Thương tâm những ca tai nạn lao động đứt lìa tay, chân

Thứ Hai, 25/12/2017 13:26  | Ngô Đồng

|

(CAO) Bất cẩn trong lao động có thể cướp đi một bộ phận cơ thể. Những người lao động chính trong gia đình bỗng trở thành gánh nặng.

Một giây bất cẩn có thể tàn phế

Mới đây, BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM vừa tiến hành nối cẳng chân cho cụ ông 69 tuổi (ở Tân Phú, Đồng Nai) bị máy cắt cỏ cắt gần lìa chẳng chân.

Cụ ông Trần Văn T. kể lại sự việc, trong một buổi chiều cuối tháng 8-2017, ông đi phát cỏ thì bất cẩn bị máy cắt cỏ chém vào cẳng chân trái do lưỡi dao cắt cỏ bị gãy văng ra cắt vào cẳng chân.

Sự cố khiến ông đau đớn, máu me bê bết. Ngay sau khi tri hô, ông được người nhà đưa đi đến BV Tân Phú sơ cứu. Tại đây, các bác sĩ tiến hành hồi sức, băng ép, nẹp gỗ bất động và chuyển ông lên BV Chấn thương chỉnh hình.

Tại BV Chấn thương chỉnh hình, các bác sĩ ghi nhận ông T. bị tổn thương đứt gần lìa 1/3 dưới cẳng chân, chỉ còn 1 cầu da nhỏ 2cm mặt ngoài cẳng chân, vết thương sắc gọn có một ít đất cát bám theo, đã cầm máu.

Cụ ông 69 tuổi (ở Tân Phú, Đồng Nai) bị máy cắt cỏ cắt gần lìa chẳng chân

Ngay lập tức, bệnh nhân được đưa vào phòng mổ, ê kíp mổ là BS Võ Hòa Khánh, BS Đỗ Ngọc Xuân Quỳnh, BS Võ Ngọc Nam. Các bác sĩ tiến hành nẹp vít khóa xương chày, ghép vi phẫu, nối gân cơ gấp, cơ duỗi các ngón chân,... để cứu chẳng chân cho bệnh nhân.

Trước đó, cũng tại BV này, các bác sĩ tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn trung Tr. (20 tuổi), nhập viện trong tình trạng cổ tay trái bị đứt lìa do bị máy cắt giấy cắt. Các bác sĩ đã đưa bệnh nhân vào phòng mổ đánh giá vết thương và phần lìa cổ tay. Sau đó tiến hành cắt lọc, nối vi phẫu cổ tay cho bệnh nhân.

Bệnh nhân Nguyễn trung Tr. bị đứt lìa cổ tay trái do bị máy cắt giấy cắt

Cách đây nhiều năm, trong lúc cắt cỏ, anh Nguyễn Văn T. (SN 1969, Củ Chi, TP.HCM) không may dao cắt bị gãy làm 2 mảnh văng ra trúng vào 2 chân. Người vợ bệnh tim ngất xỉu, khi tỉnh lại chị mới lết được ra đường kêu người dân cứu chồng mình.

Sau đó anh T. được một số người kéo lên bờ rồi đưa đến nhà thương. Bệnh nhân được sơ cứu tại địa phương rồi chuyển lên bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM trong tình trạng 2 chân bị gãy. Chân phải gần như đứt lìa, chân trái gãy 2 xương cẳng chân.

Các bác sĩ tiến hành nối mạch máu chân phải cho anh T., nhưng kết quả nối không thành công. Có lẽ vì anh T. được đưa đến bệnh viện quá muộn, phải nằm dưới ao bùn bờ đê chờ ứng cứu khá lâu.

Vết thương đã khiến anh T. rơi vào tình cảnh hôn mê, suy hô hấp, nhiễm trùng máu, viêm phổi nặng,... Anh T. tiếp tục được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị. Do vết thương ở chân phải bị hoại tử, sau khi hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, e kíp mổ buộc phải cắt bỏ 1/3 chân phải của bệnh nhân.

Một trường hợp khác, em H.T.D. (17 tuổi, quê Bạc Liêu) bị máy bào gỗ cắt đứt lìa 4 ngón tay. Theo lời kể của D., em mới vào làm việc tại xưởng cưa gỗ ở Dĩ An (Bình Dương) 3 ngày, nhưng qua ngày thứ 2 thì được giao phụ trách cưa gỗ. Lúc làm tăng ca, khi đang đứng máy cưa mâm, do máy bị chạm bật cưa đột ngột nên em vô tình bị cắt đứt 4 ngón tay 1, 2, 3, 4 (trừ ngón út).

Em được đưa đến BV gần xưởng cưa nhưng “quên” mất các phần ngón bị cắt đứt rời không mang theo. Bác sĩ tiếp nhận đã yêu cầu những người đưa em đến về lấy rửa sạch, bỏ vào bọc ni lông và ướp đá, sau đó chuyển viện em cùng những ngón tay đứt rời lên BV Chấn thương chỉnh hình.

BS Phan Dzư Lê Thắng, Khoa Vi phẫu tạo hình BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM cho biết, việc cứu lấy bàn tay của em D. vô cùng khó khăn, nhưng vì em còn quá trẻ, tương lai còn dài, mất 4 ngón tay thì khả năng cuộc sống sau này sẽ khó khăn hơn nên chúng tôi phải hết sức cố gắng.

Tiếp nhận bệnh nhân lúc 21 giờ, BS Thắng và các đồng nghiệp phải trải qua một đêm và kéo dài đến tận 12 giờ trưa hôm sau thì ca vi phẫu mới thành công.

Cách sơ cứu, bảo quản bộ phận cơ thể đứt lìa

Các bác sĩ BV Chấn thương chỉnh hình cho hay, thỉnh thoảng BV cũng tiếp nhận một số tai nạn lao động do máy cắt cỏ (khoảng 6-7 ca/năm), máy cắt giấy, máy bào gỗ,... Đây là những tai nạn hi hữu nhưng nặng nề gây ra tàn tật (cụt chân, đi chân giả…) không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân mà còn ảnh hưởng đến tâm lý.

Chấn thương khi có đứt lìa một phần cơ thể thường gặp trong tai nạn lao động, giao thông,... Các phần chi thể đứt lìa thường gặp như ngón tay, ngón chân, một phần chi trên, chi dưới,... có thể nối lại thành công bằng các vi phẫu thuật dưới kính hiển vi nếu biết sơ cứu và bảo quản đúng cách. Có những trường hợp người nông dân bị máy sục khí ở các ao nuôi tôm cuốn đứt lìa dương vật.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi chẳng may bị tai nạn lao động, điều đầu tiên cần làm là phải quan tâm đến tình trạng sinh tồn của người gặp tai nạn sau đó mới đến chi và bộ phận đứt rời.

Ngay sau sự cố, cần kiểm tra hô hấp của bệnh nhân, đường thở, loại bỏ những cản trở đường khí đạo như bùn đất, đờm rãi, để đảm bảo nạn nhân có thể hô hấp được. Sau đó, kiểm tra nhịp thở và tuần hoàn, nếu nạn nhân không còn tự thở thì lập tức tiến hành ngay các biện pháp hồi sinh tim phổi bằng bóp tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo.

Khi thấy tình trạng hô hấp và tuần hoàn đã ổn. Cần cầm máu vết thương. Khi chảy máu đã được kiểm soát, cần kiểm tra phát hiện các dấu hiệu của tổn thương khác như tổn thương xương, và tiến hành các biện pháp sơ cứu khác phù hợp với tổn thương nếu có. Đặt nạn nhân nằm trên mặt phẳng, khi di chuyển bệnh nhân cần phải có hai người, đặc biệt nếu bệnh nhân bị chấn thương sọ não, chấn thương cột sống thì cần di chuyển cẩn thận, nhẹ nhàng.

Các bộ phận cơ thể bị đứt lìa cần được giữ gìn và bảo quản cẩn thận. Loại bỏ các vết bẩn, dị vật có thể gây ô nhiễm vết thương như đất, sỏi đá bằng nước sạch.

Với bất kỳ bộ phận nào bị đứt rời, để tạo thuận tiện cho phẫu thuật nối lại thì cần bọc phần chi thể đứt rời lại bằng gạc hoặc vải sạch, cho vào túi nilon sạch buộc kín, sau đó lại đặt vào một túi nilon khác đựng nước, buộc kín rồi mới bỏ vào thùng đá. Không được đặt trực tiếp phần chi thể trong nước đá mà không sử dụng túi nhựa bao bọc phía bên ngoài vì điều này sẽ gây ra sự tê cóng, bỏng lạnh làm hoại tử mô, cũng là một điều đáng tiếc sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình hồi phục mô sau khi nối lại cho người gặp tai nạn.

Đưa bệnh nhân và phần chi đứt đến cơ sở y tế có chuyên khoa gần nhất và trong thời gian nhanh nhất để nối lại chi cho người gặp tai nạn.

Chi thể bị cắt rời nếu được bảo quản và làm mát đúng cách có thể được sử dụng cho phẫu thuật trong vòng khoảng 18 giờ, trong khi nếu không được bảo quản và làm mát chỉ có thể sử dụng trong vòng 4 đến 6 giờ.

Theo các bác sĩ, tất cả các tai nạn mất chân, tay, tai, mũi, da đầu, dương vật... đều có thể phẫu thuật nối liền lại, vì thế khi xảy ra tai nạn, cần bình tĩnh xử trí đúng cách.
Mẹ ngã quỵ tìm con bị máy cắt cỏ cắt 'rụng' chân chìm dưới bùn nước
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang