(CATP) Có cái gọi là “tia đất xấu” tại một ngôi nhà có gây họa cho những ai sống tại đó hay không? Hay đó chỉ là sự hoang tưởng của một người thiếu kiến thức vật lý và sinh học?
Trên tờ báo mạng giữa tháng 5-2015 đăng bài Rùng rợn chuyện “tia đất xấu” tán gia bại sản, cho biết theo TS Vũ Bằng, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ nước và môi trường (Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), Phó giám đốc Công ty cổ phần Nghiên cứu Môi trường Tia đất Bảo vệ sức khỏe, qua hơn 10 năm nghiên cứu, ông gặp không ít những ngôi nhà gây họa cho nhiều thế hệ trong một gia đình, hoặc cho nhiều gia đình khác nhau từng sinh sống tại đó. Thậm chí họ có thể mắc cùng một loại bệnh! Và ông cho rằng đó là do “tia đất xấu”.
Vậy thực hư của cái gọi là “tia đất xấu” là gì?
Tia đất là gì?
Xin nhấn mạnh rằng, trong lịch sử khoa học, không có cái gọi là “tia đất”. Vậy TS Vũ Bằng quan niệm tia đất là gì? Theo trang mạng vubangtiadat.com.vn của tác giả, “tia đất là một dạng vật chất bao gồm tất cả những tia phát ra từ vỏ cứng của trái đất và lan tỏa lên mặt đất dưới dạng bức xạ - dạng trường. Nói cách khác, đó là những tia được sản sinh bởi hiện tượng bức xạ của những vật chất khác nhau từ dưới đất. Đó chính là một trong những thành phần của môi trường sống”.
Ăng ten này của “máy đo tia đất” từng được dùng để tìm hài cốt, một hành động mang tính hoang tưởng
Có thể nhận xét gì về định nghĩa đó? Có thể thấy rằng, TS Bằng thiếu kiến thức vật lý nên mới đưa ra một định nghĩa thiếu rõ ràng và không khoa học như vậy. Đọc định nghĩa đó xong thì chúng ta vẫn không biết tia đất là gì (đó là trường điện điện từ hay các tia phóng xạ? Và chúng có tính chất vật lý ra sao để có thể tác động sức khỏe đến mức tán gia bại sản?).
Các loại bức xạ trong môi trường sống
Trong môi trường sống có thể có hai loại bức xạ: bức xạ i-on hóa và bức xạ không i-on hóa. Các bức xạ i-on hóa, cũng thường được gọi là tia phóng xạ, rất có hại cho sức khỏe, thậm chí gây ung thư.
Nhưng may mắn là chúng chỉ có tại một số địa điểm đặc biệt (lò phản ứng hạt nhân, nguồn phóng xạ trong một số thiết bị đo đạc, máy X quang y tế...) và được các cơ quan chuyên môn quản lý, cách ly và theo dõi chặt chẽ. Do đó chúng không thể là “tia đất xấu” gây tán gia bại sản như quan niệm của TS Vũ Bằng. Vậy chỉ còn các bức xạ không i-on hóa mà thôi.
Các bức xạ không i-on hóa trong môi trường mà chúng ta đang sống, bao gồm địa từ trường (từ trường trái đất), các bức xạ điện từ xuất phát từ sóng phát thanh và truyền hình, sóng điện thoại di động hoặc từ hệ thống điện lưới.
Cần lưu ý rằng, để tìm khoáng sản, vật chôn giấu có cấu trúc kim loại hoặc tàu ngầm đang lặn sâu dưới mặt biển, người ta có thể theo dõi các biến đổi địa từ trường tại địa điểm nghi ngờ. Trong những trường hợp đó, hoạt tính địa từ trường là tín hiệu cần đo, còn các bức xạ điện từ khác là can nhiễu cần loại bỏ.
Vậy địa từ trường và các bức xạ điện từ khác có thể gây hại cho cư dân tới mức “tán gia bại sản” hay không? Nếu quan tâm tới cơ chế tương tác của điện từ trường với cơ thể sống và hệ lụy sức khỏe của mối tương tác đó, có thể thấy những tuyên bố như vậy chỉ là sự hoang tưởng.
Trước tiên cần khẳng định rằng, từ trường trái đất không có tác hại gì tới sức khỏe con người, do giá trị quá nhỏ, với cảm ứng từ trung bình chỉ khoảng 0,05 mT (mi-li-Tesla). Để so sánh, cần biết rằng cảm ứng từ của cục nam châm (cục hít) trong một món trò chơi trẻ em cũng đạt tới vài chục mT, tức lớn hơn hoạt tính địa từ hàng ngàn lần.
Vậy có loại bức xạ nào mạnh đến mức gây bệnh cho một gia đình hay không? Câu trả lời là chỉ có một trường hợp mà thôi, đó là những ngôi nhà vi phạm quy tắc an toàn trên các đường dây cao thế. Khi đó điện từ trường mạnh từ đường dây thậm chí tới 500 kV sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên đây là các trường hợp vi phạm pháp luật, nên chúng cũng không thuộc phạm vi mà TS Vũ Bằng muốn nói tới.