Vụ "Vườn thượng uyển bay" không phép: Tháo dỡ kiểu... đối phó?

Thứ Năm, 11/06/2020 08:10

|

(CAO) Những ngày qua, phóng viên Báo Công an TP.Hồ Chí Minh nhận được nhiều thông tin, hình ảnh phản ánh công trình Vườn thượng uyển bay xây dựng không phép trên đường đèo Mimosa (phường 10, TP. Đà Lạt - Lâm Đồng) đã bị UBND TP.Đà Lạt ra quyết định cưỡng chế, buộc khắc phục hậu quả (cho tự tháo dỡ). Trong hai ngày 5 và 6-5-2020, UBND phường 10 tổ chức lực lượng giám sát, kiểm tra việc chủ đầu tư xin tự tháo dỡ toàn bộ các công trình xây dựng không phép tại dự án trên.

Tuy nhiên, thực tế đến nay, công trình du lịch canh nông "chui" không phép này tháo dỡ không triệt để; đúng hơn, việc tháo dỡ dường như chỉ cho "có lệ". Ngoài ra còn xây sửa, tu bổ, gia cố, biến khu du lịch (KDL) không phép này chuyển sang một trạng thái hoành tráng... kiểu khác. Vì sao?

Những công trình, tiểu cảnh cũ và mới vẫn xuất hiện, tồn tại

Tháo dỡ cầm chừng?

Trong số những hình ảnh chúng tôi nhận được có hình ảnh chiếc máy múc loại lớn đang có người điều khiển, "lăn xả" tại nhiều vị trí công trường trên diện tích khu vực rộng trên 1,7 ha, thuộc công trình Vườn thượng uyển bay không phép. Chiếc máy múc đào, múc đất và chủ nhân khu đất này tiếp tục cho tập kết gạch, cát, đá, đổ bê tông xây dựng, củng cố, thay mới nhiều công trình.

Để xác thực nguồn tin, trưa 10-6, chúng tôi trở lại khu đất này. Sau hơn 1 tháng qua, UBND TP.Đà Lạt đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Lâm Đồng và UBND tỉnh Lâm Đồng đã có báo cáo gửi Văn phòng Thủ tướng Chính phủ theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình; tưởng rằng, chủ nhân KDL xây dựng không phép này sẽ chấp hành pháp luật, nhưng thực tế thì thế nào?

KDL "chui" như được khoác lên tấm áo mới, rực rỡ, sắc màu hơn, các tiểu cảnh (mới và cũ) được chăm chút tỉ mỉ. Hai chiếc cầu sắt nổi trong đó có chiếc cầu uốn lượn, sơn đủ sắc màu: xanh, đỏ, hồng... theo chiều dài mảnh đất và hồ nước xây nhân tạo là những công trình kiên cố bị buộc tháo dỡ vẫn còn nguyên vẹn.

Xung quanh, các tiểu cảnh hoa lẫn trong các khối công trình phụ hoạ, cổng (cả mới và cũ) xây dựng kiên cố, bê tông hoá hoặc được thay đổi một chút, chẳng khác với cũ là bao.

Những chiếc cầu sắt, hồ nước xây dựng kiên cố còn nguyên, sơn mới

Trên mảnh đất không có giấy phép xây dựng này tồn tại một con đường lát đá rộng 2 làn xe ô tô tránh nhau, nối dài hết mảnh đất, đến cả gần 200m. Ngoài cổng, lối vào KDL  này chủ nhân cho để tấm bảng to bằng đá, khắc dòng chữ "Tuyến du lịch canh nông đèo Mimosa", phía trên là dòng chữ "Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành".

Sẽ không có điều gì đáng nói, nếu đây không phải là KDL "chui" có quá nhiều điều tiếng, gây ồn ào dư luận. Dự án du lịch canh nông này mới được UBND tỉnh Lâm Đồng cho chủ trương, yêu cầu chủ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết, chưa có cơ quan có thẩm quyền nào cấp phép xây dựng. Cổng, bảng như vậy, khác gì đang thách thức chính quyền, dư luận?

Máy múc làm việc tại công trình

Liên quan đến các sai phạm tại KDL Vườn thượng uyển bay, từ tháng 4-2019 đến nay, UBND TP.Đà Lạt đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo UBND phường 10 tổ chức kiểm tra, xử lý sai phạm. Từ kết quả kiểm tra, theo phản ánh của nhiều cơ quan báo chí, UBND hai cấp phường 10 và TP.Đà Lạt liên tục lập hồ sơ xử lý, ban hành tới 8 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, chưa kể quyết định cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm của bà Vũ Thị Ái (SN 1976, trú phường 8, Đà Lạt, chủ công trình).

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có văn bản chỉ đạo UBND tỉnh Lâm Đồng kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh của báo chí liên quan đến công trình du lịch canh nông Vườn thượng uyển bay, xử lý các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo kết quả thực hiện lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1-5-2020.

UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành đến 5 văn bản chỉ đạo các sở, ngành chức năng, UBND TP.Đà Lạt khẩn trương kiểm tra tình hình vi phạm trật tự xây dựng, đầu tư khai thác kinh doanh đối với vụ việc sai phạm tại điểm du lịch này. Đồng thời tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đến nay, duy nhất ông Ngô Nhật Quang, nguyên cán bộ công chức địa chính phường 10 - Đà Lạt (hiện đang công tác tại UBND phường 3 - Đà Lạt) bị kỷ luật mức khiển trách. Còn lại, một loạt cán bộ các phòng, ban liên quan thuộc UBND TP.Đà Lạt bị phê bình, rút kinh nghiệm. Mức xử lý này quá nhẹ nhàng, thiếu nghiêm minh.

Công trình cổng bê tông kiên cố vào khu du lịch "chui" trước đó... 
... nay được thay đổi kiểu dáng, màu sắc, nhưng vẫn bê tông kiên cố

Có hay không sự ưu ái?

Trước đó, ngày 18-3-2020, dựa trên Tờ trình của UBND phường 10 - Đà Lạt, UBND TP.Đà Lạt ra văn bản số 1333 về việc tháo dỡ, buộc thực hiện khắc phục hậu quả đối với công trình Vườn thượng uyển bay không phép. Sau đó, do ảnh hưởng đợt dịch Covid-19, kế hoạch tháo dỡ tạm ngưng, rời đến ngày 6, 7-5. Bà Vũ Thị Ái chủ động xin tự tháo dỡ để tận thu nguyên, vật liệu và được chấp thuận.

Tuy nhiên, do phía chủ đầu tư tháo dỡ chậm, không triệt để nên ngày 5-5, UBND TP.Đà Lạt chỉ đạo các ban, ngành liên quan, UBND phường 10 lập kế hoạch tổ chức tháo dỡ các công trình vi phạm tại đây trong 2 ngày, yêu cầu, buộc chủ đầu tư tháo dỡ triệt để.

Theo thông tin chúng tôi được biết, quá trình tham gia giám sát việc thực hiện cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả đối với chủ đầu tư dự án không phép này, vào ngày 6-5-2020, tại thời điểm tháo dỡ các công trình vi phạm, do trước đó bà Ái tự ý xây kiên cố khối công trình nhiều dãy nhà với 24 phòng nghỉ (kích thước 12x28, 12x80) để cho thuê nên việc tháo dỡ không thể trong một vài ngày (với kiểu "tự tháo dỡ" cầm chừng), bà Ái trình bày lý do và được đoàn kiểm tra thống nhất cho để lại một phần nhà lồng với kết cấu khung thép bao che bằng ni lông và khối công trình nhà đang chứa các vật dụng và rác thải xây dựng, bà Ái cam kết sẽ tháo dỡ sau 3 tháng. Đến nay, các khu nhà này không được tháo dỡ triệt để...

Việc doanh nghiệp HTX Xuân Ái Hùng vẫn tiếp tục đào múc đất, đổ nền lát gạch, xây dựng bãi đậu xe, không khắc phục hậu quả tháo dỡ triệt để toàn bộ các công trình vi phạm, mặc cho rất nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt từ cấp Trung ương đến địa phương, khiến dư luận bất bình, ngao ngán...

Hàng loạt công trình vi phạm cũ chưa được tháo dỡ triệt để, lại xuất hiện những công trình xây dựng mới

Bình luận (0)

Lên đầu trang