp các thông tin cá nhân hay “click” vào những đường dẫn lạ vì kẻ xấu có thể đánh cắp thông tin cũng như tài khoản của người sử dụng. Người dùng internet cũng cần chọn lọc khi nhấn “like” hoặc “share” các thông tin trên mạng. Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể trở thành công cụ tiếp tay cho những kẻ lừa đảo, gây ra những hậu quả khôn lường trước hết là cho bản thân và những người trong “friend list” của mình như người thân, bạn bè, đồng nghiệp... và nghiêm trọng hơn có thể gây tổn hại đến cộng đồng xã hội.

Thông tin “ảo”, hậu quả thật

Những thông tin “giật gân” thường lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội và thu hút sự quan tâm, chia sẻ của người dùng internet. Trong đó, những thông tin thất thiệt, thiếu căn cứ đã gây ra thiệt hại rất lớn. Điển hình như vụ việc lan truyền thông tin người nông dân sử dụng túi nhiễm độc để bọc trái cây, đã khiến giá xoài giảm mạnh. Người tiêu dùng hoang mang, lo lắng, còn người nông dân thì điêu đứng vì xoài rớt giá.

Bảo hiểm cũng là một trong những ngành dễ bị “bêu tên” trên mạng nhất. Những thông tin đa phần xuất phát từ những tài khoản Facebook ảo, thông tin phản ánh thường được cắt xén hay lồng ghép một cách tài tình, làm biến tướng sự việc theo ý muốn chủ quan của người viết.

Ông Phùng Đắc Lộc - Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết: “Những thông tin như vậy dễ khiến nhiều người hiểu sai về ngành bảo hiểm nhân thọ, làm người đọc có ác cảm là doanh nghiệp bảo hiểm “tự tung tự tác”. Trên thực tế, những quyết định doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra là đều dựa trên những điều khoản trong hợp đồng đã ký với khách hàng, mà tất cả những điều khoản này đã được Bộ Tài chính phê chuẩn mới cho triển khai ra thị trường”.

Những thông tin không đầy đủ và thiếu chính xác được đưa lên mạng xã hội thường trở thành “mồi ngon” cho kẻ xấu lợi dụng. Thời gian trước, ngành bảo hiểm có một ca điển hình trong trường hợp này là một Facebooker có tên Jackson Lee, đã đăng lên “tường” nhà mình một bài viết kết tội bảo hiểm lừa đảo khi không được bồi thường. Sau đó dù bài viết này đã được xóa đi, nhưng cả công ty bảo hiểm lẫn người viết đều không ngờ rằng bài đã được chụp lại và share đi với tốc độ nhanh chóng, lên tới hàng ngàn lượt chỉ trong một đêm. Khi vào cuộc, các cơ quan chủ quản mới phát hiện nội dung trên đã được trả tiền để lan truyền trên mạng.

Coi chừng bị phạt

Gần đây, các cơ quan chức năng đã rất mạnh tay trong việc xử phạt các trường hợp đăng tải thông tin sai lệch trên mạng xã hội. Đặc biệt, một Facebooker tại Quảng Ngãi đã bị phạt đến 30 triệu đồng vì đăng thông tin “cho vui” và để “câu like”. Nhiều trường hợp khác đã bị phạt 10 - 20 triệu đồng vì đưa ra những thông tin không có căn cứ.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc Hãng luật Giải Phóng cho biết điểm g, khoản 3, Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 3-11-2013 của Chính phủ quy định hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Đặc biệt, theo luật sư Hưng, một số trường hợp có nội dung vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì hành vi tung hoang tin, bịa đặt bị nghiêm cấm theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Nghị định 97/2008/NĐ-CP. Tại Điều 37, Bộ luật Dân sự quy định rõ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang