(CAO) Thông tin từ Bảo hiểm xã hội TPHCM cho biết, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội của các đơn vị, doanh nghiệp ngày càng phổ biến và phức tạp.
Ngày 16/2, đánh giá về tình hình nợ đọng bảo hiểm xã hội trong năm 2021, đại diện Bảo hiểm xã hội TPHCM cho biết thành phố có 60.000 doanh nghiệp, đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội với số tiền gần 3.100 tỷ đồng, tăng gần 45% so với năm 2020 (2.128 tỷ đồng).
Trong số đó, gần 1.000 đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội trên 6 tháng và từ 300 triệu đồng trở lên với tổng số tiền hơn 1.655 tỷ đồng, chiếm hơn 53,3% và nhiều doanh nghiệp thuộc ngành hàng không.
Ngoài ra, nhiều đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian dài với số tiền trên 10 tỷ đồng...
Theo Bảo hiểm xã hội TP, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội của các đơn vị, doanh nghiệp ngày càng phổ biến và phức tạp, nhất là dựa vào tình hình dịch COVID-19 gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cố tình không tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động hoặc đóng không đủ số lao động, đóng không đúng đối tượng, không đúng mức lương, không khắc phục sai phạm mặc dù đã được thanh tra, đôn đốc thực hiện và xử lý vi phạm hành chính…
Ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM cho biết trong các doanh nghiệp, đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội trong thời gian gần đây có nhiều doanh nghiệp thuộc ngành hàng không, nhiều doanh nghiệp có thời gian nợ bảo hiểm xã hội kéo dài hơn 8 tháng.
Tác động của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động, tần suất khai thác các chuyến bay. “Tuy nhiên, việc nhiều đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội kéo dài đã gây khó khăn cho công tác thu hồi ngân sách nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động...," ông Thanh chia sẻ.